Danh ngôn & cuộc sống, Quảng bá thương hiệu, Thông tin
Cô gái về từ vùng dịch Hàn Quốc “livestream”: Ấu trĩ…đừng tỏ nguy hiểm?!
Cô gái về từ vùng dịch Hàn Quốc “livestream”: Ấu trĩ…đừng tỏ nguy hiểm?!
(Kiến Thức) – Cô gái khoe khoang thành tích trốn cách ly khi trở về từ vùng dịch Hàn Quốc đang khiến dư luận bức xúc. Bởi trong bối cảnh cả nước đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh, hành vi này trở nên ấu trĩ, lố bịch…
Mạng xã hội mấy ngày qua xôn xao về livestream “khoe thành tích” trốn cách ly khi về từ vùng dịch Hàn Quốc của cô gái quê Kiên Giang (đang tạm trú tại Bình Dương).
Theo đó, cô gái N.T.T sống tại thành phố Daegu (điểm dịch bệnh phức tạp của Hàn Quốc) sau đó qua thành phố Busan (Hàn Quốc) để trở về Việt Nam. Tuy nhiên, khi vừa nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đã livestream chia sẻ bí quyết khai báo y tế không trung thực để không bị cách ly khi trở về Việt Nam từ vùng dịch. Thậm chí, cô gái này còn hứa hẹn sẽ livestream tiếp để hướng dẫn cho những người khác từ vùng dịch về Việt Nam “mà không bị cách ly”.
Sự việc khiến dư luận vô cùng bức xúc và lên án hành động không ý thức phòng chống dịch bệnh của cô gái này trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, đặc biệt là thành phố Daegu nơi cô gái từng lưu trú.
Cô gái về từ vùng dịch Hàn Quốc “livestream” khoe thành tích trốn cách ly khiến dư luận bức xúc.
Sự khoe khoang thành tích trốn cách ly của cô gái trở về từ vùng dịch Hàn Quốc là ấu trĩ, lố bịch, kệch cỡm, thể hiện sự thiếu hiểu biết, không tôn trọng sức khỏe của bản thân, người thân và cộng đồng xã hội.
Thời gian qua cả nước nỗ lực “chống dịch như chống giặc”, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ với các giải pháp phù hợp, đồng bộ cùng với tinh thần triển khai quyết liệt, chủ động, kịp thời, quyết tâm của cả hệ thống chính trị đã đạt được kết quả cụ thể, tích cực trong phòng chống dịch Covid-19 được nhân dân cả nước tin tưởng và quốc tế ghi nhận.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh là cách ly và Việt Nam đã làm rất tốt việc này khi kiên quyết cách ly cả một xã hơn 10000 dân, cách ly những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm, đến từ vùng dịch. Mới đây, sự việc hơn 20 khách Hàn Quốc phải về nước do không chịu vào điểm cách ly cho thấy sự quyết tâm của chính quyền và cơ quan chức năng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Hàng triệu học sinh hiện vẫn phải nghỉ học để ngăn ngừa dịch bệnh.
Sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với tinh thần không run sợ, không quá lo lắng, nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan và sự chấp hành thực hiện tốt biện pháp cách ly của nhiều người có nguy cơ lây nhiễm đã giúp chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh. Do đó, không thể chấp nhận hành vi của cô gái khi chia sẻ, khoe khoang thành tích trốn cách ly khi bản thân cô gái này vừa trở về từ vùng dịch.
Đó là một lối suy nghĩ nguy hiểm bởi trốn cách ly khi bản thân có thể lây nhiễm bệnh sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới rất phức tạp, khó lường tại Hàn Quốc, I-ta-li-a, I-ran, Nhật Bản và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác, nhiều công dân Việt Nam đã và đang trở về nước từ các điểm dịch.
Nêu ý kiến về hành vi của cô gái, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc cố tình khai gian, khai thông tin không chính xác, che giấu thông tin để “né” bị cách ly hay không tuân thủ yêu cầu cách ly của cơ quan y tế, nếu người phải cách ly bị nhiễm bệnh sẽ dẫn đến nguy cơ phát tán nguồn lây nhiễm, khiến dịch bệnh thêm trầm trọng.
