WHO cảnh báo: “Nghiện” loại thực phẩm này nguy hiểm chẳng kém thuốc lá, hại gan, gây tiểu đường, tăng nguy cơ ung thư, khiến con người giảm 10 năm tuổi thọ
Thiên An |
(Tổ Quốc) – Nếu hỏi đồ ăn vặt bán chạy nhất hằng năm là gì, chẳng có món nào vượt qua được các loại bánh kẹo và đồ ngọt cả! Không ít người ăn bánh mứt thỏa thích vào dịp lễ tết, nhưng đằng sau vị ngọt ấy ẩn chứa các nguy cơ về sức khỏe, thậm chí còn có thể liên quan đến bệnh ung thư.
Nạp vào các loại thực phẩm có hàm lượng đường cao lâu dài sẽ để lại hậu quả gì? Về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn, nghiên cứu nguyên nhân tử vong tại 23 quốc gia, cuối cùng đưa ra kết luận gây nhiều bất ngờ: Tác hại của đồ ngọt còn nghiêm trọng hơn cả hút thuốc. Cuộc điều tra cho thấy, tuổi thọ trung bình của người hấp thụ thức ăn chứa hàm lượng đường cao lâu dài sẽ ngắn hơn người bình thường 10-20 năm, vô cùng nguy hiểm.
Vậy đồ ngọt có những tác hại nào?
- Gây nghiện
Trái ngược với ấn tượng về đồ ngọt của mọi người như ngọt ngào, hạnh phúc,… chúng có thể gây nghiện nếu ăn quá nhiều. Đó là do lượng đường có ảnh hưởng đến các hormone trong cơ thể, não bộ không thể “thông báo” cho dạ dày biết đã đầy, khiến ta vẫn ăn tiếp dù đã no. Bên cạnh đó, lượng đường còn không ngừng phát tín hiệu “thèm ăn ngọt” cho não, khiến ta thèm ăn ngọt giống như thèm hút thuốc, từ đó gây nghiện.
- Gây béo phì
Có lẽ tác hại rõ nhất của việc ăn ngọt quá nhiều là tăng cân liên tục. Do lượng đường hấp thụ vào vượt mức cơ thể cần thường khó tiêu hao, mà sẽ chuyển hóa thành chất béo. Chỉ một lượng nhỏ các chất béo này được chuyển hóa thành glucose khi cơ thể thấy đói sau đó. Nếu lại nạp thêm lượng đường vượt mức, các chất béo trong cơ thể sẽ tăng lên. Theo thời gian, dễ gây béo phì.
- Có hại cho gan
Đồ ngọt còn ảnh hưởng đến sức khỏe của gan. Trong đồ ngọt chúng ta ăn hằng ngày đều có chứa saccarose, chúng phải phân giải thành fructose và glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nhưng chỉ có glucose được tế bào chuyển hóa thành năng lượng ngay, còn fructose phải do gan chuyển hóa trước sau đó tế bào mới sử dụng. Nếu lượng fructose quá nhiều, chất béo trung tính do fructose chuyển hóa thành sẽ tích tụ trong gan, dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ và một số bệnh khác.
- Bệnh tim
Chất béo trung tính không chỉ gây ra các vấn đề về gan, mà còn có thể dẫn đến bệnh tim. Khi lượng đường chúng ta hấp thụ vượt ngưỡng, các chất béo trung tính do đường chuyển hóa thành có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
- Kháng insulin
Khi chúng ta ăn đồ ngọt, lượng đường huyết trong máu tăng lên, cơ thể sẽ sản sinh ra insulin, giúp vận chuyển các glucose trong máu vào tế bào. Nhưng lượng đường quá cao sẽ khiến glucose không thể xử lí lượng đường huyết trong máu, tạo thành sự kháng insulin, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa.
- Điều quan trọng: Những người mê đồ ngọt càng dễ bị ung thư!
Đáng chú ý là, ngoài những tác hại kể trên, ăn ngọt còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Tạp chí dinh dưỡng uy tín “American Journal of Clinical Nutrition” đã đăng một bài báo về cuộc nghiên cứu của Đại học Paris (Pháp) về vấn đề tiêu thụ thức ăn.
