Chỉ vài nắm lá cây rau dệu, bạn đã có ngay phương thuốc cầm máu, tiêu sưng, lợi tiểu ngay tại nhà!

Chỉ vài nắm lá cây rau dệu, bạn đã có ngay phương thuốc cầm máu, tiêu sưng, lợi tiểu ngay tại nhà!

(VOH) – Cây rau dệu là nguồn bổ sung dồi dào chất đạm, chất xơ và vitamin cho các bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, loại rau này còn có tác dụng trong điều trị một số bệnh thường gặp rất tốt.

Cây rau dệu là cây gì?

  1. Đặc điểm sinh học của cây rau dệu

Cây rau dệu (Alternanthera sessilis) còn có tên gọi khác là kê tràng thái, rau giệu, rau rệu, diếp bò, diếp không cuống, là loài thực vật có hoa thuộc họ Dền. Đây là cây thân thảo, bò sát mặt đất, thường dài tới 40 – 60 cm, có nhiều nhánh và ở mỗi khớp phân nhánh thường có rễ phụ. Lá hình mũi mác nhọn, dài 1 – 3 cm, mọc đối, có phiến lá đơn. Hoa màu trắng thường mọc ra từ nách lá. 

Cây rau dệu thường mọc chủ yếu ở ven sông, đầm hồ hoặc những bãi ruộng, bãi đất ẩm có nhiều dưỡng chất. Dân gian thường lấy ngọn và lá non của cây rau dệu dùng làm thực phẩm cho cả người và gia súc. Ở một số nơi, người dân thu hái loại cây này về, rửa sạch đất cát, để tươi hoặc sấy khô, bảo quản nơi thoáng mát để dùng làm thuốc.


Hoa cây rau dệu màu trắng thường mọc ra từ nách lá (Nguồn:Internet)

  1. Thành phần hóa học của cây rau dệu

Dân gian thường lấy ngọn và lá non của cây rau dệu dùng làm thực phẩm hoặc dùng làm thuốc. Bởi cứ 100g cây rau rệu có chứa các thành phần sau đây:

Thành phần dinh dưỡng

Hàm lượng

Nước

89.3g

Chất đạm

4.5g

Chất xơ

2.1g 

Canxi

98mg 

Sắt

1.2mg 

Photpho

22mg

Ngoài ra, trong cây rau dệu còn chứa 2.2g khoáng toàn phần, 5.1mg caroten (tiền sinh tố A) và 77mg sinh tố. Như vậy, có thể nói thành phần dinh dưỡng có trong cây rau dệu rất có lợi cho sức khỏe con người.

Tác dụng của cây rau dệu qua một số bài thuốc dân gian

Theo Đông y, cây rau rệu có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng chống viêm, lọc máu, lợi tiểu, tiêu sưng, chống ngứa, thanh nhiệt, giải độc, cầm máu. Thường được dùng để chữa bệnh hô hấp, viêm hầu họng, ho ra máu, kiết lỵ, đi tiểu khó, tiểu ít và các bệnh ngoài da.

  1. Chữa các chứng máu nóng (huyết nhiệt)

Bài thuốc từ cây rau dệu có tác dụng chữa các chứng nổi ban ngứa, chảy máu cam, ho ra máu, tiểu tiện ra máu do huyết nhiệt. Do đó, bạn có thể dùng cây rau dệu ăn sống, uống nước để điều trị các bệnh trên. Ngoài ra, cây rau dệu còn dùng làm nguyên liệu chế biến các món ăn hàng ngày như luộc, xào, nấu canh,…đều có tác dụng chữa các bệnh do máu nóng gây ra.

  1. Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, bí tiểu

Tác dụng của cây rau dệu được phát huy hiệu quả trong việc chữa viêm đường tiết niệu, tiểu buốt, bí tiểu. Bạn có thể dùng cây rau dệu khô hoặc tươi đều được, sau đó đem sắc chung với cây mã đề, rễ cỏ tranh, rau má, bồ công anh, cỏ mần trầu và cam thảo đất. Để mau lành bệnh, bạn nên chia làm 2 lần uống trước bữa ăn và sử dụng liệu trình này liên tục từ 5 – 7 ngày. 

