Sức khỏe, Sức khỏe cộng đồng, Thông tin
Người dùng đang đánh cược sức khỏe với đường trắng không nhãn mác
Người dùng đang đánh cược sức khỏe với đường trắng không nhãn mác
Thói quen mua đường trắng không nhãn mác còn phổ biến
Theo thông tin từ báo Công Thương, đường là một gia vị quan trọng và không thể thay thế. Với mức độ tiêu thụ vừa phải, đường cung cấp nguồn năng lượng quan trọng cho cơ thể, đặc biệt là người lao động nặng. Và như bao loại gia vị, thực phẩm khác, chất lượng của đường cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực thế cho thấy hiện nay rất nhiều người lại không có sự quan tâm đúng mức tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng đường.
Bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất chính là thói quen mua các loại đường không nhãn mác, xuất xứ vẫn còn rất phổ biến, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Dạo một vòng các chợ truyền thống, có thể dễ dàng bắt gặp các bao đường trắng, đường vàng, đường phèn bán theo kg hoặc được đóng sẵn trong túi ni lông 500g đến 1kg, cột bằng dây thun. Các sản phẩm này hoàn toàn không có thông tin cơ sở sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm cũng như chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù vậy, cả người bán lẫn người mua đều không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, vẫn vô tư sử dụng hằng ngày, chủ yếu vì mức giá rẻ hơn các loại đường túi có nhãn mác rõ ràng.
Đường trắng không rõ nguồn gốc, không nhãn mác nguy cơ gây hại sức khỏe cần tránh. Ảnh: báo Công Thương
Trước đây, do công nghệ cũ, đường trắng thường có màu ngả vàng. Màu vàng này chính lượng mật mía còn lại sau quá trình ly tâm. Để “nâng hạng” sản phẩm nhằm bán được giá cao hơn, nhiều cơ sở đã sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp (trong đó có axit photphoric – H3PO4) để tẩy màu cho đường, tạo ra màu trắng sáng. Đến những năm gần đây, khi nhiều người lo ngại đường trắng sử dụng thuốc tẩy và chuyển sang sử dụng đường vàng (đường “mỡ gà”), các cơ sở sản xuất lại sử dụng đường trắng (nhập lậu từ Thái Lan) trộn với màu công nghiệp để tạo ra các loại “đường vàng mật mía”, đánh lừa người tiêu dùng.
Cá biệt có trường hợp cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở sử dụng… máy trộn bê tông để trộn đường. Và một phần không nhỏ các loại đường trắng, đường vàng trôi nổi trên thị trường chính là các sản phẩm sản xuất bằng phương pháp độc hại, vô cùng mất vệ sinh này.
Không chỉ chế biến dường trắng “bẩn” đường nhập lậu cũng diễn biến phức tạp. Theo tin tức trên báo Quân đội Nhân dân, gần đây nhất Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang đã phối hợp với Đội cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh An Giang phát hiện và bắt giữ vụ buôn lậu 2,15 tấn đường từ Campuchia về Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa khoảng 43 triệu đồng.
Tương tự, trước đó không lâu Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam do Vi Hoàng Minh (sinh năm 1994, trú tại số 166 Trần Hưng Đạo, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang) cầm đầu.
Theo đó, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định: Vi Hoàng Minh là đối tượng chủ mưu, tổ chức chỉ đạo đồng bọn thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái pháp luật đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam.
Trong đó, Vi Hoàng Minh trực tiếp mua, thanh toán tiền đường cát trắng tại Campuchia; chỉ đạo đồng bọn mang các vỏ bao in nhãn mác ghi tên Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên Kim Hưng Lợi (do Vi Hoàng Minh là người được ủy quyền điều hành) từ Việt Nam sang Campuchia để thay vỏ bao đường in chữ nước ngoài nhằm che giấu, đối phó với cơ quan chức năng kiểm tra trong quá trình vận chuyển; tổ chức lực lượng thuê người bốc vác, vận chuyển hàng bằng ghe từ Campuchia về Việt Nam qua đường Rạch, kênh Vĩnh Tế (ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Sau đó, các đối tượng thuê xe ô tô tải chở hàng từ bãi tập kết (bãi Cống Đồn, ấp Bà Bài) về kho của Công ty TNHH Di Thạnh (địa chỉ đường Tôn Đức Thắng, phường Mỹ Thành, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Đồng thời, các đối tượng tổ chức lực lượng canh gác, cảnh giới dọc tuyến đường ra, vào từ khu vực bãi bốc hàng về kho nhằm phát hiện, đối phó các lực lượng chức năng.
Toàn bộ số lượng đường cát trắng được vận chuyển từ kho của Công ty TNHH Di Thạnh đến kho của Công ty TNHH Một thành viên Kim Hưng Lợi (tại phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) và các nơi khác để tiêu thụ.
Tác hại của đường trắng không nhãn mác và sự lựa chọn an toàn
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc sử dụng các loại đường bẩn, đường nhuộm màu công nghiệp về lâu dài sẽ gây tích tụ các chất độc trong cơ thể, dễ dẫn đến nhiều tác hại, trong đó có nguy cơ ung thư. Tác hại này hoàn toàn là có thật nhưng dường như nhiều người tiêu dùng vẫn chưa ý thức, góp phần giúp các loại đường trên vẫn còn phổ biến trên thị trường.
Do đó, thay vì mua túi đường trắng, đường vàng không nhãn mác rẻ hơn 1.000 – 2.000 đồng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe bản thân và gia đình, bà nội trợ hoàn toàn có thể lựa chọn túi đường có thương hiệu, được bảo đảm chất lượng cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở sản xuất, thương nhân chịu trách nhiệm. Đây là một trong những thói quen cần phải có của một người tiêu dùng thông thái, phù hợp với xu hướng hiện đại. Và khi thói quen này phổ biến, nhu cầu sử dụng đường trôi nổi không còn thì tự nhiên các loại đường độc hại, mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ biến mất.
An Dương (T/h)/Theo vietq.vn