Các nhà nghiên cứu đã thống kê lại các thông tin như trình độ học vấn, nghề nghiệp của 101.279 người được phỏng vấn trong độ tuổi từ 18-72, và ghi lại mức tiêu thụ thức ăn và nước uống của họ trong ba bữa ăn và các thời điểm khác, đồng thời đánh giá chất dinh dưỡng và lượng calo của chúng, sau đó theo dõi trong vòng 5,9 năm.
Kết quả các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trong số những người tham gia khảo sát, lượng đường nạp vào cơ thể và nguy cơ mắc bệnh ung thư tỉ lệ thuận, trong đó nguy cơ ung thư vú tăng đến 47%.
Nhưng đừng hoảng sợ, vì cuộc nghiên cứu này chỉ thảo luận về tính tương quan, còn thiếu bằng chứng khẳng định đồ ngọt có thể gây ung thư. Giám đốc Ruan Guangfeng Phòng Khoa học và Công nghệ của Trung tâm Trao đổi Thông tin Dinh dưỡng và Thực phẩm Kexin cho biết, không thể nói rằng chỉ ăn ngọt sẽ gây ung thư, bằng chứng cho thấy đồ ngọt dẫn đến ung thư không đủ. Nhưng ăn quá ngọt thật sự sẽ tăng nguy cơ béo phì, mà béo phì lại tăng khả năng ung thư, nên phải cân bằng lượng đường.
Hạn chế 4 loại “đường” sau để khỏe mạnh
- Nước uống đóng chai
Nước uống đóng chai là loại thực phẩm chứa lượng đường rất cao. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, lượng đường nạp vào cơ thể mỗi ngày không quá 50 gam. Mà một chai sữa chua lên men 350ml và một chai nước ngọt có gas 500ml đã chứa gần 50 gam đường, sữa tươi nguyên chất chứa khoảng 5% lactose, các loại nước trái cây nguyên chất cũng có khá nhiều đường.
- Bánh gato và các loại bánh nướng khác
Trong cuộc sống hằng ngày, khi ăn các loại bánh nướng như bánh quy, bánh mì, đôi khi chúng ta không thấy vị ngọt mà còn thấy mặn, nên cho rằng chúng không có hoặc có rất ít đường, đây quả thật là một sự nhầm lẫn. Thực tế trong quá trình sản xuất bánh nướng, người ta cho rất nhiều đường trắng vào để thúc đẩy lên men. Vì thế, các loại bánh nướng cũng có nhiều đường, chỉ nên ăn ít.
- Trái cây sấy
Sau khi sấy khô trái cây, lượng đường chẳng những không giảm, mà còn cô đặc hơn. Ví dụ như nho khô có hàm lượng đường gấp 4 lần nho tươi. Vì vậy, đừng thấy những miếng trái cây sấy nhỏ mà ăn nhiều.
- Nước xốt
Các loại gia vị và nước xốt thật ra đều chứa rất nhiều đường, ví dụ như xốt salad, tương cà,… Ngay cả nước xốt mặn như tương ớt Laoganma của Trung Quốc, hay xốt mì Ý của phương Tây cũng thêm nhiều đường trắng để đậm vị . Một số loại nước xốt còn thêm nước đường, chẳng hạn như dầu hào, để màu sắc đẹp mắt hơn.
Những viên kẹo sặc sỡ, những chiếc bánh gato chế biến khéo léo… đồ ngọt sẽ cám dỗ vị giác chúng ta. Nhưng phải nhớ rằng, đồ ngọt tuy ngon nhưng không thể ăn nhiều cho thỏa. Suy cho cùng, cơ thể khỏe mạnh mới là điều quan trọng nhất, nếu không đồ ngọt có hấp dẫn đến đâu cũng chỉ là “con dao hai lưỡi” phá hủy sức khỏe con người.
Theo Aboluowang
Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/who-canh-bao-nghien-loai-thuc-pham-nay-nguy-hiem-chang-kem-thuoc-la-hai-gan-gay-tieu-duong-tang-nguy-co-ung-thu-khien-con-nguoi-giam-10-nam-tuoi-tho-42022152225124818.htm |