Công nghệ, Kiến thức công nghệ, Thông tin
WeChat quan trọng thế nào với người Trung Quốc tại Mỹ
WeChat quan trọng thế nào với người Trung Quốc tại Mỹ
Những người Mỹ gốc Trung Quốc sợ rằng họ sẽ không có cách nào để kết nối liên lạc với người thân, bạn bè ở quê nhà khi WeChat bị cấm.
Đối với Zhang Lianping, 72 tuổi, chủ doanh nghiệp nhỏ đã về hưu ở College Park (Maryland), WeChat là “cứu cánh” giúp bà giữ liên lạc với người thân, bạn học cũ và bạn bè trải khắp các tỉnh Bắc Kinh, Sơn Đông và Liêu Ninh ở Trung Quốc. “Nếu không có WeChat, tôi thực sự đang lạc hậu đến 40 năm”, Lianping nói.
Ứng dụng nhắn tin phổ biến của Tencent có thể bị cấm ở Mỹ. Công ty có 45 ngày xoay xở kể từ ngày 6/8, khi Tổng thống Donal Trump ký lệnh. WeChat là mục tiêu mới nhất trong cuộc chiến công nghệ đang leo thang của Tổng thống Trump với Trung Quốc, trước đó, TikTok cũng buộc phải bán mình nếu muốn hoạt động ở Mỹ.
Tin này chấn động cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc và bất kỳ ai có quan hệ với Trung Quốc. WeChat được xem là ứng dụng chính giúp họ giữ liên lạc với gia đình, bạn bè, đối tác. Với nhiều người, siêu ứng dụng của Tencent là công cụ không thể thiếu để kết nối với thế giới. Họ không chỉ nhắn tin, gọi điện, cập nhật tin tức mà còn có thể thanh toán, hẹn hò và làm nhiều thứ khác.
“Mọi người ở Trung Quốc đều dùng WeChat. Thật khó đánh giá tầm quan trọng trong việc kết nối với người dân nước này mà không có WeChat”, Giáo sư Willy Shih chuyên về Công nghệ và Quản lý tại Đại học Harvard nói. “Có vẻ Mỹ đang cố gắng thả một ‘bức màn sắt’ giữa các quốc gia để mọi người không thể giao tiếp được với nhau”.
Ở Mỹ, WeChat đặc biệt quan trọng với những người đã rời Trung Quốc nhiều thập kỷ trước, nhưng vẫn muốn duy trì kết nối với quê nhà. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc đi lại trở lên tốn kém và phức tạp, WeChat càng trở nên cần thiết. “Tôi vẫn muốn dùng WeChat. Nó rẻ trong khi các cuộc điện thoại đến Trung Quốc rất đắt”, Zhang nói.
Zhang Lianping nhập cư Mỹ năm 1989 nhưng mới bắt đầu sử dụng WeChat vài năm qua. Nếu không có WeChat, bà phải gửi ảnh qua đường bưu điện vì không biết sử dụng máy tính và gọi điện cho gia đình, bạn bè ở nước ngoài. Với sự chênh lệch múi giờ lớn, việc để lại tin nhắn trên WeChat thuận tiện hơn nhiều với người phụ nữ 72 tuổi.
Trong nhiều thập kỷ kể từ khi rời Trung Quốc, bạn bè và gia đình của Zhang ở quê nhà đã gửi cho bà những bức ảnh về các toà nhà chọ trời mới mọc từ những con đường cũ, các kỳ nghỉ hay những đứa trẻ họ hàng mới sinh. Tháng 10 này, con gái của Zhang sẽ sinh em bé, bà định gửi ảnh cháu ngoại qua WeChat cho anh chị em và bạn học cũ xem. Nếu không có ứng dụng này, bà sẽ phải sử dụng thư truyền thống với tốc độ như “ốc sên”.
Ken Xiao, 63 tuổi, đã nghỉ hưu, đang làm giáo viên dạy thư pháp bán thời gian ở San Diego. Ông cho biết cộng đồng Trung Quốc đã nghe tin đồn về lệnh cấm WeChat ở Mỹ nhiều tuần trước và đã thảo luận sôi nổi về vấn đề này.
Xiao nhập cư vào Mỹ từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, năm 1989. Ông bắt đầu sử dụng WeChat khoảng bốn năm trước. Giờ đây, ông gọi điện cho bố mẹ mỗi tối thứ hai hàng tuần bằng ứng dụng này. “Tôi thực sự thất vọng khi nghe lệnh cấm WeChat,” Xiao nói.
Trong lệnh hành pháp của mình, Trump cáo buộc TikTok, WeChat tự động thu thập thông tin người dùng. Việc thu thập dữ liệu này đe dọa cho phép Trung Quốc truy cập vào thông tin cá nhân của người Mỹ. Trump cho rằng chính phủ phải có những hàng động tích cực để chống lại chủ sở hữu WeChat nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Đại diện Tencent, chủ sở hữu WeChat, nói công ty đang “xem xét lại lệnh hành pháp” để có cái nhìn toàn diện nhất.
Xiao và những người Mỹ gốc Trung Quốc khác đều thừa nhận rằng họ không biết chắc chắn liệu chính phủ Trung Quốc có đọc tin nhắn của họ hay không. Họ luôn phải thận trọng trong giao tiếp và đảm bảo không có quan điểm quá sâu về những vấn đề liên quan đến chính trị.
“Như mọi công dân khác, hầu hết người Trung Quốc, bao gồm cả tôi và các sinh viên, đều không nói bất cứ điều gì liên quan đến chủ để nhạy cảm, chính trị”, Xiao nói. Những người này sử dụng WeChat như một nền tảng giao tiếp thông thường trong cuộc sống, vì vậy họ không lo lắng về bất kỳ điều gì khác.
Shih của Đại học Harvard cho biết, nếu WeChat bị cấm, người Mỹ có thể phải dùng email để liên lạc với bạn bè, đối tác, gia đình ở Trung Quốc. Phương thức này vốn không phổ biến ở Đại lục. “Nếu gửi một email, tôi có thể không nhận được phản hồi trong nhiều tuần, thậm chí tôi sẽ không bao giờ nhận được phản hồi”, Shih nói.
Với Emily Kuo, 56 tuổi, chủ một doanh nghiệp ở San Diego, nhập cư từ tỉnh Quảng Đông năm 1982, WeChat là phương tiện để giao tiếp với những người thuê nhà trong trung tâm mua sắm của cô ở California. Cô cũng thường xuyên dùng WeChat để trò chuyện với gia đình và bạn bè ở Trung Quốc, bao gồm cả con trai cô ở Thượng Hải.
“Tôi có thể để lại những tin nhắn dài với nội dung chi tiết. Tôi cũng có thể đăng tải nhiều thứ, từ một bảng tính đến lịch trình du lịch, trên WeChat. Nó rất hữu dụng và là công cụ giao tiếp rất tốt”, Emily Kuo chia sẻ. Đối với Kuo lệnh cấm WeChat không chỉ gây ra bất tiện về mặt xã hội, mà với nhiều người Mỹ làm ăn với người Trung Quốc, đây sẽ là vấn đề lớn. “Tôi thấy tiếc cho họ và cho chính mình”, Juo nói.
Khương Nha (theo CNN)
Theo Vnexpress.net