Tăng thuế với thuốc lá không làm gia tăng buôn lậu, không tác động tiêu cực tới việc làm

Tăng thuế với thuốc lá không làm gia tăng buôn lậu, không tác động tiêu cực tới việc làm

(TCT online) – Các chuyên gia y tế khẳng định, việc tăng thuế TTĐB ở mức cao là cần thiết để giúp giảm tiêu dùng thuốc lá. Mặt khác, việc tăng thuế này cũng không làm gia tăng buôn lậu, tác động tiêu cực tới việc làm… thậm chí còn có lợi cho người nghèo.

ảnh: itn

Tăng thuế để tăng giá bán

Theo đánh giá, Việt Nam là nước có mức thuế TTĐB đối với thuốc lá thấp gần nhất Đông Nam Á, và rất thấp so với các nước phát triển. Tỷ lệ thuế ở các nước phát triển là 67,9%, Malaysia là 58,60%, Singapore là 67,50% và Thái Lan là 78,60%. Trong khi đó tại Việt Nam, thuế TTĐB đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng, nhưng nếu tính trên giá bán lẻ, thì mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Thuế thấp khiến giá rẻ, trong khi mặt hàng này được bày bán khắp nơi đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng.

Thống kê của Bộ Y tế cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh). Dự báo đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh, hút thuốc lá còn tạo gánh nặng về kinh tế. Chỉ tính riêng năm 2020, tổng tiêu thụ thuốc lá của Việt Nam lên tới 49.000 tỷ đồng, trong khi chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam chiếm khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng). Thuốc lá cũng là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá cũng như lấy gỗ để sấy thuốc lá.

Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá. “Thuế thuốc lá của Việt Nam rất thấp, trong khi giá vẫn rất rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, từ đó làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Thực tế, các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006-2008 và 2016-2019 vẫn rất thấp và có thời gian cách quãng dài, không tạo ra tác động đủ lớn để giảm sức mua và giảm tiêu dùng. Các mức tăng thuế 2016-2019 có tác động rất ít tới tỷ lệ hút thuốc và không thể đạt mục tiêu Quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc. Do đó, cần tăng thuế, nhưng phải tăng ở mức cao đủ để phát huy đúng vai trò của biện pháp thuế đó là giúp giảm tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe”, bà Hương nhấn mạnh.  

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra 6 chính sách/biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả (MPOWER), trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc cần thiết phải tăng thuế thuốc lá. Theo đó, để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, thuế TTĐB đối với thuốc lá cần phải ở mức 60% đến 80% giá bán lẻ. Theo khuyến nghị của các chuyên gia y tế, cần bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để mức tăng giá thuốc lá theo kịp lạm phát và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Tăng thuế với thuốc lá có lợi cho người nghèo

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại khi tăng thuế thuốc lá làm tăng buôn lậu, tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động…

“Tăng thuế không ảnh hưởng đến buôn lậu”, đó là câu trả lời của ông Mark Goodchild, Chuyên gia chính sách tài chính y tế của WHO. Tại một hội thảo gần đây do WHO phối hợp cùng Heathly tổ chức, ông Mark Goodchild khẳng định, các lập luận phản đối tăng thuế thuốc lá thường hay viện dẫn làm gia tăng buôn lậu thuốc lá, ảnh hưởng tới công ăn việc làm và tác động xấu tới những người thu nhập thấp. Tuy nhiên thực tế bằng chứng cho thấy những lập luận đó là không đúng. “Qua phân tích số liệu từ 94 quốc gia cho thấy không có mối liên quan rõ ràng giữa tình trạng buôn lậu thuốc lá và giá thuốc lá. Thậm chí, tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao.

Đơn cử như ở Ethiopia, Pakistan, Brazil, thuốc lá có giá trung bình từ 0,55-1,3 USD, nhưng thị phần buôn bán thuốc lá lậu vẫn ở mức từ 33%-46%. Ngược lại, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Czech, Sri Lanka có giá thuốc lá cao, trung bình  từ 4 USD-7 USD/bao, nhưng thị phần thuốc lá lậu là từ 0.8-2.9%”, ông Mark Goodchild nhấn mạnh. Thực tế đến nay đã có nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao. Tại Italia, nếu như năm 1992, thị phần buôn lậu thuốc lá ước tính tới 13%, thì giai đoạn 1993- 2000, khi Chính phủ nước này tăng thuế suất thuế TTĐB lên 75,2% giá bán lẻ thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 3%.  

Bộ Tài chính đã xây dựng tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, trong đó nhấn mạnh, chính sách thuế TTĐB hiện hành vẫn còn một số hạn chế nhất định, đặc biệt, thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hóa gây tác hại đến sức khỏe và xã hội chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng. Cụ thể, đối với thuốc lá mặc dù đã tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2019, song tình hình sử dụng vẫn ở mức cao, và có xu hướng gia tăng. Trong khi lộ trình tăng thuế TTĐB vừa qua với thuốc lá vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế TTĐB với mặt hàng này để giảm sử dụng, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Theo đó, định hướng sửa đổi là điều chỉnh thuế đảm bảo đạt mục tiêu của kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, trong đó giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giớ từ 42,3% xuống còn 37% và đạt đến năm 2030 giảm còn 32,5%.

Liên quan đến tác động tiêu cực đến vấn đề công ăn việc làm do tăng thuế, ông Mark Goodchild cho biết, xét trên toàn bộ nền kinh tế, tăng thuế thuốc lá làm tăng công ăn việc làm và tác động tích cực đến tổng sản phẩm quốc nội. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về thuế thuốc lá cũng chỉ ra rằng, giảm nhu cầu tiêu dùng thuốc lá không có nghĩa là giảm tổng mức công ăn việc làm của nền kinh tế. Khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo ra công ăn việc làm khác thay thế cho việc làm mất đi trong công nghiệp thuốc lá. Điều này sẽ tạo thêm việc làm cho nền kinh tế.

Trong khi đó, thực tế chỉ ra rằng, việc tăng thuế thuốc lá là chính sách có lợi cho người nghèo. Theo WHO, từ quan điểm tăng trưởng bao trùm, đánh thuế thuốc lá cũng là một chính sách “vì người nghèo” vì nhóm thu nhập thấp được hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm thiểu bệnh tật, chi phí y tế và tình trạng bần cùng liên quan đến việc sử dụng thuốc lá, trong khi nguồn thu thêm từ thuốc lá thuế cũng có thể được chuyển vào các dịch vụ công như y tế và giáo dục để giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo.

Việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế, cùng những tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.

Thúy Nga

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/tai-chinh-tien-te/f7c8f4d1-450d-4ea0-aa21-c0d7de9127a3