Bão Yagi đổ bộ vào miền bắc Việt Nam thời điểm đầu tháng 9/2024 đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều địa phương. Câu chuyện đau thương của bão Yagi đã đặt ra bài toán về yêu cầu cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng bền vững hơn với những biến động khó lường của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.

Không có giải pháp nào hoàn hảo, chỉ một giải pháp lựa chọn để sự thiệt hại thấp nhất

Phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận về Tình hình kinh tế xã hội năm 2024 và dự báo năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về cơn bão Yagi, cũng như những trải lòng về sự phát triển của ngành nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới đây.

Biến đổi khí hậu không còn xa xôi, cần nâng cấp tư duy về thảm họa để ứng phó hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan phát biểu trong phiên thảo luận chiều 4/11 – Ảnh: Quốc hội

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hậu quả bão số 3 (bão Yagi), bão Yagi là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại kinh tế hơn 81.700 tỷ đồng. Đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như: bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng.

Dù đã chủ động chỉ đạo, ứng phó từ sớm, từ xa, kịp thời, quyết liệt, nhưng thiệt hại, mất mát do bão Yagi và mưa lũ là rất lớn. Những thiệt hại, mất mát do bão Yagi gây ra cần nhiều nguồn lực và thời gian để khắc phục, nhất là tại các tỉnh/thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng. Theo thống kê, bão số 3 và mưa, lũ đã làm 323 người chết, 22 người mất tích và 1.978 người bị thương. Cạnh đó, có 283.383 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 122.415 nhà bị ngập; 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 36.310ha và 11.835 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi…

Trước những thiệt hại nặng nề do bão Yagi mang lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với người dân về những thiệt hại này, “tôi cũng xin chia sẻ một lần nữa với bà con những mất mát, tổn thất của người dân, cũng như các doanh nghiệp trong tất cả các ngành, lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Có đến trực tiếp chứng kiến những mất mát, đau thương ở ngay tại hiện trường, chúng ta sẽ thấy dư chấn còn quá lớn”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, bão Yagi qua đi cũng để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. “Nội lực của đất nước, sự tham gia của xã hội, của hàng trăm nghìn cán bộ lực lượng vũ trang, công an, quân sự, tình nguyện bám đê, bám hồ, có những thời điểm rất khó khăn; mọi vấn đề ở những thời khắc có thể là lịch sử đối với chúng ta để cân phân những giải pháp”.

“Như Thủ tướng nói những thời điểm không có giải pháp nào hoàn hảo, chỉ một giải pháp lựa chọn để sự thiệt hại thấp nhất”.

Bộ trưởng bày tỏ cảm ơn các địa phương đã chủ động vào cuộc, cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã phối hợp kịp thời trong thời khắc khó khăn chung của đất nước, độ phủ của cơn bão chiếm 30% diện tích của đất nước.

Biến đổi khí hậu không còn xa xôi, cần nâng cấp tư duy về thảm họa để ứng phó hiệu quả

Bão Yagi là minh chứng cụ thể cho thấy, biến đổi khí hậu không phải là chuyện xa xôi, ngay cả những quốc gia trong thời điểm đó như: Hoa Kỳ, châu Âu, những quốc gia có tiềm lực về khoa học – công nghệ, ứng phó thiên tai hay tiềm lực kinh tế thế nào cũng phải chống chịu với những thảm họa, những cú sốc của thiên tai.

Do đó, theo Bộ trưởng nhấn mạnh, “những vấn đề chúng ta nhận dạng sau cơn bão Yagi để hoàn thiện công tác phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và những cú sốc của những hình thái thiên tai, một lần nữa cho thấy chúng ta phải nâng cấp tất cả tư duy nhìn về thảm họa, thiên tai ở một cấp độ cao hơn và xử lý những tình huống cao hơn, kể cả về hạ tầng, về tiêu chuẩn, về quy chuẩn, về quy hoạch các địa phương ven biển, các không gian bị chia cắt ở vùng miền núi, trung du phía Bắc. Ngoài ra, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực để chúng ta chuyên nghiệp hơn”.

Về vấn đề triển khai Nghị định 02 về hỗ trợ bà con, ông Hoan thông tin, Bộ NN&PTNT đã trình với Thủ tướng xây dựng 2 nghị định về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị tổn thất do thiên tai cũng như dịch hại thực vật và 1 nghị định liên quan tới dịch bệnh trên động vật.

Cần thiết kế chính sách để không bị lợi dụng chính sách, không bị trục lợi, cũng như không làm cho những người thiệt hại khó khăn, vì đây là vấn đề rất lớn. Ngoài ra, vì nguồn lực có hạn nên Bộ NN&PTNT đã thiết kế lại những chính sách theo hướng: (i) Nâng mức hỗ trợ lên; (ii) Cho phép các chính quyền địa phương thông qua Hội đồng nhân dân có thể hỗ trợ nhiều thêm để các địa phương có điều kiện hỗ trợ cho bà con một cách kịp thời.

Đối với vấn đề liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, ông Hoan nhấn mạnh, “sau cơn bão Yagi, chúng tôi cũng ngồi lại và đang thiết kế lại dự thảo, trình Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định 58 về bảo hiểm nông nghiệp. Chưa bao giờ chúng ta thấy bảo hiểm nông nghiệp cần thiết đối với chúng ta như sau cơn bão Yagi. Như vậy, câu chuyện của bão Yagi để lại là chúng tôi phải cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngành hàng nông nghiệp để thích ứng bền vững, những chiếc lồng bè ở Vân Đồn, Quảng Ninh cần chắc chắn hơn và những bến cảng cần chống chịu được những hình thái, cấp độ giông bão cao hơn”.

Phát triển thủy sản bền vững: Quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU

Liên quan tới phát triển thủy sản bền vững, ngày 4/11 Thủ tướng ký Công điện số 111 về tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để phát triển thủy sản bền vững.

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, vấn đề phát triển bền vững về trữ lượng tài nguyên biển của quốc gia mới là quan trọng, “IUU là một bước để chúng ta tiến tới sự phát triển bền vững, vì 3 hành động bất hợp pháp, không đúng quy định, không khai báo đều nằm trong Điều 10 của Luật Thủy sản năm 2017, nghĩa là luật pháp cũng đã quy định 3 hành vi đó, nhưng rất nhiều lý do mà chúng ta không thực thi. Một lần nữa chúng ta xem lại tổ chức thực thi ở các cấp chính quyền”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây cũng là một thời khắc rất khó khăn, như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chúng ta cố gắng sớm tháo gỡ thẻ vàng. Tôi khẳng định những khuyến cáo của EU đã được cải thiện rất nhiều, đây là công sức của cả một hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, cũng như của lãnh đạo các địa phương. Điều này đã được đoàn thanh tra EU ghi nhận, chúng ta phải cùng nhau hợp lực lại ở khoảng thời gian cuối cùng này”.

Về giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản, theo Bộ trưởng chia sẻ: “Chúng ta có 675 xã ven biển, tôi nghĩ rằng xã nào cũng có hệ thống dân cử ở đó. Tôi đã đề nghị với đại biểu Quốc hội một lần, ngoài trách nhiệm giám sát các thành viên Chính phủ hay Chính phủ, thì với những cuộc tiếp xúc cử tri của mình ở 675 xã ven biển, thì chính các đại biểu Quốc hội cũng là người có một sứ mạng, tôi xin phép dùng từ “sứ mạng” cùng với Chính phủ, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để chúng ta lan tỏa tinh thần một câu chuyện phát triển thủy sản bền vững đã đưa ra, giảm khai thác, tăng nuôi trồng, bảo tồn biển”.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ rằng, hiện đã có rất nhiều địa phương nuôi biển rất tốt như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên có những cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, trước đây là khai thác ở ngoài khơi bây giờ vào để nuôi trồng ở cận bờ và ở ven bờ.

Hiện nay, Đề án nuôi trồng thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bộ trưởng cũng nêu vấn đề rằng, bây giờ cấp độ là ở địa phương thực thi như thế nào cho kịp thời?

“Tôi biết có nhiều địa phương như Bình Định có cả một chính sách để giảm các tàu vi phạm, hành động rất quyết liệt, hỗ trợ người dân nếu người dân không còn đánh bắt ở những vùng biển tái tạo nguồn lợi thủy sản, thậm chí còn có ý tưởng là cấm biển và hỗ trợ người nông dân trong mùa thủy sản sinh sôi. Tôi nghĩ rằng những hành động quyết liệt đó đã chứng minh sự vào cuộc và sự quyết liệt của các địa phương, chúng ta phải ghi nhận”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.