Nghề đồng nát và câu chuyện kinh tế tuần hoàn

Nghề đồng nát và câu chuyện kinh tế tuần hoàn

TN&MT Để lực lượng lao động phi chính thức trong hệ thống thu gom rác thải được phát triển đúng hướng và được bảo vệ quyền lợi,…cần lắm những kết nối, chung tay tham gia tích cực, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong chuyên môn, kỹ thuật và những người này phải được đăng ký lao động trong một tổ chức pháp nhân và tiến tới có hiệp hội của mình.

Nghề đồng nát và câu chuyện kinh tế tuần hoàn

ảnh minh họa

Không tái chế hết rác thải – lãng phí gần 3 tỷ USD/năm

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia gây ô nhiễm lớn trên các đại dương trên thế giới. Hàng năm, khoảng 3 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra đất liền ở Việt Nam và ước tính khoảng 0,28 đến 0,73 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra đại dương.

Ở rất nhiều địa phương, chính quyền sở tại đã, đang phải vật lộn để thu gom, vận chuyển và xử lý các dòng chất thải ngày một nhiều (nguồn từ sinh hoạt, du lịch và các dịch vụ khác,..). Áp lực nguồn rác thải này sẽ trở nên tồi tệ hơn với quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng kinh tế và dân số.

Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam, lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.

Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018, dự kiến lên 54 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi, rác mang lại lợi nhuận kinh tế như vậy, nhưng ở Việt Nam có đến khoảng 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp, trong khi diện tích quỹ đất dành cho chôn lấp lại bị thu hẹp, không những vậy lại ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm,…

Riêng TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội dành nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 3,5% chi ngân sách. Còn các chuyên gia môi trường nhận định, nếu đem rác đi chôn lấp sẽ lãng phí từ 55 – 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới tái tạo chất thải, sử dụng chất thải ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Tuy nhiên, với rác thải nhựa tại Việt Nam, hiện nay nếu để tuần hoàn được thì phải trông chờ vào hoạt động của hàng ngàn người làm nghề thu gom ve chai, đồ nhựa phế thải.

Đồng nát – mắt xích trong kinh tế tuần hoàn

Đồng nát là thuật ngữ rất quen thuộc với nhiều người. Đặc biệt, với trẻ em vùng nông thôn, tiếng rao mời của người thu mua đồng nát trở thành 1 phần ký ức rất đỗi quen thuộc.

Nghề đồng nát và câu chuyện kinh tế tuần hoàn

Nhọc nhằn

Những người làm nghề đồng nát thường là các bà, các mẹ, các chị ở những vùng quê, làng xã có ít ruộng đất để canh tác. Họ chọn nghề đồng nát để kiếm thêm thu nhập mỗi ngày. Để làm được nghề này ngoài sức khỏe để rong ruổi trên những con người ngõ nhỏ chở theo hàng nhiều loại phế liệu thì còn phải thực sự chịu khó và không ngại bẩn.

Theo một nghiên cứu, năm 1992, Hà Nội có 5.775 người thu mua phế liệu trong nội thành. Năm 1996 tăng lên khoảng 7.750 người. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.000 cơ sở thu mua phế liệu đồng nát, trong đó có 271 cơ sở là của người Nam Định, 366 cơ sở có chủ là người Hà Nội, số còn lại là của người dân di cư từ nơi khác,… Hà Nội xưa có làng Triều Khúc chuyên mua lông gà, lông vịt về sản xuất phất trần và sơ chế để xuất khẩu. Từ thu mua lông gà, lông vịt, Triều Khúc chuyển sang thu gom và sơ chế phế liệu. Hiện nay, làng Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) là làng đồng nát lớn nhất Hà Nội. Họ thu mua đủ loại phế liệu về để phân loại, sơ chế, sau đó bán cho các cơ sở sản xuất ở trong nước và nước ngoài.

Hà Nội hiện đông dân, tiêu dùng có xu hướng theo mốt nên đồ cũ thải ra ngày càng nhiều, vì thế, số người mua đồng nát cũng tăng lên. Mạng lưới đồng nát ở Hà Nội là khâu quan trọng giúp cung cấp vật liệu cho sản xuất, nói cách khác, họ là mắt xích trong kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Ve chai đồng nát- hệ sinh thái âm thầm

Ở nước ta có một nghề phi chính thức thế nhưng lại đóng góp lớn vào chu trình tái chế rác thải đó là nghề đồng nát. Những tiếng giao như “đồng nát bán đi” của các bà, các mẹ trên mọi ngõ ngách, từ thôn quê đến thành thị chắc hẳn đều quen thuộc với mỗi chúng ta thế nhưng ít ai biết được đây lại chính là lực lượng tiên phong trong thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Theo thống kê, tại Hà Nội phải xử lý khoảng 5 nghìn tấn rác/ngày, trong số này thì rác lại lẫn với tài nguyên và người thu nhặt, phân loại rác đầu tiên thì chính là người thu mua đồng nát.

Từ 1h đến đến 2 h sáng mỗi ngày, trên con phố trung tâm Hà Nội thu mua phế liệu đang được mua bán, các chuyến xe lấy phế liệu từ các cơ sở ve chai đồng nát để chuyển đến các làng tái chế. Có nhà bán cả tấn bìa, 3 ngày 1 tấn nhữa, tấn vỏ lon. Những bìa cát tông, lon bia cũng đều là tiền.

Chỉ với chiếc xe đạp và vài trăm nghìn làm vốn, những người như bà Dân, chị Nhung đi khắp các ngõ phố thu mua đồng nát. “Người thu mua giờ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phân loại. Một ngày hơn 100 kg, chỉ những đồ tái chế được thì chúng tôi với mua)- bà Dân đã cho biết!.

