Sức khỏe, Sức khỏe cộng đồng, Thông tin, Tổng hợp
Dịch bệnh buồn ngủ biến người thành ‘tượng sống’ từng gieo kinh hoàng khắp nơi
Dịch bệnh buồn ngủ biến người thành ‘tượng sống’ từng gieo kinh hoàng khắp nơi
Bệnh viêm não Lethargica, viêm não Economo hay còn gọi là bệnh buồn ngủ, là một trong những căn bệnh kỳ lạ nhất trong lịch sử y học thế giới.
Từ năm 1917 – 1928, ít nhất hàng triệu người bị mắc một chứng bệnh kinh hoàng có thể lấy làm cảm hứng cho một bộ phim kinh dị. Các nạn nhân – còn sống và có ý thức – nhưng họ ở trạng thái đông cứng không thể giải thích được.
Căn bệnh… buồn ngủ
Những triệu chứng giống như dịch bệnh viêm não lần đầu tiên xuất hiện trên người tại thủ đô London của Anh vào thế kỷ XVII. Tuy nhiên, trong hơn 2 thế kỷ sau đó, căn bệnh này không quay trở lại cho đến mùa đông năm 1916-1917, khi tại thủ đô Vienna của Áo và những thành phố châu Âu khác, mọi người bất ngờ có biểu hiện buồn ngủ.
Một trong những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận là ở ngoại ô Verdun (Pháp), nơi căn bệnh này đã hạ gục binh lính của khối Hiệp ước Entente.
Những người mắc phải chứng bệnh này bắt đầu cảm thấy lúc nào cũng buồn ngủ, và thường là khó tỉnh lại như bình thường được. Bệnh buồn ngủ lan truyền qua giọt bắn li ti trong không khí, mà tác nhân gây bệnh được cho là một loại virus không xác định.
Có phỏng đoán cho rằng, dịch bệnh này xuất hiện có liên quan đến “dịch cúm Tây Ban Nha” bùng phát trong những năm 1918 – 1919. Cơ thể người bị suy nhược do dịch cúm gây ra trở thành “con mồi” dễ tấn công đối với chủng virus mới, hoặc bệnh viêm não trở thành biến chứng hậu “dịch cúm Tây Ban Nha”.
Những “pho tượng sống”
Những năm 1920-1921 là giai đoạn dịch bệnh bùng phát dữ dội nhất. Bệnh buồn ngủ thường gây tử vong trong trạng thái hôn mê, hoặc ngược lại, khi người bệnh mất ngủ mãn tính. Tỷ lệ tử vong khi mắc căn bệnh này khá cao, khoảng 40%.
Chứng bệnh được đặt tên Encephalitis lethargica. Nó trở thành dịch bệnh ở Bắc Mỹ, châu Âu và Ấn Độ vào năm 1919. Ở giai đoạn đỉnh điểm, dịch bệnh kỳ lạ này đã khiến 1 triệu người chết và hàng triệu người khác bị liệt. Khoảng 1/3 số người mắc bệnh đã tử vong.
Trong số những người sống sót, gần một nửa không thể tiếp xúc với thế giới xung quanh nhưng họ vẫn nhận thức đầy đủ về môi trường bên cạnh. Mặc dù đôi khi bệnh nhân có khả năng giao tiếp hạn chế, chuyển động mắt và thậm chí là cười, họ thường trông giống như những bức tượng sống: hoàn toàn bất động trong nhiều giờ, ngày, tuần hoặc năm.
Xuất hiện một cách bí ẩn không rõ nguyên nhân và không tìm ra thuốc chữa, đại dịch viêm não Lethargica cũng bí ẩn chấm dứt hoành hành vào năm 1926.