Trị bệnh bằng thuốc ‘trời ơi đất hỡi’, thân sưng phù tróc vảy

Trị bệnh bằng thuốc ‘trời ơi đất hỡi’, thân sưng phù tróc vảy

Bệnh vảy nến. Ảnh: Internet
(PLO)- Dùng thuốc không rõ nguồn gốc trị vảy nến, toàn thân người phụ nữ sưng phù, tróc vảy, không tự đi đứng được. 

Chiều 15-4, TS-BS Nguyễn Trọng Hào, Giám đốc Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM, cho biết BV vừa điều trị trường hợp biến chứng nặng do tùy tiện dùng thuốc không nguồn gốc điều trị bệnh vảy nến.

Bệnh nhân là bà LTHD (37 tuổi, ở Đồng Nai), nhập viện trong tình trạng toàn thân sưng phù, tróc vảy, rỉ dịch, không tự đi đứng do quá đau nhức.

Bà D. cho biết mang căn bệnh vảy nến đã lâu. Từ giới thiệu của người quen, bà tìm mua một loại thuốc không nguồn gốc về bôi lên người. Chẳng những vảy nến không hết mà bệnh tình ngày càng nặng hơn buộc bà phải tới BV.

Tại đây, bà D. được các bác sĩ (BS) điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm nhiều ngày. Sau đó người bà hết sưng phù, mảng vảy nến cũ bong tróc và được thay lớp da mới.

Theo BS Nguyễn Vũ Hoàng, Phó Trưởng khoa Lâm sàng 2  thuộc BV Da liễu TP.HCM, người bị vảy nến nên đến BV chuyên khoa để được điều trị. Sử dụng tùy tiện thuốc không rõ nguồn gốc sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hại.

Bệnh vảy nến là bệnh viêm da rất thường gặp. Đây là một bệnh mãn tính, hay tái phát với những mảng da dày, đỏ, có vảy trắng hay bạc.

Bình thường các tế bào da cũ chết đi, bong ra và các tế bào da mới thay thế. Ở người mắc bệnh vảy nến, quá trình này diễn ra nhanh gấp 10 lần (hiện tượng tăng sinh tế bào da) khiến các tế bào da cũ và mới không kịp thay thế, dồn đống lại tạo thành những mảng dày, đỏ, có vảy trắng hay bạc.

Bệnh vảy nến có biểu hiện rất đa dạng, từ mức độ nhẹ mà người bệnh không nhận biết, đến mức độ nặng ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh vảy nến có thể khởi phát ở giai đoạn sớm từ 16 – 22 tuổi hoặc ở giai đoạn muộn từ 50 – 60 tuổi. Bệnh có thể kéo dài suốt đời hay bộc phát với những đợt riêng lẻ.

(Nguồn: Suckhoedoisong.vn)

TRẦN NGỌC/THEO PLO.VN

Trả lời