Thông thường cá to có bộ lòng đủ cả tim gan bao tử, ruột, bong bóng, trứng cá cái và sữa cá đực (tinh dịch). Có bộ lòng nặng chỉ vài lạng, hoặc hơn cả cân với các loại cá to. Nếu như với các con vật khác, nội tạng to và được bán rộng rãi, nội tạng cá lại khá khiêm tốn và không dễ để mua.
Khi làm thịt cá, nhiều người hay vứt bỏ nội tạng song cũng có nhiều người lại ghiền ăn bộ phận này. Tuy nhiên, có nên ăn nội tạng cá hay không là điều không phải ai cũng biết.
Bộ phận nào nên ăn?
Trả lời PV, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay, trong nội tạng cá, duy chỉ có gan và trứng là hai bộ phận ăn rất tốt cho cơ thể đồng thời không chứa đựng các yếu tố độc hại. Khác với các loại động vật trên cạn, gan cá chứa độc tố không đáng kể. Đồng thời lượng cholesterol của cá tốt hơn so với động vật trên cạn.
Ảnh minh hoạ: Internet
Bộ phận này ăn rất ngon, nhất là với các loại cá hiếm như cá lồi, cá đuối. Trong đó, gan cá lồi bùi, cũng giống cá đuối nhưng trắng hơn, thường được chưng cách thủy với hạt tiêu ăn bổ phổi sáng mắt. Trẻ con bị còi được bồi dưỡng món này sẽ nhanh lớn.
Còn về trứng cá, nhiều người quan niệm ăn nhiều sẽ dẫn tới việc bị… mụn trứng cá. “Đây là một quan niệm nhảm nhí và nhầm lẫn giữa tên gọi một bộ phận với một bệnh lý của làn da. Thực chất, chất béo trong trứng cá rất tốt, đặc biệt hàm lượng omega 3 của nó rất cần thiết cho sức khỏe, nhất là phụ nữ. Ăn trứng cá thậm chí còn giúp da chị em trở nên đẹp hơn”.
Hai bộ phận độc của nội tạng cá
PGS Thịnh khuyến nghị người dân chỉ nên ăn gan và trứng trong các nội tạng cá. Ngược lại, ruột và mật là 2 bộ phận cần loại bỏ khi ăn thịt cá.
“Về nguyên tắc, không nên ăn ruột cá. Thứ nhất, bởi cá sống dưới nước và ăn rất nhiều loại chất tạp. Chúng đi qua miệng và nằm lại trong ruột cá. Do đó, cá khả năng chứa rất nhiều chất bẩn. Thứ hai, ruột cá rất có khả năng nhiễm ký sinh trùng, trứng giun, trứng sán rất lớn, đặc biệt là giun xoắn. Loài giun này thường cuộn chặt trong các ổ tròn có đường kính nhỏ không màu hoặc các ấu trùng màu đỏ rất khó phát hiện bằng mắt thường. Tựu chung, ruột chính là bộ phận bẩn nhất của cá. Vì thế, khi cá bị vỡ ruột, cá thối, ươn rất nhanh”, PGS Thịnh thông tin.
Ông cho hay, sự tác động của ruột cá lớn hơn các con vật khác do nó chứa rất nhiều vi sinh vật, thêm vào đó, cơ của cá rất lại rất dễ bị phân hủy.
“Nếu ruột bé nên vứt đi. Chỉ ăn với những ruột cá to. Nhưng cần chú ý tách cẩn thận phần ruột ra khỏi cơ thể cá, rửa, bóp muối cẩn thận. Với nhiệt độ cao, các vi sinh vật, ấu trùng giun sán có thể bị tiêu diệt song nếu nấu chưa chín hoặc ăn tái, nguy cơ mắc bệnh rất lớn. Thực tế, có rất nhiều bệnh nhân được phát hiện nhiễm giun, sán xuất phát từ thói quen ăn ruột cá không đảm bảo nguyên tắc ăn chín uống sôi này”, PGS Thịnh cho hay.
Riêng mật cá, chuyên gia này khuyến nghị đặc biệt không nên ăn. “Trong quá trình mổ, tất cả loại mật đều của các con vật đều không nên ăn, bao gồm cả cá. Đây là nơi cung cấp các men, enzim song đồng thời cũng chứa rất nhiều độc tố. Ăn vào, con người có thể bị trúng độc”, PGS Thịnh khuyến cáo.
Về bộ phận này, PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế), thông tin thêm, mật các loại cá trắm, chép, trôi, anh vũ… rất nguy hiểm do có chất alcool gây xuất huyết, tổn thương nội tạng, nhất là ống thận. Trong đó, độc nhất là mật cá trắm. Song, nhiều người vì ngộ nhận nên đã dùng bộ phận này để chữa bệnh, dẫn tới ngộ độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, thậm chí mất mạng.
Những biểu hiện trúng độc sau khi ăn hoặc uống mật cá thường là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, phản ứng chậm, mắt vàng, tiểu ít, chân phù, co giật. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.
PGS Trần Đáng cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã có rất nhiều khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào song vẫn có rất nhiều người xem thường điều này.