Danh ngôn & cuộc sống, Quảng bá thương hiệu, Thông tin
Đi tìm truyền nhân viết kinh Phật trên lá buông
Đi tìm truyền nhân viết kinh Phật trên lá buông
Từ lâu, kinh Phật được viết trên lá buông đã nổi tiếng không chỉ ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang mà cả khu vực ĐBSCL. Nghệ thuật này đã được người Khmer An Giang gìn giữ và phát huy gần 1 thế kỷ nay.
Theo nghệ nhân Chau Ty, Trụ trì chùa Svay-xo (Soài so), người duy nhất thông thạo về chữ và cách viết kinh Phật trên lá buông; khắc chữ trên lá buông sẽ không bị phai màu theo năm tháng, từng nét chữ còn rõ mồn một dù có bị thấm nước.
Tìm truyền nhân
Theo con đường độc đạo dài hơn 90km từ Cần Thơ đến thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang, chúng tôi tìm về chùa Svay-xo, ngôi chùa cổ còn lưu giữ những bộ kinh lá được xem như là những bộ kinh Phật “kinh điển” nhất của người Khmer An Giang. Tuy nhiên, để đến được chùa Svay-xo, chúng tôi phải men theo con đường nông thôn từ trung tâm thị trấn Tri Tôn về xã Núi Tô thêm 2km nữa.
Thật ra, không chỉ ngôi chùa này còn lưu giữ những bộ kinh trên lá buông nổi tiếng, mà một số chùa Khmer thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cũng còn lưu giữ. Nhưng vì sư cả Chau Ty, trụ trì của chùa Svay-xo, cũng là người duy nhất thông thạo về chữ và cách viết kinh Phật trên lá buông.
Bởi việc viết kinh Phật trên lá buông không đơn thuần là sao chép lại văn bản đã có, mà người viết phải hiểu và đọc được loại chữ được cho là chữ cổ, với nhiều nét viết rất khó, cần kiên trì mới học và thông thạo hết từng nét chữ này, khác với loại chữ viết mà người Khmer của vùng ĐBSCL đang sử dụng.
Sư cả Chau Ty thị phạm cách viết kinh trên lá buông
Chúng tôi hiếu kỳ muốn tìm hiểu về loại thư tịch cổ này có nguồn gốc từ đâu và tổ sư truyền lại nghệ thuật viết kinh là ai, nhưng sư cả Chau Ty suy tư hồi lâu mới trả lời. Dù tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng sư cả vẫn không biết được tổ sư của loại kinh này là ai, mà chỉ thông tin là từ khi xuất gia vô chùa, được học chữ Khmer cổ, rồi được các sư cả dạy cho viết kinh trên lá buông, nhờ đó mà thông thạo từ khâu chọn nguyên liệu đến việc khắc (viết) chữ. Bật mí về thâm niên trong nghề, tính từ năm 1966 đến nay, ông viết kinh trên lá buông ngót ngét cũng đã hơn 50 năm.
Theo ông, kinh Phật được viết trên lá buông là loại thư tịch cổ quý hiếm của người dân tộc Khmer, đã tồn tại hơn 1 thế kỷ qua, thường có 4 loại kinh: kinh Phật; truyện cổ dân gian; hội hè, trò chơi dân gian và bài giáo huấn dân gian. Mặc dù phân ra 4 loại kinh, nhưng tất cả đều có một điểm chung là dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ và chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như: lễ Phật đản, lễ dâng bông, dâng y cà sa, lễ cúng trăng, lễ Dolta – cúng ông bà…
Dường như có vẻ nuối tiếc cho loại hình nghệ thuật này, sư cả Chau Ty cho biết, ngày nay việc viết kinh trên lá buông ngày càng mai một, bởi nó đòi hỏi sự kỳ công, tỉ mỉ ở người chép kinh để làm được một bộ kinh lá hoàn chỉnh, để đời. Nhưng giờ đây, các vị sư trẻ ít ai học viết kinh này, vì đây là loại chữ cổ với nhiều nét viết, rất khó, cần kiên trì, nhẫn nại thì mới học được. Ngoài ra, yếu tố khách quan là do thiếu lá buông (phải mua tận Campuchia, hay còn rất ít chỉ ở vùng Tịnh Biên, An Giang) mới có. Theo sự mô phỏng của sư cả Chau Ty thì loại này gần giống với lá thốt nốt nhưng có độ dai và dẻo hơn lá thốt nốt.
Sự kỳ công tạo nên nét văn hóa đặc trưng
Sư cả Chau Ty cho biết, ngày xưa Tri Tôn là một huyện có dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang, đa phần là người Khmer sinh sống. Cũng vì vậy mà giấy viết hiếm, các bậc tiền bối đã nghĩ ra cách viết chữ trên loại lá này thay thế giấy viết, nhưng phải rất kỳ công từ khâu tái chế nguyên liệu cho đến hoàn thành một bộ kinh.
Theo đó, lá buông được chọn để chép kinh là loại lá còn non, mới trổ ra khỏi thân, sau đó được che chắn cẩn thận và chờ tới lúc lá bắt đầu già thì chặt xuống, bào nhẵn và tái chế theo công thức riêng của người Khmer để lá không bị héo, không bị ẩm mốc và tăng độ bền. Thường một lá buông để chép kinh có chiều rộng 5cm và dài 80cm.
Việc chép kinh trên lá buông quả thực không đơn giản như viết kinh trên giấy, mà phải dùng một loại bút chuyên dụng. Loại bút này người Khmer gọi là “đéc-cha”, được làm bằng gỗ, vừa tay cầm, một đầu có gắn mũi kim nhọn để khắc chữ xuống thân lá. Khi đó tay phải cầm bút và điều khiển đầu bút, còn tay trái giữ lá, nhưng đầu bút phải tựa lên ngón cái của bàn tay kia.
Kinh lá buông và bút đéc-cha
Cái khó nhất là sự kết hợp nhịp nhàng giữa hai tay để nét chữ đều đặn và thẳng hàng. Sau khi chữ được khắc sẽ dùng mực tẩm lên lá, để mực thấm vào nét chữ đã khắc; chờ cho khô mực, lau sạch lá rồi kết nối từng lá lại thành bộ kinh sách.
“Dù có rơi xuống nước thì chữ viết vẫn không bị mất, vì chỉ cần dùng mực hoặc chất liệu có màu đen tẩm lên thì chữ sẽ nổi lên như lúc đầu”, sư Chau Ty bật mí.
Thông tường, một bộ kinh có số lượng từ 4 – 10 cuốn, mỗi cuốn có từ 20 – 60 lá buông, mỗi lá chỉ viết được 5 dòng, với hơn 150 chữ và phải mất 1 tháng mới hoàn thành 1 bộ kinh, không kể thời gian tái chế nguyên liệu. Hiện nay còn khoảng 100 bộ kinh lá, được phân bổ rải rác ở các chùa Khmer của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang), nhưng có nhiều nhất ở chùa Svay-ton (chùa Xà-tón) của huyện Tri Tôn.
Với sự kỳ công để hoàn thành một bộ kinh lá, Bộ VH-TT-DL đã công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer” là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017; sư cả Chau Ty được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì duy trì loại hình nghệ thuật độc đáo này. Để loại hình nghệ thuật này không bị mai một, Sở VH-DL tỉnh An Giang cũng đã chủ động tìm lá buông để sư cả Chau Ty truyền lại cách viết kinh lá cho khoảng 20 vị sư, đại diện cho các chùa Khmer của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. |
Theo PHAN TÍN (SGGP)