5 câu chuyện khoa học “bùng nổ” năm 2023

5 câu chuyện khoa học “bùng nổ” năm 2023

Từ những đột phá trong sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng đến sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo và những diễn biến mới đáng lo ngại của khí hậu, 2023 là năm đầy kịch tính của ngành khoa học. Báo Anh Guardian vừa giới thiệu 5 sự kiện lớn nhất được các nhà khoa học bình chọn, như sau:

1. Tàu đổ bộ của Ấn Độ hạ cánh ở vùng tối Mặt trăng

Các nhà khoa học Ấn Độ đã làm một điều mà chưa nước nào làm được: thực hiện sứ mệnh đầu tiên đến cực nam Mặt trăng – khu vực chưa được khám phá và được cho là có tồn tại các hồ chứa nước đóng băng.

Ảnh: ScienceReporter

Tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 đã được phóng thành công vào ngày 4-7-2023, chứng minh cho thế giới thấy Ấn Độ không chỉ là nước đóng vai trò lớn trong lĩnh vực không gian mà còn có thể phóng thành công tàu đổ bộ lên Mặt trăng, với giá 75 triệu USD. Kinh phí này tuy lớn nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với ngân sách của hầu hết các quốc gia tham gia sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng. Hai tuần sau khi hạ cánh, Chandrayaan-3 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao: phát hiện lưu huỳnh trên bề mặt Mặt trăng và cho thấy đất ở đó là chất cách nhiệt tốt. 

Tháng 7-2023 cũng là tháng cực kỳ bận rộn của ngành không gian. Mở đầu bằng việc Cơ quan Vũ trụ châu Âu phóng vệ tinh mang kính viễn vọng Euclid nhằm khám phá vật chất tối và năng lượng tối của vũ trụ. Chỉ 2 tuần sau, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa sử dụng nhiên liệu mêtan đầu tiên trên thế giới (Zhuque-2), chứng minh có thể du hành vũ trụ theo cách “xanh” hơn và tiết kiệm hơn.

Haley Gomez, Giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Cardiff, nhận định với sứ mệnh đa dạng hơn, chi phí thấp hơn và tên lửa xanh hơn, nhân loại đang đứng trước một kỷ nguyên thám hiểm không gian theo cách mới mẻ và dễ dàng hơn.

2. AI tạo ra xu hướng công nghệ

Thông thường, phải mất rất lâu người ta mới có thể xác định tiến bộ nào được xem “bước ngoặt công nghệ”, nhưng 2023 là một năm hiếm hoi chứng kiến việc xác lập thành công của một công nghệ mới. Đó là trí tuệ nhân tạo (AI) – công nghệ đã trở thành xu hướng chủ đạo trong năm qua. Michael Wooldridge, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Oxford, cho biết công nghệ cụ thể được đề cập chính là “ChatGPT và những mô hình ngôn ngữ tương tự nó”. 

Được ra mắt vào cuối năm 2022, ChatGPT đã lan rộng khắp thế giới năm 2023, khiến người dùng “choáng ngợp” vì khả năng diễn đạt ngôn ngữ trôi chảy với nguồn kiến thức tựa như bách khoa toàn thư của nó. Hàng loạt công ty công nghệ đã bước vào đường đua phát triển công cụ AI của riêng mình.

3. Năm nóng kỷ lục của Trái đất

Kỷ lục nóng nhất được thiết lập vào năm 2016 và năm 2023 đã lập đỉnh mới, khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,46 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, rất gần với ngưỡng 1,5 độ C cần phải giới hạn theo Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015.

Tác động của nắng nóng gia tăng ở mức báo động: biển ấm hơn và khí hậu nóng hơn, góp phần dẫn tới các sự kiện chết chóc và hủy diệt môi trường. Hơn 10.000 người thiệt mạng vì lũ lụt ở Libya, hỏa hoạn thiêu rụi các hòn đảo của Hy Lạp và các khu rừng ở Canada, hạn hán và nắng nóng bao trùm châu Phi và châu Âu, trong khi châu Á đối mặt với mưa lũ kinh hoàng.

Dù vậy, Hannah Cloke OBE – Giáo sư thủy văn tại Đại học Reading, cho biết tin tốt là nhiều nước đã chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, công nghệ AI đã bắt đầu thực hiện công việc mà hàng triệu chuyên gia dự báo không thể quản lý, phân tích dữ liệu thời tiết và khí hậu, với tốc độ nhanh chưa từng thấy. 

4. Liệu pháp gien CRISPR giúp chữa bệnh hồng cầu hình liềm và tan máu bẩm sinh

Anh và Mỹ đã cấp phép sử dụng liệu pháp CASGEVY, dựa trên công cụ chỉnh sửa gien CRISPR, để chữa bệnh khiếm khuyết tế bào máu. Liệu pháp này đã được chứng minh là làm giảm nhiễm trùng và đau đớn ở người mắc bệnh hồng cầu hình liềm, cũng như loại bỏ hoặc giảm nhu cầu truyền máu ở người bị bệnh tan máu bẩm sinh (thể thalassemia beta) trong ít nhất 1 năm.

Theo đó, CASGEVY giúp “sửa chữa” các gien hemoglobin bị lỗi trong tế bào gốc tủy xương của bệnh nhân để chúng có thể tạo ra hemoglobin khỏe mạnh. Tế bào gốc trích từ tủy xương của bệnh nhân, được chỉnh sửa trong phòng thí nghiệm và sau đó truyền trở lại cơ thể họ.

5. Hy vọng mới từ phôi được tạo ra bởi tế bào gốc

Ảnh chụp mẫu phôi người tại Viện Khoa học Weizmann. Ảnh: Jacob Hanna Laboratory

Tháng 6-2023, báo chí thế giới “bùng nổ” trước thông tin các nhà khoa học tại Viện Khoa học Weizmann (Israel) đã nuôi dưỡng thành công tế bào gốc đa năng trong môi trường thí nghiệm, để tạo ra các cấu trúc giống với phôi người giai đoạn sớm. Các thí nghiệm đã chứng minh khả năng vượt trội của tế bào gốc trong việc biệt hóa thành các mô và cấu trúc mô thích hợp.

Người ta hy vọng rằng các mẫu phôi mới dựa trên tế bào gốc này sẽ cung cấp một giải pháp thay thế thực tế và “có đạo đức hơn” so với việc nghiên cứu trên phôi bình thường. Dựa vào đó, các nhà khoa học có thể tìm hiểu về cách chúng ta phát triển như thế nào và những vấn đề ở bệnh bẩm sinh, sẩy thai và nguyên nhân thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại, hướng tới tìm ra giải pháp ngăn ngừa và điều trị.

HOÀNG ĐIỂU

Nguồn: https://baocantho.com.vn/5-cau-chuyen-khoa-hoc-bung-no-nam-2023-a168225.html