Trong bối cảnh Việt Nam đã công bố dịch Covid-19, người dân cần tự giác khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nếu có yếu tố liên quan tới dịch tễ (như trở về hoặc tiếp xúc với người về từ vùng có dịch; có dấu hiệu, triệu chứng của loại dịch bệnh cần cách ly…), chủ động và tuân thủ yêu cầu cách ly của cơ quan y tế.
Do đó, việc người phụ nữ trở về từ vùng dịch Daegu (Hàn Quốc) livestream “khoe chiến tích” về việc “trốn” được cách ly y tế khiến dư luận rất bức xúc.
Dưới góc độ đạo đức, hành vi này là đáng lên án bởi lẽ trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đang nỗ lực để phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh thì việc cố tình né tránh cách ly dù của một cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chung, nếu như cá nhân đó đã mắc bệnh mà lại cố tình không cách ly, ra ngoài làm lây lan dịch bệnh cho người khác thì hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm.
Dưới góc độ pháp luật là hành vi vi phạm quy định pháp luật về giám sát bệnh truyền nhiễm. Bởi cách ly y tế là biện pháp áp dụng với những người nghi nhiễm hoặc mắc bệnh truyền nhiễm để hạn chế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng đã được quy định tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Cụ thể, Luật nghiêm cấm các hành vi: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Việc che giấu hiện trạng, che giấu, gian dối các yếu tố liên quan tới dịch tễ, cố tình trốn cách ly mà cụ thể hiện nay là liên quan bệnh dịch COVID19 (thuộc nhóm A các bệnh truyền nhiễm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp cấp thiết, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với những trường hợp buộc phải cách ly theo luật quy định.
Ngoài ra thì tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người trốn tránh cách ly y tế mà cố ý lây lan dịch bệnh cho cộng đồng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 BLHS 2015.
Việc khoe khoang “thành tích trốn cách ly” của cô gái trở về từ vùng dịch không phải là một hiện tượng lạ bởi ngày ngày vẫn xuất hiện nhiều tài khoản khoe vật dụng đắt tiền, khoe thành tích cá nhân, khoe giàu sang, khoe sự hiểu biết, khoe trí tuệ, thích khoe bằng cấp, học vấn, chức vụ, địa vị xã hội…
Không khó để tìm ra những ví dụ về hiện tượng thích khoe khoang của một bộ phận trong xã hội như việc cả đoàn tàu Hà Nội đi Hải Phòng đã phải dừng khẩn cấp để tránh người trên đường ray, đoạn qua phố ‘cà phê đường tàu’ Phùng Hưng chụp ảnh tự sướng để khoe trên mạng xã hội, một nhóm người khỏa thân khoe trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang); hay trường hợp cô gái leo lên nóc nhà Hội An chụp ảnh bán khỏa thân, Phúc XO khoe vàng giả, Khá Bảnh khoe thói côn đồ gây bức xúc…Thậm chí, không ít người đã bị xử phạt, nhận cái kết đắng khi khoe khoang trên mạng xã hội bằng những thông tin thất thiệt.
Tuy nhiên, việc khoe thành tích trốn cách ly phòng chống dịch Covid -2019 như cô gái trên lại là “chuyện lạ” ở một đất nước mà toàn dân đang căng mình phòng chống dịch bệnh và việc cô gái bị dư luận phản ứng gay gắt cũng là điều dễ hiểu.
Hiện cô gái về từ vùng dịch Hàn Quốc rồi livestream khoe ‘trốn cách ly’ gây xôn xao dư luận đã… tự nguyện vào cách ly tại trường quân sự Bình Dương. Nhưng sự phản ứng của dư luận sẽ là bài học không chỉ cho cô gái mà nhiều người khác ở một xã hội nhiều người thích khoe khoang nhưng lại không cho thấy sự hiểu biết hay đức hạnh của bản thân mình.
Tâm Đức
Theo kienthuc.net.vn