Nhức nhối thuốc giả xâm nhập thị trường

Nhức nhối thuốc giả xâm nhập thị trường

GD&TĐ – Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả. Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả. Ảnh minh họa

Bộ Y tế liên tiếp phát cảnh báo về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Việc sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể làm bệnh ngày càng trầm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vấn đề muôn thuở

Cuối tháng 7, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Dương phát hiện mẫu thuốc kháng sinh Cefixime 200, số lô 04200623 và 28201123 không đạt yêu cầu chất lượng. Trên nhãn hai mẫu thuốc này ghi nơi sản xuất là Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết, có dấu hiệu khác biệt giữa mẫu thuốc lưu tại đơn vị và mẫu thuốc kiểm nghiệm, cho thấy thuốc được kiểm nghiệm là giả. Tháng 8/2023, công ty này từng phát cảnh báo thuốc Cefixime bị làm giả, khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi mua.

Trước đó, Công an Quận 10 (TPHCM) đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh xảy ra trên địa bàn. Quá trình điều tra xác định, đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả do Lữ Phú Thám (sinh năm 1980, trú Phường 15, Quận 10) cầm đầu, hoạt động từ đầu năm 2022 đến nay.

Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 39 thùng thuốc chứa 6.022 lọ, chai thuốc giả, không có hóa đơn chứng từ về nguồn gốc xuất xứ. Khám xét tại nơi ở của các đối tượng và kho chứa hàng, lực lượng chức năng thu giữ 109 thùng thuốc chứa hơn 100.000 vỉ, hộp, chai, ống thuốc giả các loại; hơn 35.000 vỏ hộp, tem, nhãn thuốc giả; các máy in date, máy ép nhiệt và các công cụ, dụng cụ dùng để sản xuất thuốc giả.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho hay, đã nhận được Công văn số 498 đề ngày 9/8/2024 của Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo về việc mẫu sản phẩm có thông tin ghi trên nhãn viên nén bao phim Cefĩxim 200 (cefixim 200 mg); số GĐKLH: VD-28887-18; số lô: 15030723, NSX: 030723, HD: 030725.

Mẫu thuốc trên có các dấu hiệu thuốc giả như hướng dẫn trước đó của Cục Quản lý Dược về thuốc giả Cefixim 200. Khi kiểm tra chất lượng, lô thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định tính cefixim theo tiêu chuẩn cơ sở.

Kẽ hở để thuốc giả trà trộn

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng bộ phận điều trị oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga nhận định, tình trạng thuốc giả, kém chất lượng được bán “tràn lan” trên thị trường là “vấn đề muôn thuở”.

Theo chuyên gia này, bất kỳ hàng hóa giả, nhái, kém chất lượng nào cũng đều có thể gây hại, đặc biệt là thuốc. Trong đó, có 4 nhóm hậu quả khi người dân sử dụng phải thuốc giả. Thứ nhất là nguy cơ cao gây kháng thuốc kháng sinh.

Đây là vấn nạn trên toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Nguy cơ thứ hai là thành phần của thuốc giả có thể không tinh khiết, hoặc có chất không đảm bảo. Từ đó, gây dị ứng hoặc thậm chí là sốc phản vệ, gây độc cho gan, thận của người dùng.

Thứ ba, việc dùng thuốc giả sẽ không mang lại hiệu quả điều trị, tình trạng bệnh không thuyên giảm. Hoặc, có thể khiến diễn biến bệnh nặng hơn, nguy cơ đến tính mạng.

Không chỉ ở phía người bệnh, nếu vấn nạn thuốc giả tiếp tục tràn lan thì các bác sĩ, cơ sở y tế, các nhà sản xuất thuốc cũng có thể bị ảnh hưởng trầm trọng đến uy tín, mất đi niềm tin của người sử dụng.

“Dù vậy, theo tôi, nguy cơ những loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể “lọt” được vào các cơ sở y tế, các nhà thuốc lớn là không cao. Bởi, quá trình đấu thầu, kiểm định rất nghiêm ngặt. Ngược lại, vấn nạn này ở các nhà thuốc nhỏ lẻ hiện nay thế nào, theo tôi đây là một câu hỏi lớn, trong bối cảnh đây vẫn là những địa chỉ mua thuốc có mặt ở khắp nơi và khá thân thuộc đối với phần lớn người dân lao động”, bác sĩ Hoàng nhận định.

Chuyên gia này khuyến cáo, để tránh nguy cơ sử dụng thuốc giả, thuốc nhái, kém chất lượng, người dân cần tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo những đơn trôi nổi trên mạng, truyền tai. Thay vào đó, cần mua theo đơn thuốc của bác sĩ. Người dân nên mua thuốc tại những cơ sở có uy tín.

“Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần được kê đơn. Song, thực tế, người dân vẫn tự ý mua kháng sinh về sử dụng. Điều quan trọng là phải kiểm soát vấn đề này. Ngoài ra, về nguyên tắc, Cục Quản lý Dược kiểm soát thuốc từ đầu vào rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đôi khi, vẫn có cơ sở kinh doanh nhà thuốc nhỏ lẻ nhập từ nguồn không chính thống. Đó là “kẽ hở” để thuốc giả, kém chất lượng trà trộn”, bác sĩ Hoàng nêu.

Chuyên gia này cho rằng, ở góc độ quản lý, các nhà thuốc cần có đăng ký về thuốc mua một cách rõ ràng. Bên cạnh đó, cũng cần hỗ trợ thêm cho các nhà thuốc nhỏ lẻ về mặt công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn để tránh khả năng thuốc giả có thể xâm nhập.

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri về tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang tồn tại dai dẳng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016.

Trong đó, có sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến công tác quản lý chất lượng thuốc theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn. Bộ Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn việc sản xuất và đưa ra lưu thông thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả. Đó có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.

Theo đó, qua 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh, các chuyên gia kết luận, trong số những loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%. Riêng tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong thời gian gần đây khiến khá nhiều người băn khoăn, lo lắng.

Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho hay, trong năm 2021, hệ thống kiểm nghiệm toàn quốc đã kiểm tra chất lượng trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu; phát hiện 338 mẫu không đạt chất lượng. Về chất lượng thuốc, có 118/28.659 mẫu thuốc trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 0,41%) và tỷ lệ này ở thuốc nhập khẩu là 26/3.042 thuốc nước ngoài (chiếm 0,86%). Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm, đã phát hiện 20 mẫu thuốc nghi ngờ là thuốc giả, tăng 11 mẫu so với cùng kỳ năm trước.