Trận đánh không một cuốn sử Trung Quốc nào dám ghi lại: 30.000 binh lính tinh nhuệ bị quét sạch, đối thủ chỉ thương vong 5 người

Trận đánh không một cuốn sử Trung Quốc nào dám ghi lại: 30.000 binh lính tinh nhuệ bị quét sạch, đối thủ chỉ thương vong 5 người

Khánh An |

(Tổ Quốc) – Kết quả này đã chứng minh thêm cho chân lý: Cứ mãi đắm chìm trong hào quang của quá khứ thì cuối cùng cũng sẽ bị hiện thực tàn khốc đánh cho tỉnh mộng.

Trong lịch sử Trung Quốc từng có nhiều trận chiến lấy ít thắng nhiều, ví dụ như trận Cự Lộc năm 208TCN, trận Quan Độ năm 200 Công nguyên hay trận Phì Thủy thời Đông Tấn… tất cả đều là những trận đánh vô cùng nổi tiếng.

Vào thời Đông Hán từng lưu truyền một câu thơ đậm chất thô bạo như sau: “Phạm đến người Hán, dù xa cũng giết” nhằm thể hiện sức mạnh về quân sự của triều đại này.

Nhưng đến những năm cuối thời nhà Thanh đã xảy ra một trận chiến đầy nhục nhã hoàn toàn tương phản với những trận chiến trên.

Chúng ta đều biết, người đặt nền móng cho nhà Thanh là Nỗ Nhĩ Cáp Xích. 

Năm 25 tuổi, Nỗ Nhĩ Cáp Xích khởi binh thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, bởi vì các bộ tộc Nữ Chân đều là dân du mục, lớn lên trên lưng ngựa, có sức chiến đấu vô cùng mạnh mẽ, cho nên khi vó ngựa quân Thanh tiến vào trung nguyên, hầu như chẳng có người nào có thể địch lại, cuối cùng đã thành lập nên nhà Thanh.

Dĩ nhiên là trong quá trình đó còn có một nguyên nhân quan trọng khác nữa là vào cuối thời nhà Minh, các cuộc khởi nghĩa nổ ra liên tiếp, trung nguyên loạn lạc mới giúp cho quân Thanh thừa cơ tấn công vào.

Những năm đầu nhà Thanh, trải qua thời thịnh thế của ba đời Hoàng đế Khang Hi – Ung Chính – Càn Long, nhà Thanh đã phát triển đến đỉnh cao của một vương triều thời phong kiến. 

Song, đứng trên đỉnh cao rồi cũng sẽ có lúc phải thoái trào, nhà Thanh thất bại bởi chính chính sách cấm biển, bế quan tỏa cảng hạn chế giao thương với người phương Tây do Càn Long ban bố thi hành năm 1757.

Hình ảnh nhân vật Càn Long Đế trên phim.

100 năm sau, sau khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng nổ, các quốc gia phương Tây phát triển vượt bậc chưa từng có, từ trang bị quân sự đến sản xuất, một Đại Thanh bấy giờ đang bế quan tỏa cảng đã chẳng thể nào sánh ngang bằng. Phương Tây đưa rất nhiều sản phẩm công nghiệp hóa của mình du nhập vào Trung Quốc, và lẽ dĩ nhiên mâu thuẫn đã nảy sinh.

Nhưng sau chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, sự chênh lệch về quân sự giữa hai bên đã rất rõ ràng. Là cường quốc bên thắng trận, các quốc gia phương Tây chẳng hề e dè gì mà không ngừng xâm chiếm lãnh thổ Trung Hoa.

Để có thể tiếp tục mở cửa thị trường Trung Quốc, vào tháng 10 năm 1856, phương Tây phát động cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai, trận chiến Bát Lý Kiều chính là trận chiến ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ hai.

Bấy giờ, lực lượng tham chiến là quân đội chủ lực bên phía nhà Thanh, tức kỵ binh Mông Cổ.

Sự mạnh mẽ của kỵ binh Mông Cổ có lẽ đã chẳng còn xa lạ gì với tất cả mọi người trên thế giới, tuy rằng tất cả đều dùng binh khí lạnh, nhưng một khi đã đến gần thì tấn công không khác gì hổ báo, dù có muốn thoát cũng chẳng thoát được.

Chính vì thế, liên quân Anh Pháp đã sử dụng cách khiến kỵ binh này không thể tiếp cận quân mình, họ đã dùng khẩu pháo dài và lớn để đối phó với binh khí lạnh.

Chuyện này khiến quân Thanh không thể ngờ đến, kỵ binh Mông Cổ vốn đã chuẩn bĩ kỹ lưỡng để ứng phó với pháo của kẻ địch, nhưng hỏa lực và đường bắn của những khẩu pháo kia lại mạnh mẽ gấp mấy lần pháo bình thường, quân kỵ binh Mông Cổ không có cách nào có thể tiếp cận được kẻ địch, mà ngựa chiến còn bị tiếng pháo dọa cho hoảng loạn, không thể khống chế.

Kết quả cuối cùng không cần nghĩ cũng biết, rất nhiều kỵ binh Mông Cổ bị ngã ngựa, sau bị giẫm chết, nếu không cũng bị pháo bắn chết. Song những binh sĩ dũng mãnh như quân đội Mông Cổ không chấp nhận lui bước mà ngược lại còn lớp lớp xông lên tấn công. Quân Mông Cổ ngã xuống, quân Thanh lại tiếp túc tấn công.

Quân đội nhà Thanh phát hiện ra sơ hở trong liên quân Anh Pháp, liền tấn công vào đó, cũng đã phá vỡ được phòng tuyến phòng ngự của đối phương. Nhưng bởi vì chênh lệch về vũ khí giữa hai bên quá lớn, quân Thanh chỉ giết được một vài pháo thủ của kẻ thù còn bản thân lại thương vong quá nhiều.

Sau cùng, quân đội nhà Thanh đại bại, tất nhiên là quân đội Anh, Pháp cũng gặp phải những đả kích khác nhau.

Điều khiến quân đội Anh Pháp kinh hãi nhất đó là sự dũng mãnh của binh sĩ nhà Thanh. Rõ ràng đã biết hai bên chênh lệch nhau rất nhiều nhưng vẫn liều chết xông lên.

Kết quả cuối cùng, liên quân Anh Pháp chỉ chết 5 người trong đó quân đội Pháp chết 3, quân đội Anh chết 2 người, mà bên phía Trung Quốc, hơn 30.000 quân lính tinh nhuệ hầu như bị quét sạch.

Khi xưa, Thành Cát Tư Hãn dùng kỵ binh đi chinh phục thế giới, vậy mà đến cuối thời Thanh, kỵ binh bị pháo hỏa phương Tây đánh cho tan tác.

Điều khiến người ta phải cảm thán ấy chính là, lịch sử không ngừng phát triển, chỉ khi không ngừng tiến lên, không ngừng thay đổi thì mới có thể không bị lịch sử đào thải. Cứ mãi đắm chìm trong hào quang của quá khứ thì sau cùng cũng sẽ bị hiện thực tàn khốc đánh cho tỉnh mộng.

*Theo Sohu (Trung Quốc)

Nguổn: http://ttvn.toquoc.vn/tran-danh-khong-mot-cuon-su-trung-quoc-nao-dam-ghi-lai-30000-binh-linh-tinh-nhue-bi-quet-sach-doi-thu-chi-thuong-vong-5-nguoi-8202117121244473.htm