Tầng 10 của một tòa nhà văn phòng được bố trí làm nhà ăn. Sạch sẽ! Ngăn nắp! Thuận tiện! Thiết kế tối giản và tính toán kỹ đến công năng.
Cung cách phục vụ văn minh với xu hướng phục vụ từng cá thể độc lập. Xếp hàng! Mỗi người một khay. Đi hàng một. Tự chọn thức ăn. Cuối cùng là bàn tính tiền. Của ai nấy trả. Ăn xong tự đem khay xếp vào vị trí quy định.
Tôi cầm khay cơm đến một góc xa, nơi còn nhiều ghế trống và có thể phóng tầm mắt ngắm thành phố. Một không gian đẹp. Một bữa trưa “rất công chức”, “rất Tây” khiến tôi vui, nhìn xung quanh với vẻ mặt ngời lên niềm kiêu hãnh trẻ thơ, dù nhà ăn không phải của cơ quan mình.
Ảnh minh họa. |
Đang phơi phới trong lòng thì một thanh niên cao lớn tiến tới bàn bên cạnh, quẳng khay cơm nghe cạch một tiếng khô khốc. Định bụng nhìn mấy quả cà và nước mắm trên khay cơm của anh ta có bị bắn tung lên sau cú va đập đầy hờn dỗi ấy không nhưng tôi kịp cụp mặt xuống khi thấy anh ta ném cái nhìn đầy thù hận về phía mình.
Chắc mình ngồi vào vị trí quen thuộc của anh ấy? Chắc mình là người lạ? Thời buổi này người lạ luôn bị cảnh giác như thế! Không thể bắt người ta phải thiện cảm với người lạ… Tôi cố suy nghĩ tích cực để làm dịu tình hình, lấy lại vẻ đẹp và hình ảnh mơ mộng ban đầu.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi anh ta nhổm dậy thò tay giật phăng tờ giấy ăn trong hộp trước mặt tôi. Cú giật làm tôi nhớ tới thao tác của nhà ảo thuật lúc giật cái khăn voan mỏng khi diễn trò trên sân khấu. Dứt khoát và không khoan nhượng, nó có cả “dự lệnh” và “động lệnh” được thể hiện ở cái hất cổ tay rất dẻo nhưng quyết liệt về phía tôi như để lấy đà rồi giật mạnh về phía anh ta.
Lần này thì tôi không dám ngước lên mà chỉ cắm cúi vào khay cơm, bởi khi người ta đã tỏ thái độ gằn hắt như thế thì bất cứ động thái gì cũng khiến họ nổi đóa.
Tôi chăm chăm nhìn vào hộp giấy. Nó đủ nặng để không phải giật mạnh mà vẫn ở nguyên vị trí. Nó cũng không thuộc sở hữu của riêng tôi. Anh ta hoàn toàn có thể lấy cả hộp giấy về phía mình.
Chắc anh ta vừa bị sếp mắng hoặc có chuyện bực mình. Ai cũng vậy, kiểm soát bản thân chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng phán đoán đấy của tôi sai vì vừa ăn anh ta vừa hỉ hả chuyện trò với một bạn mới đến. Vậy vì lẽ gì anh ấy tỏ thái độ căng thẳng, lạnh lùng như thế với một người lạ như tôi?
Hình như nhiều người cứ bước ra khỏi nhà là có tâm trạng bất an, nghĩ mình sắp bị tấn công nên buộc phải gồng lên, xù lên cho thật gớm ghiếc, dữ tợn để thị uy, để át vía, chiếm thế thượng phong hòng dằn mặt đối phương, rất giống những hành vi thuộc về bản năng sinh tồn của thế giới động vật hoang dã.
Tôi nghĩ những hành vi hùng hổ như vậy phần lớn chỉ cốt che đậy sự yếu ớt và thiếu tự tin của bản thân. Họ cứ cương lên để khỏi bị… bắt nạt. Ám ảnh bị bắt nạt là có thật với nhiều người Việt khi đi ra khỏi nhà.
Hoặc cũng có thể người ta luôn cảnh giác, nhìn đâu cũng thấy tăm tối xấu xa nên trang bị sẵn thái độ lạnh lùng và giữ khoảng cách nhất định với người lạ để đề phòng, để thủ thế. Với vẻ mặt và những hành động dữ tợn như thế, họ muốn truyền đi thông điệp “Đừng đụng vào tôi!”
Thái độ như vậy nói lên thực tế rằng những mảng sáng, những điều nhân nghĩa trong xã hội còn hiếm hoi và người hiền lành thường chịu thiệt thòi, hay bị bắt nạt. Song nếu ai cũng xù lên như thế thì chỉ làm tình hình tồi tệ đi, cuộc sống thêm nặng nề, căng thẳng, thậm chí xung đột trực chờ nếu hai bên không kiềm chế.
Do vậy tôi tự nhủ nếu gặp ai đang cố sức phùng mang trợn má thì hãy nghĩ rằng, thật ra họ đang lo lắng bản thân bị bắt nạt, họ đang sợ bị mất mát cái gì đó. Chính vì thế cần có hành động để họ hiểu mình không phải mối đe dọa, không hề và không thể gây hại.
Cố tìm những lý giải tích cực để giải thích và trả lời cho những hành vi tiêu cực họ đang làm. Cố nhuộm hồng những hành vi màu xám bằng một lời cảm ơn, một nụ cười, một cái gật đầu, một việc làm thể hiện sự hợp tác…
Chấp nhặt và thù địch, buông bỏ và bao dung là hai cách ứng xử trước một sự việc trong cuộc sống. Cố chấp chỉ làm cuộc sống thêm tối tăm lạnh lẽo còn hào sảng, buông bỏ sẽ mở ra cả một trời ấm áp lung linh. Chả biết có siêu hình, có AQ không khi nghĩ vậy nhưng khi chưa làm được gì để mọi việc khá hơn thì tôi chọn cách để nó không thể tệ hơn được nữa: Buông bỏ và bao dung!./.