Mưu sinh vất vả, thu nhập bấp bênh nhưng những người thu mua đồng nát đang chính là khởi đầu cho một hệ sinh thái tái chế ở Việt Nam.

Sau 6 năm điều tra nghiên cứu một nhóm tác giả của đại học kiến trúc Hà Nội, nhóm đã xuất bản một cuốn sách về nghề đồng nát nhận diện một nghề thu nhập thấp nhưng mang lại lợi ích cho môi trường. TS. Nguyễn Thái Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo hợp tác quốc tế, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, mạng lưới đồng nát ở Việt Nam họ rất đặc trưng, chiếm một khâu mắt xích quan trọng từ khâu thu gom, vận chuyển, tiền xử lý trước khi đi đến khâu tái chế và quay ngược trở lại thị trường, hoạt động của họ làm tiền đề để hình thành nên một nền kinh tế tuần hoàn.

Còn ông Nguyễn Thi, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong lượng chất thải rắn sinh hoạt có từ 15-25% là chất thải có thể đem đi tái chế, những người thu gom đồng nát này, qua rất nhiều lớp họ đã thu gom gần như triệt để các vật liệu có thể tái chế trước khi mà trước khi hệ thống chính thức của chúng ta mang đi xử lý chôn lấp. Những người thu gom phế liệu đã giúp nhà nước giảm 20% chi phí bỏ ra để thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo bà Trâm Nguyễn, Điều phối Mạng lưới kinh tế tuần hoàn thuộc tổ chức WasteAis, vai trò của người thu gom đồng nát, ve chai ngày càng quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, theo ghi nhận của phóng viên, lực lượng vệ sinh đô thị cho biết, những người đồng nát đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động thu gom rác thải của các công ty môi trường, đặc biệt khi lượng rác thải phát sinh ngày càng quá tải.

Tuy nhiên, vai trò của đội ngũ lao động phi chính thức này hiện vẫn bị xã hội xem nhẹ trong bức tranh toàn cảnh về kinh tế tuần hoàn. Công việc đồng nát, ve chai bị coi là lao động tự phát, với mức thu nhập không đảm bảo, không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động hay đào tạo, tập huấn kỹ năng.

TS. Nguyễn Thái Huyền cho biết, Việt Nam có lực lượng phân loại tốt nhất theo tôi nhìn nhận thì lực lượng thu gom đồng nát. Tuy nhiên, làm sao để chúng ta có những cách thức hỗ trợ nâng cao năng lực cho mạng lưới này vẫn đang là câu chuyện còn bỏ ngỏ.

Ước tính ở nước ta có khoảng gần 3 triệu người đang làm việc trong ngành thu gom rác thải phi chính thức, phát triển lực lượng này sẽ góp phần giải bài toán quan trọng tại Việt Nam.

Nghề đồng nát và câu chuyện kinh tế tuần hoàn

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam: “Lực lượng lao động phi chính thức đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống quản lý rác thải vì theo ước tính hơn 30% lượng rác thải được thu gom thông qua kênh này. Vai trò và nhu cầu của mạng lưới lao động phi chính thức trong hệ thống quản lý rác thải tại Việt Nam cần được hiểu rõ để chuẩn bị cho sự tham gia của họ vào khung chính sách trong nước và quốc tế”.

Cần một tổ chức pháp nhân và tiến tới có hiệp hội nghề

Nghề đồng nát và câu chuyện kinh tế tuần hoàn

Nghề đồng nát sẽ không mất đi ở Việt Nam trong vòng 10 năm, 20 năm tiếp theo

Đưa ra bức tranh toàn cảnh về những người làm nghề thu gom phế liệu ở Việt Nam, ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thách thức lớn là hơn 90% những người thu gom đồng nát là lao động nữ mặc dù tính chất công việc nặng nhọc.

Điều kiện lao động trong hệ thống này còn lạc hậu, không bảo hộ, chủ yếu làm bằng thủ công, tư liệu lao động thô sơ. Các vấn đề phúc lợi xã hội, bảo hiểm y tế, xã hội không được quan tâm, chưa có tổ chức bảo vệ quyền lợi, bị các chủ buôn chi phối, thậm chí ép về giá.

“Trong khi lực lượng lao động trong hệ thống thu gom đồng nát hoạt động nhỏ lẻ, không phải là pháp nhân, chưa có tiếng nói thì họ cũng gặp phải sự cạnh tranh lớn từ hệ thống thu gom rác của Nhà nước và của khu vực tư nhân ngày càng hiện đại hóa và nhân rộng, cạnh tranh trực tiếp với người lao động”- Ông Nguyễn Thi phân tích!

Trong khoảng 5 năm tới, hệ thống đồng nát hiện nay vẫn phát huy hiệu quả trong việc thu gom, tái chế đồng thời cũng sẽ bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh với các tổ chức chuyên nghiệp, hiện đại. Để lực lượng lao động phi chính thức trong hệ thống thu gom rác thải được phát triển đúng hướng và bảo vệ quyền lợi, ông Nguyễn Thi cho rằng, những người này phải được đăng ký lao động trong một tổ chức pháp nhân và tiến tới có hiệp hội của mình. “Khi có tổ chức, lao động trong nghề đồng nát sẽ được cải thiện điều kiện lao động, có cơ hội nhận hỗ trợ kinh phí từ các chương trình trách nhiệm nhà sản xuất (ERP), từng bước sử dụng công nghệ ứng dụng thu gom tự động – ông Nguyễn Thi nhận định!.

Ngọc Diệp

Nguồn: https://tainguyenvamoitruong.vn/nghe-dong-nat-va-cau-chuyen-kinh-te-tuan-hoan-cid113357.html