Triết lý tối giản đậm tính thời đại của Mahatma Gandhi

Triết lý tối giản đậm tính thời đại của Mahatma Gandhi

Những nguyên tắc theo triết lý tối giản của Mahatma Gandhi được cho là giải pháp để đối mặt với các thách thức hiện nay, như biến đổi khí hậu.

Chủ nghĩa tối giản được cho là trọng tâm trong tư tưởng về lối sống trách nhiệm của cố lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi, người lãnh đạo đất nước đấu tranh giành độc lập trước thực dân Anh.

Theo cách thực hành hiện nay, chủ nghĩa này tập trung vào việc đơn giản hóa cuộc sống thông qua loại bỏ những phiều toái và bớt sở hữu những thứ không giúp tăng giá trị cuộc sống.

Manish Sharma, giảng viên ngành Nghiên cứu Hòa bình và chủ nghĩa Gandhi tại Đại học Panjab của Ấn Độ, chỉ ra rằng mặc dù là một lãnh đạo nổi tiếng toàn cầu và gia đình gồm 5 người, Gandhi không bao giờ lo lắng về tài sản, di sản và những người thừa kế của ông.

Cố lãnh tụ Ấn Độ Mahatma Gandhi. Ảnh: Dinodia Photos.

“Sự đơn giản, hay phong cách sống tối giản, là đặc điểm nổi bật nhất khiến Gandhi trở nên khác biệt so với những lãnh đạo thế giới khác. Ông ấy sống, trò chuyện và hành động với tấm lòng chân thành. Trong khi nhiều người của công chúng cho rằng vẻ ngoài sắc sảo là quan trọng, Gandhi lại tự hào mặc bộ đồ dhoti trắng truyền thống”, Sharma lập luận.

Nhà nghiên cứu này cho hay Gandhi sở hữu rất ít đồ đạc. Vật đáng giá nhất của lãnh tụ Ấn Độ là chiếc chăn để đắp mùa đông. Những tài sản khác của ông cũng không có gì ngoài một cây gậy chống, một cặp kính, đôi dép, một bát ăn và vài mảnh vải.

Một số nhà sử học cho rằng Gandhi sở hữu không quá 10-20 đồ vật vào thời điểm ông qua đời. Ramchandra Guha, tác giả nổi tiếng kiêm nhà sử học, từng gọi Gandhi là “người theo chủ nghĩa tối giản điển hình nhất”.

Tư tưởng về chủ nghĩa tối giản của Gandhi không chỉ liên quan đến phong cách sống đơn giản, mà còn được mở rộng sang mục đích bảo vệ môi trường và giải phóng bản thân, rất lâu trước khi thế giới ý thức được về biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu.

“Gandhi đã thực hiện công việc tái chế vài thập kỷ trước khi ý tưởng này trở nên phổ biến trong công chúng. Dù không thường xuyên đề cập đến vấn đề sinh thái hoặc môi trường trong các bài viết, những hành động của ông ấy đã chứng minh tư tưởng một cách rõ ràng, như không mua thêm đồ, tái sử dụng những phong bì cũ, lấy những bộ đồ cũ đã rách làm giẻ lau”, Sharma cho biết.

Trong cuốn tự truyện “Những trải nghiệm của tôi với sự thật”, Gandhi viết rằng chủ nghĩa tối giản còn mở đường cho sự tự do và tự lực. Ông kêu gọi sống một cách có ý thức, quan tâm đến tính đa dạng và những mối quan hệ khác nhau giúp kết nối con người với môi trường xung quanh.

“Chủ nghĩa tối giản không đặt khao khát của bản thân lên trước hết, mà là trách nhiệm của chúng ta với những người khác. Gandhi đề nghị chúng ta trở thành những người được ủy thác của hành tinh này, không phải chủ nhân của nó”, Sharma phân tích.

Sharma bổ sung thêm rằng cuộc đời của Gandhi để lại bài học về cách trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm và nhận ra những hệ quả từ hoạt động tiêu dùng. “Quan trọng nhất, ông ấy muốn chúng ta tự chủ”, Sharma cho hay.

Giới chuyên gia đánh giá ngoài vấn đề môi trường, triết lý tối giản của Gandhi còn giúp xã hội đối mặt với một thách thức “vô tiền khoáng hậu” khác là đại dịch Covid-19, bằng cách chỉ sở hữu những thứ cần thiết.

“Thật phi thường khi một người đàn ông giản dị để lại di sản phong phú đến vậy cho thế giới, giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Giống như tất cả chúng ta, Gandhi cũng có những sai lầm và thách thức cá nhân, nhưng hành trình tìm kiếm chân lý của ông vẫn truyền cảm hứng cho đến ngày nay và đang phát huy giá trị hơn bao giờ hết”, Sharma đánh giá.

Ánh Ngọc (Theo MIG)

Nguồn: https://vnexpress.net/triet-ly-toi-gian-dam-tinh-thoi-dai-cua-mahatma-gandhi-4352076.html