Bài thuốc dân gian, Sức khỏe, Thông tin
Xông lá có chữa khỏi Covid-19?
Xông lá có chữa khỏi Covid-19?
Theo chuyên gia, xông lá giúp giảm các triệu chứng như cảm, sốt, đau đầu, ngạt mũi nhưng không phải là phương pháp điều trị Covid-19.
Trong Đông Y, xông là bài thuốc để điều trị cảm cúm, đau đầu, ngạt mũi, đau họng, rát họng… được dân gian sử dụng từ lâu đời.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết khi xông, các dược liệu đã biến thành hơi nước nên dễ dàng đi vào đường hô hấp, đến tận phế nang. Hơi nước có thể vào khoang miệng, vào niêm mạc mắt mũi và qua da để vào cơ thể. Sau khi xông, da của bệnh nhân trở nên mềm mại, lỗ chân lông thông thoáng nhuận và mát; đường hô hấp được thông suốt, giảm đau, giảm tiết, hạ khí làm giảm đau đầu, chóng mặt, khó thở. Bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, nhẹ người, khoan khoái hẳn lên.
Người dân có thể sử dụng lá chanh, lá sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá mít, lá nhãn, cây cứt lợn, lá gừng, lá nghệ, lá tre, hương nhu, ngải cứu… hay như khuynh diệp (eucalyptus), diệp hạ châu (phyllanthus amarus), tràm gió (melaleuca cajuputi) làm dược liệu xông. Một số loại lá xông còn có tác dụng chống viêm, tuyên thông phế khí, giảm đau, hạ sốt… nhờ thành phần kháng sinh, tinh dầu.
Tuy nhiên, xông giải cảm thông thường không phải là phương pháp trị Covid-19, dù có nhiều triệu chứng lâm sàng bệnh giống nhau. Trường hợp muốn dùng phải có ý kiến của chuyên gia trong việc bố trí lại kết cấu bài thuốc xông ngâm cho phù hợp.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, khẳng định xông có thể giải cảm, làm ấm đường hô hấp nhưng không thể chữa khỏi Covid-19. Các phương pháp này chỉ có tác dụng giảm triệu chứng bệnh chứ không làm hết bệnh.
Theo ông Khanh, các F0 cách ly tại nhà nên uống nhiều nước, giữ tinh thần thoải mái, cố gắng nghỉ ngơi và vận động, tránh nằm nhiều. Luôn giữ vệ sinh và dọn dẹp phòng, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh. Dự trữ một số loại thuốc tại nhà như thuốc ho, sốt, tiêu chảy… Riêng kháng sinh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Đặc biệt, F0 phải giữ bình tĩnh, triển khai ngay các biện pháp cách ly với người khác, không ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện chung.
Người bệnh nên tập thở thường xuyên tại nhà. Trường hợp khó thở thường xuyên, tay chân tím tái, suy nghĩ kém, thì nằm sấp để dễ thở hơn. Hoặc, có điều kiện thì đo SpO2, nếu SpO2 thấp dưới 93% thì phải gọi y tế hỗ trợ để đến bệnh viện điều trị. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Theo chuyên gia, cách xông hiệu quả là bố trí trong phòng kín tránh gió lùa và đặt nồi xông trên giường. Sau đó, bệnh nhân trùm kín chăn, ngồi xông 15-20 phút để thoát được mồ hôi, dùng khăn bông sạch lau khô người và mặc quần áo mới. Khi xông cần có một người ở bên để phục vụ và chăm sóc người bệnh. Xông xong, người bệnh có thể ăn cháo nóng có lá tía tô, hành, tiêu bắc, chanh, ớt… để tăng đề kháng.
Trường hợp cảm cúm chỉ cần xông một đến hai lần là được. Không nên xông nhiều lần gây mất nước. Những người ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, yếu mệt không nên xông. Người bị huyết áp cao, tim mạch, mắc bệnh ngoài da, phụ nữ mang thai, người hay ra mồ hôi, mất máu nhiều,… cũng không thực hiện biện pháp trên.
Trước khi xông hơi cần làm sạch cơ thể. Không tắm ngay sau khi xông vì lỗ chân lông đang hở, nếu gặp lạnh sẽ bít lại, không thoát được nước, dẫn đến máu huyết không lưu thông.
Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn… cần ngừng ngay, trường hợp bị sốc nặng phải đưa tới bệnh viện để cấp cứu.
Thùy An
Nguồn: https://vnexpress.net/xong-la-co-chua-khoi-covid-19-4335504.html |