Vị thế cá chẽm

Vị thế cá chẽm

Lợi thế lớn nhất của con cá chẽm so với con tôm nước lợ là dễ nuôi, ít dịch bệnh và năng suất có thể đạt 50 – 100 tấn/ha. Còn nói về hiệu quả kinh tế thì con cá chẽm không hề thua kém con tôm nước lợ nuôi thâm canh trong cùng điều kiện. Không những thế, con cá chẽm còn có lợi thế cạnh tranh cả về mặt chất lượng lẫn giá thành với một số quốc gia có nghề nuôi cá chẽm, như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Trái ngược với tình cảnh khó khăn về giá tiêu thụ của con tôm thẻ, xuyên suốt từ đầu năm đến nay, con cá chẽm luôn giữ được mức giá khá cao, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho người nuôi tại các vùng nuôi của tỉnh Sóc Trăng. Phấn khởi là tâm trạng chung của những người nuôi cá chẽm năm nay ở Sóc Trăng, bởi không chỉ vụ nuôi đạt năng suất cao, mà giá cá chẽm xuyên suốt 9 tháng qua luôn giữ ở mức cao, nên hầu hết người nuôi cá chẽm đều có lợi nhuận cao hơn so với người nuôi tôm thẻ.

Anh Ngô Thanh Tuấn, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng là một trong số hộ nuôi cá chẽm quy mô lớn ở Sóc Trăng không giấu niềm vui khi nói về vụ cá chẽm năm nay: “Giá cá chẽm những tháng đầu năm rất cao, có thời điểm lên đến 90.000 đồng/kg và kéo dài hơn 1 tháng, còn bình quân cũng được khoảng 80.000 đồng/kg, tính ra mỗi ký cá chẽm có lời 10.000 – 20.000 đồng, nên năm nay người nuôi cá chẽm ăn đứt những người nuôi tôm”.

Anh Võ Điền Trung Dũng – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Ngư Nghiệp bổ sung thêm: “Bình quân, giá thành mỗi ký cá chẽm hiện vào khoảng 65.000 – 70.000 đồng, còn năng suất thì khoảng 50 -100 tấn, nên hộ nào nuôi đạt năng suất và thu hoạch thời điểm giá cao thì lợi nhuận rất lớn”.

Vị thế ngành hàng cá chẽm sẽ khác đi một khi có cơ chế, chính sách phát triển phù hợp và thị trường được mở rộng. Ảnh: TÍCH CHU

Tuy nhiên, quy mô nuôi cá chẽm hiện đa số còn nhỏ lẻ, nguồn giống chất lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu nghề nuôi cũng là bài toán nan giải đối với người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Không nói đâu xa, ngay như doanh nghiệp của anh Dũng, dù nhu cầu con giống mỗi năm chỉ vào khoảng 3 triệu con, nhưng anh phải đi thu gom từ nhiều nguồn mới đáp ứng đủ nhu cầu. Anh Dũng bức xúc: “Con giống hiện nay là “nút thắt” quan trọng của nghề nuôi cá chẽm. Nếu lĩnh vực sản xuất không được nâng lên quy mô công nghiệp thì chúng ta sẽ không thể nào phát triển nghề nuôi lên quy mô công nghiệp”. Ngoài ra, vấn đề vốn cũng hết sức quan trọng, bởi nhu cầu vốn cho nghề nuôi là rất lớn, trong khi đa số nông dân thiếu vốn, nhưng lại khó tiếp cận vốn vay tín dụng. Hơn nữa, với lãi suất từ 10 – 12%/năm như hiện nay thì người nuôi sẽ rất ngại vay vốn vì sợ rủi ro. Do đó, cần có cơ chế, chính sách về vốn và lãi suất phù hợp trong dài hạn.

Lâu nay, khi nói về điểm yếu của các mặt hàng thủy sản thì yếu tố giá thành luôn được xếp hàng đầu. Tuy nhiên, đối với con cá chẽm, anh Võ Điền Trung Dũng khẳng định: “Đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định, giá thành nuôi cá chẽm của chúng ta hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với một số nước, như: Malaysia, Thái Lan… đặc biệt là lợi thế hơn Trung Quốc nhờ nuôi được quanh năm”. Còn về sản lượng cá chẽm, theo ước tính của các doanh nghiệp, hằng năm hiện chỉ mới trên 100 ngàn tấn, nhưng theo các doanh nghiệp, điều này không đáng ngại vì con cá chẽm có thể nuôi được quanh năm tại hầu hết các vùng mặn, lợ trên cả nước, một khi thị trường xuất khẩu được khơi thông. Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng, cần nâng vị thế con cá chẽm thành đối tượng nuôi chủ lực để có cơ chế, chính sách phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đối tượng nuôi này.

Có điều kiện nuôi tốt cả với hình thức nuôi lồng bè trên biển lẫn trong ao dọc theo các tuyến sông lớn, giá thành có tính cạnh tranh, nhưng do chưa mở rộng được thị trường, chưa quảng bá mạnh các đối tượng nuôi này nên doanh nghiệp và người dân chưa dám mở rộng diện tích nuôi do lo sợ cảnh “trúng mùa, thất giá” vốn đã từng xảy ra với con cá chẽm trong những năm trước đây. Do đó, theo anh Dũng, để con cá chẽm phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì Chính phủ phải đi đầu, sau đó đến bộ, ngành, nhằm giới thiệu, tiếp thị mặt hàng cá chẽm của Việt Nam đến các quốc gia khác, để đối tác biết, tìm đến Việt Nam như một chỉ dẫn địa lý về nguồn cung có chất lượng và đảm bảo nhu cầu về số lượng.

Nhắc đến công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, anh Dũng vẫn còn cảm thấy tiếc: “Tôi vẫn còn nhớ, tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) năm 2017 tổ chức tại Đà Nẵng, trong số thực đơn đãi khách có con cá chẽm, nhưng chúng ta không tận dụng được cơ hội này để quảng bá hình ảnh con cá chẽm với bạn bè quốc tế”. Anh Dũng lý giải thêm: “Khi thị trường xuất khẩu được đẩy lên rồi, có tín hiệu rồi thì một loạt các vấn đề về sau tự thân nền kinh tế trong nước sẽ điều tiết một cách linh hoạt và hiệu quả. Tôi ví dụ như ngân hàng, họ sẽ nhìn thấy cơ hội, doanh nghiệp cá tra nhìn thấy cơ hội họ sẽ điều tiết một phần nguồn vốn, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp giống… sang con cá chẽm. Nếu thực hiện tốt các vấn đề trên, tôi tin, con cá chẽm sẽ có vị thế tốt hơn trong cơ cấu ngành hàng thủy sản cả nước”.

Theo TÍCH CHU (Báo Sóc Trăng)

Nguồn: https://tintucmientay.baoangiang.com.vn/vi-the-ca-chem-a378669.html