  1. Điều trị đại tiện ra đờm máu, tỳ hư, uất nhiệt ở người già

Bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây rau dệu để điều trị chứng ra đờm máu khi đại tiện ở người già. Với cách làm đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm rau dệu tía đem nấu canh với 2 con ếch đã lọc lấy nạc và dùng vào nhiều bữa trong ngày. 

  1. Chữa đi ngoài ra máu do táo bón

Một lợi ích khác từ cây rau dệu đó chính là chữa chứng đi ngoài ra máu do táo bón. Bạn cần chuẩn bị cây rau dệu khô hoặc tươi, với cỏ mực, kinh giới và lá huyết dụ. Sau đó, bạn đem tất cả nguyên liệu đem sắc đặc, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn. Bài thuốc này được sử dụng liên tục trong 5 ngày.

  1. Viêm da có mủ, mẩn ngứa, nấm

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng viêm da có mủ, mẩn ngứa, nấm, bạn có thể sử dụng cây rau dệu tươi đem giã lấy bã đắp lên vết thương và phần nước dùng để uống. Hoặc bạn có thể sắc đặc cây rau dệu khô làm thuốc uống trong ngày. Với liệu trình này bạn nên đắp và sử dụng liên tục từ 5 – 7 ngày.


Tác dụng của cây rau dệu giúp chữa viêm da có mủ, mẩn ngứa, nấm (Nguồn:Internet)

  1. Chữa ban sởi

Tác dụng của cây rau dệu giúp thúc đẩy sởi mọc nhanh, hạn chế các biến chứng do bệnh này gây ra. Do đó, bạn có thể sử dụng loại dược liệu này đem nấu canh với cá diếc hoặc dùng phần nước này nấu cháo. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp cây rau dệu với rau kinh giới hoặc tía tô, sau đó đem nấu chín, dùng để ăn cái và uống nước đều được. 

  1. Trị tràng nhạc 

Bên cạnh các lợi ích được kể trên, tác dụng của cây rau dệu còn được kể đến với công hiệu trong việc điều trị bệnh tràng nhạc hiệu quả. Bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm cây rau dệu, đem rửa sạch, giã nát, rồi dùng 1/2 nước cốt dùng để uống, số còn lại đem đặt lên lá chuối có rắc 1 ít phác tiêu và đắp vào chỗ đau. Để tình hình được cải thiện nhanh chóng, bạn nên sử dụng liệu trình này mỗi ngày một lần.

  1. Chữa sưng hạch ở nách bẹn

Sưng hạch ở nách bẹn gây ra những khó khăn khi hoạt động thường ngày. Vì thế, bạn có thể sử dụng bài thuốc từ cây rau dệu để điều trị loại bệnh này. Bạn chuẩn bị cây rau dệu cùng bèo tía và gừng sống, sau đó đem giã nát, rồi sắc đặc. Khi uống, bạn cho một ít muối, còn bã đem đắp vào chỗ đau. Một lưu ý nhỏ khi dùng bài thuốc này là bạn nên bôi trước một lớp nước vôi xung quanh chỗ đau để độc khỏi lan xung quanh.

  1. Hỗ trợ giảm sốt do say nắng

Ngoài ra, tác dụng của cây rau dệu còn giúp hỗ trợ giảm sốt do say nắng hiệu quả. Bạn chỉ cần đem cây rau dệu nấu canh cùng với cá diếc hoặc thịt nạc, dùng vào các bữa cơm hàng ngày. Đối với liệu trình này, bạn nên sử dụng liên tục trong 3 ngày để bệnh mau khỏi. 

Lời khuyên: Cây rau dệu từ lâu đã được người dân sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc về liều dùng cũng như cách sử dụng đúng.

Người tổng hợp: Hồ Nguyễn Thảo Uyên
THEO VOH.COM.VN

Trả lời