Bị rắn cạp nia chui lên giường cắn

Bị rắn cạp nia chui lên giường cắn

Lạng Sơn – Người đàn ông 37 tuổi, đang ngủ trên giường, trở mình thì nằm đè lên con rắn, bị rắn cắn vào mạn sườn trái.

Nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn ngay trong đêm 23/8, kèm theo con rắn đã bắt được. Anh cho biết không rõ rắn đã bò lên giường từ lúc nào. Con rắn khoang trắng khoang đen, dài khoảng 20 cm, các bác sĩ xác định là rắn cạp nia.

Nhà bệnh nhân ở gần bệnh viện, nên vào giờ đầu tiên sau khi bị rắn cắn đã kịp thời được cấp cứu, dùng huyết thanh ngay. Các bác sĩ xác định vết rắn cắn không rõ, chỉ bị sưng, các chức năng cơ thể của bệnh nhân vẫn bình thường, chưa ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy vậy, chiều 24/8, gia đình xin chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.

Cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau. Loài rắn này phổ biến ở Việt Nam, sống hoang dại, là loài độc nhất trong các loại rắn. Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây tê liệt cơ.

Nguyên nhân khiến nhiều người chết sau khi rắn cạp nia cắn là hầu hết vết cắn không sưng hay đau nhiều, khiến nạn nhân chủ quan, thậm chí không biết mình bị rắn cắn. Có người biết, nhưng vào viện cấp cứu quá muộn, sau khi triệu chứng tê liệt thần kinh xảy ra. Hầu hết trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ liệt cơ dẫn tới suy hô hấp, tử vong nếu không được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế cấp cứu.

Nguy cơ chết người do rắn cạp nia cắn tùy thuộc vào lượng nọc độc xâm nhập cơ thể, cũng như tình trạng sức khỏe của người bị rắn cắn lúc đó.

Theo các bác sĩ, hàng năm, cứ vào mùa mưa, số bệnh nhân nhập viện do bị rắn độc cắn gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đã điều trị 20 bệnh nhân bị rắn độc cắn. Cao điểm là hai tháng qua, tiếp nhận 16 trường hợp.

Hầu hết bệnh nhân bị rắn độc cắn xuất hiện tình trạng suy hô hấp do liệt cơ, xuất huyết do rối loạn đông máu, hoại tử… Việc xác định vết rắn cắn rất khó khăn, bởi thường không có dấu vết rõ ràng, đôi khi chỉ có hai vết móc nhỏ như đầu kim, đặc biệt rắn cạp nia cắn thì vết móc này rất nhỏ.

Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên biết nhận dạng các loài rắn độc, biết được môi trường sống, thức ăn, đặc tính hoạt động của một số loài rắn. Khi gặp rắn nên chủ động tránh, nếu không tránh được thì không nên có những hành động đe dọa hoặc bắt rắn. Rắn sẽ tấn công người khi bị chọc phá hay bị đe dọa.

Thúy Quỳnh

Theo Vnexpress.net