Bài thuốc dân gian, Sức khỏe, Thông tin
Ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu: Nguy hiểm chết người!
Ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu: Nguy hiểm chết người!
Nếu chế biến không đúng cách, củ ấu tàu vẫn còn độc tính. Khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu độc tính, người dùng có thể bị ngộ độc, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Nhập viện sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu
Tháng 2/2023, hai người phải nhập viện trong tình trạng bị kích thích vật vã, tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim phải thở máy sau khi uống rượu ngâm củ ấu tàu (ấu tẩu).
Thông tin trên VOV cho biết, hai bệnh nhân 49 và 53 tuổi (đều ở tỉnh Hải Dương) được đưa đến cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Xét nghiệm nước tiểu của hai bệnh nhân phát hiện aconitin – một chất gây loạn nhịp tim có trong củ ấu tàu.
Hồi tháng 5/2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận hai bệnh nhân trong cùng một gia đình nhập viện trong tình trạng da đỏ, kích thích vật vã, tim đập nhanh.
Được biết, vào tối 16/5, khi đang ăn cơm cùng gia đình, các bệnh nhân có uống 3 chén rượu ngâm củ ấu tàu. Sau một giờ, bệnh nhân nôn nhiều, tê lưỡi, khó chịu và được đưa đến bệnh viện. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, hai bệnh nhân này bị ngộ độc aconitin do uống rượu ngâm củ ấu tàu.
Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định điều trị thải độc, sử dụng thuốc chống loạn nhịp.
Ảnh: Kinh tế & Đô thị. |
Không chỉ uống rượu, việc sử dụng ấu tàu làm thức ăn cũng có nguy cơ gây ngộ độc. Vào tháng 8/2022, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận bệnh nhân Bùi Thị Hồng K. 40 tuổi, trú tại thành phố Tuyên Quang. Chị nhập viện do ngộ độc sau khi ăn cháo ấu tẩu.
Một số điều cần biết về củ ấu tầu
Củ ấu tẩu còn gọi là củ ấu tàu, được xếp vào danh mục thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. Theo Đông y, củ ấu tàu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi.
Đáng lưu ý, tất cả các thành phần của cây đều chứa độc tố và hàm lượng cao nhất ở rễ củ. Trong rễ củ chứa 0,17 – 0,28% aconitin. Aconitin có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Độc tính của aconitin rất mạnh: Chỉ cần một liều 0,02 – 0,05 mg cho 1 kg thể trọng là có thể gây chết người.
Trong thành phần cây có các Alkaloid khác có thể có tác dụng ức chế với nhịp tim dẫn tới các dạng rối loạn nhịp chậm.
Triệu chứng ngộ độc củ ấu tàu
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, bệnh nhân ngộ độc aconitin lúc đầu cảm thấy bần thần với triệu chứng tê lưỡi, tê các ngón tay, ngón chân, tay chân lạnh buốt rồi không đứng được, cảm giác khuỵu xuống, hoa mắt chóng mặt, vã mồ hôi, nói khó, chảy nước dãi, tiêu chảy, buồn nôn, ngực tức, da lạnh, tim đập nhanh… Xét nghiệm máu thấy rối loạn điện giải, thông thường giảm kali, canxi, suy chức năng gan, thận.
Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tẩu, có thể gây nôn nếu người bệnh còn tỉnh táo, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc tự điều trị theo các biện pháp dân gian.
Ảnh: VOV. |
Lưu ý khi sử dụng củ ấu tàu để tránh ngộ độc
Nhiều người vẫn coi củ ấu tàu như một loại thuốc bổ, có thể ăn và uống được khi được chế biến kỹ đúng phương pháp như nấu cháo, rượu ngâm củ ấu tàu sao vàng.
Theo bác sĩ, nếu chế biến không đúng cách, củ ấu tàu vẫn còn độc tính. Khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu độc tính, người dùng có thể bị ngộ độc, nặng có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Việc chế biến cần phải do những người có kinh nghiệm thực hiện. Không được uống rượu ngâm củ ấu tẩu để tránh ngộ độc. Đồng thời, rượu ngâm củ ấu tẩu dùng để xoa bóp phải dán nhãn hướng dẫn cách dùng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em, để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.
P.V (Tổng hợp)
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/doi-song/ngo-doc-ruou-ngam-cu-au-tau-nguy-hiem-chet-nguoi-1834499.html |