Ăn nem chua, nem nắm tại quán bia: Nguy cơ mắc liên cầu lợn

Ăn nem chua, nem nắm tại quán bia: Nguy cơ mắc liên cầu lợn

(VietQ.vn) – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân dương tính liên cầu lợn với biểu hiện sốt, kèm theo đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, qua khám, xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn (streptococcus suis). Khai thác bệnh sử được biết, người bệnh ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia. Đây là trường hợp thứ 2 mắc liên cầu lợn được điều trị tại bệnh viện này kể từ đầu tháng 5/2024 trở lại đây.

Trước đó, một nam bệnh nhân 33 tuổi ở xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, Yên Bái nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê có biểu hiện của viêm màng não… Bệnh nhân dương tính với liên cầu lợn, may mắn được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.

Tương tự 2 trường hợp trên, tại tỉnh Điện Biên ghi nhận 1 bệnh nhân (43 tuổi), trú tại bản Lói, xã Mường Lói, huyện Điện Biên tử vong do mắc bệnh liên cầu lợn. Nguyên nhân là do bệnh nhân L.V.T. tham gia giết, mổ lợn và ăn tiết canh sống. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với vi khuẩn streptococcus suis (tác nhân gây bệnh liên cầu lợn).

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng mới tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) sốc nhiễm khuẩn. 3 ngày trước nhập viện, bệnh nhân mổ lợn và làm tiết canh liên hoan cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn và tử vong ngay sau đó.

Cần thận trọng với thực phẩm từ thịt lợn sống vào ngày hè nắng nóng.

Tại Ba Vì (Hà Nội), một nam bệnh nhân 48 tuổi cũng tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn. Được biết, bệnh nhân đã giết mổ lợn và không sử dụng biện pháp bảo hộ. Hai ngày sau khi giết mổ lợn, bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đau cơ, đau mỏi người, nôn. Sau đó một ngày, bệnh nhân bị xuất huyết vùng đầu và trên cơ thể, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, sau đó chuyển đến Bệnh viện Quân y 105 để điều trị. Tuy nhiên do tình trạng bệnh nặng nên bệnh nhân đã tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện có 2 tuýp liên cầu lợn: Tuýp I hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở đàn lợn dưới 8 tuần tuổi; tuýp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn. Tuýp II thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. Streptococcus suis týp II gây bệnh chủ yếu cho người.

Tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục.

Vì vậy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, hiện chưa có vaccine phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì vậy, người dân không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn trong thời gian có dịch. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống…

Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: https://vietq.vn/an-nem-chua-nem-nam-tai-quan-bia-co-nguy-co-mac-lien-cau-lon-d222223.html