Danh ngôn & cuộc sống, Quảng bá thương hiệu, Thông tin, Tổng hợp
Thú chơi ngông “không ai bằng” của 3 công tử khét tiếng miền Tây
Thú chơi ngông “không ai bằng” của 3 công tử khét tiếng miền Tây
(Kiến Thức) – Thời bấy giờ, những công tử hào hoa này nổi tiếng về độ ăn chơi và tiêu xài tiền không có đối thủ.
Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy còn gọi là cậu Ba (Hắc Công tử) nổi tiếng ăn chơi ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930 – 1940. Mức độ vung tiền tiêu xài của cậu Ba nổi danh xếp hạng đầu bảng trong số các Công tử Bạc Liêu thời bấy giờ. Có rất nhiều giai thoại về Cậu Ba và đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác ông giàu cỡ nào. Dân gian truyền miệng rằng nói là ông đã tiêu 5 tấn vàng trong cả cuộc đời.
Trần Trinh Huy là con thứ 3 của Hội đồng Trần Trinh Trạch – điền chủ giàu nhất Bạc Liêu. Khi lớn, cậu Ba xin cha cho đi học ở nước ngoài thay vì lên Sài Gòn học trường Tây.
Công tử Bạc Liêu – Trần Trinh Huy. Ảnh tư liệu
Được ba mẹ cho sang học ở Pháp nhưng thay vì học hỏi kiến thức khoa học, cậu chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, nhảy đầm, tango…Ngày về nước, cậu Ba đã trực tiếp lái chiếc xe xịn mà ông Hội đồng mới mua về Bạc Liêu. Chiếc xe đi với vận tốc 100km/giờ khiến ai ngồi trên xe cũng run.
Khi cha mẹ gặng hỏi về bằng đại học cậu đã đạt được là bằng kỹ sư hay bằng luật sư, cậu liền cười khoái chí khoe ra các giấy tờ học lái máy bay, học lái xe, nhảy đầm..
Nhà của công tử Bạc Liêu.
Khi được giao cho việc trông coi điền sản, Cậu Ba mướn một người Pháp cai quản việc làm ăn của gia đình còn mình tập trung vào các thú vui chơi. Thi thoảng đi thăm các sở điền, cậu Ba mặc veston đi xe hơi. Cậu sắm cả ca nô để lướt sóng trên các sông rạch miền Tây vốn chỉ toàn xuồng chèo tay.
Khi đi thăm ruộng, Cậu Ba dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi có chiếc Peugeot thể thao sản xuất năm 1922. Theo thông tin ghi chép lại, loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.
Bạch công tử – Lê Công Phước
Là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng, Bạch công tử sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3 TP. Mỹ Tho). Độ giàu có của đốc phủ Sủng đứng vào hàng nhất nhì của khu vực Mỹ Tho – Gò Công lúc bấy giờ.
Năm 1909, đốc phủ Sủng được đại diện cho tỉnh Mỹ Tho dự hội chợ ở Pháp. Tại đây, đốc phủ Sủng đã tìm mọi cách để sau đó gởi gắm con trai Lê Công Phước sang Pháp du học.
Bạch công tử – Lê Công Phước.
Trên đất Pháp, Bạch công tử không chuyên tâm học tập mà lao vào ăn chơi trụy lạc. Bạch công tử thuê hẳn một phòng đặc biệt tại khách sạn ở trung tâm Paris để ở dài hạn.
Mỗi ngày, Lê Công Phước mặc một bộ quần áo khác nhau được may từ loại vải đắt tiền nhất ở Pháp lúc bấy giờ để tránh “đụng hàng”.
Khi trở về Việt Nam, Bạch công tử cho người đóng chiếc ghe bầu loại lớn giống như chiếc du thuyền, di chuyển bằng động cơ nhập từ Pháp về, cao hai tầng, có phòng ngủ riêng của từng người, gian ăn uống, khu câu cá giải trí, nhà vệ sinh.
Sau những cuộc chơi hoang phí vô độ, gia tài mẹ cha để lại sớm vơi dần. Khi chưa đến 50 tuổi, Bạch công tử sớm ra đi vì ma túy, thi hài được một người quen đem về an táng trên miếng đất vốn là của cậu nhưng đã đổi chủ.
Công tử Tây Đô Dương Văn Quản
Theo gia phả của dòng họ Dương còn lưu truyền lại tại huyện Bình Thủy (TP. Cần Thơ), Dương Văn Quản (cậu Ba Quản) là trưởng nam của ông bà Dương Lập Cang và Trần Thị Thảo.
Sinh thời, cậu Ba Quản đẹp trai và nổi tiếng giàu có. Cậu được thừa kế khối tài sản khổng lồ từ cha cùng với ngôi nhà to lớn nhất Cần Thơ lúc bấy giờ. Đất nhà cậu cũng rất rộng, từ H.Trà Nóc (TP.Cần Thơ) cho đến cuối H.Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang).