Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, tại Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa tiếp lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực giao thông, đường sắt, năng lượng gồm: gồm Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC), Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), Tập đoàn Năng lượng Trung Quốc (Energy China); thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Huawei. Cùng tham dự buổi tiếp có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch HĐQT CRCC Đới Hòa Căn cùng các đại biểu tại buổi tiếp |
Theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam. Các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước sẽ ngày càng sôi động, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị CRCC Đới Hòa Căn cho biết, Việt Nam hiện là một trong những thị trường quan trọng nhất châu Á của CRCC. Tập đoàn đang triển khai một số dự án hạ tầng tại Việt Nam. Với năng lực và uy tín của Tập đoàn, trên tinh thần Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ hai nước năm 2023, Tập đoàn mong muốn và sẵn sàng góp phần vào sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có khảo sát thiết kế xây dựng đường sắt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vừa qua, hai bên đã nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Đồng Đăng – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Đây là hệ thống hạ tầng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Tập đoàn CRCC nghiên cứu, khảo sát hỗ trợ tư vấn, có các đề xuất để có thể tham gia đấu thầu các dự án thuộc lĩnh vực này.
Lãnh đạo Tập đoàn CCCC cho biết, từ năm 1996 đến nay, CCCC đã thực hiện hơn 20 dự án tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lượng như: Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (một phần); xây dựng cảng Cái Mép – Thị Vải, đang thực hiện Nhà máy điện gió tại Sóc Trăng…
Tiếp Phó Chủ tịch Energy China, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đang tích cực xây dựng, sửa đổi các chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn. Trong lĩnh vực năng lượng, đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường… Ghi nhận các đề xuất của Tập đoàn về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng…), phát triển điện LNG, các giải pháp phát triển xanh, phát triển ít carbon tại Việt Nam…; nêu rõ, đây cũng là những lĩnh vực Việt Nam đang khuyến khích thu hút đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn Energy China trao đổi với các bộ, ngành, địa phương về các tiềm năng, cơ hội hợp tác mới, cũng như mở rộng đầu tư các dự án năng lượng, giao thông tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Energy China kiêm Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng quốc tế Trung Quốc (China International Energy Group) Lã Trạch Tường cùng các đại biểu tại buổi tiếp |
Thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Huawei, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, công dân số, xã hội số. Là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP và đến năm 2030 đạt 30%. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài phát triển mạnh doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao trong nước, Việt Nam thu hút các tập đoàn lớn, trong đó có Huawei, tham gia đóng góp vào quá trình chuyển đổi số.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Huawei Lương Hoa đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Do đó, Huawei có thể tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong các ngành công nghiệp như: nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao; sản xuất linh kiện điện tử, viễn thông các thế hệ 5G và cao hơn; công nghiệp phụ trợ; bán dẫn…; hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các sản phẩm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân hai nước.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Huawei Lương Hoa, Việt Nam đã có các chương trình để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số. Huawei sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác với Việt Nam như: xây dựng mạng 5G, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin…
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Kinh tế của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Trung Sơn, để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế, thể chế, chính sách và kinh nghiệm phát triển khu thương mại tự do, phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt cao tốc… Cùng tham gia buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Kinh tế của Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Trung Sơn |
Hai bên cũng đã tập trung trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các biện pháp quản lý thương mại phi thuế quan; định hướng ưu tiên phát triển và điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển khu thương mại tự do; mô hình hoạt động của khu thương mại tự do, nhất là kinh nghiệm phát triển và mở rộng khu thương mại tự do Thượng Hải…
Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi, chia sẻ thông tin về hình thành và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, công nghiệp đường sắt tốc độ cao, nhất là về phương diện công nghệ, kỹ thuật, chính sách đầu tư, huy động nguồn lực tài chính và kỹ năng quản lý; việc xây dựng, ban hành chính sách, văn bản pháp luật về đường sắt tốc độ cao; việc tích hợp dự án đường sắt tốc độ cao với quy hoạch phát triển theo định hướng giao thông TOD; kinh nghiệm thu xếp nguồn vốn, khả năng tham gia của khu vực tư nhân và quản lý nợ công; khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực…/.