Bài thuốc dân gian, Sức khỏe, Thông tin
Pháp thử nghiệm thành công phương thuốc có thể điều trị Covid-19
Pháp thử nghiệm thành công phương thuốc có thể điều trị Covid-19
(VietQ.vn) – Pháp vừa thử nghiệm thành công loại thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian nhiễm virus Covid-19 ở bệnh nhân.
Một phương pháp điều trị Covid-19 có hiệu quả vừa được nhóm các nhà khoa học Pháp và Việt Nam báo cáo trên tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents.
Theo đó, khi họ thử nghiệm hai loại thuốc hydroxychloroquine (tên thương mại là Plaquenil, vốn được dùng để điều trị sốt rét) và azithromycin (một loại kháng sinh còn được gọi là Zithromax hoặc Azithrocin) thì các bệnh nhân Covid-19 đã rút ngắn được thời gian nhiễm virus.
Nghĩa là họ đã cho kết quả xét nghiệm âm tính sớm hơn các bệnh nhân khác, một dấu hiệu cho thấy thuốc đáp ứng và đã có thể ức chế quá trình sao chép, nhân lên của virus SARS-CoV-2.
Thử nghiệm điều trị kết hợp hydroxychloroquine và azithromycin đã được thực hiện trên 30 bệnh nhân dương tính với Covid-19. Họ được chia thành 3 nhóm, nhóm thứ nhất được cho dùng hydroxychloroquine một mình, nhóm thứ hai kết hợp nó với kháng sinh và nhóm thứ ba không được điều trị bằng cả hai loại thuốc này để đối chứng.
Trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng từng báo cáo phương pháp điều trị kết hợp kháng sinh và thuốc chống sốt rét đã cho hiệu quả trên bệnh nhân nước này. Chúng cũng có thể rút ngắn thời gian virus tồn tại ở một tải lượng cao trong cơ thể họ.
Trong số các bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu của Pháp, có 6 người nhiễm Covid-19 nhưng không biểu hiệu triệu chứng, 22 người có các triệu chứng đường hô hấp trên (như hắt hơi, đau họng, đau đầu) và 8 người có triệu chứng đường hô hấp dưới (chủ yếu là ho).
Kết quả điều trị trên 20 bệnh nhân cho thấy hydroxycholoroquine được sử dụng một mình cũng cho kết quả khả quan. Nhưng khi được kết hợp với kháng sinh azithromycin, nó thậm chí còn hiệu quả hơn đáng kể.
Biểu đồ kết quả điều trị bằng hydroxychloroquine của các nhà nghiên cứu Pháp
“Vào ngày thứ 6 sau khi đưa vào phác đồ, 100% bệnh nhân được điều trị bằng hydroxychloroquine và azithromycin đã khỏi virus, so sánh với 57,1% ở những bệnh nhân chỉ điều trị bằng hydroxychloroquine và 12,5% ở nhóm đối chứng”, các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí International Journal of Antimicrobial Agents..
Đáng chú ý, một bệnh nhân chỉ được điều trị với hydroxychloroquine cho kết quả dương tính ở ngày thứ sáu, nhưng sau khi được điều trị thêm bằng azithromycin ở ngày thứ 8 thì đến ngày thứ 9, kết quả xét nghiệm đã âm tính.
“Chúng tôi chỉ ra rằng hydroxychloroquine có hiệu quả trong việc làm sạch những tác nhân mang virus SARS-CoV-2 ở vùng mũi họng của hầu hết bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong khoảng từ 3-6 ngày“, nghiên cứu kết luận.
Khi sử dụng với azithromycin, loại kháng sinh này còn cho “tác dụng hiệp đồng. Trước đây, azithromycin đã được chứng minh có hiệu quả chống lại virus Zika và Ebola trong môi trường ống nghiệp, và ngăn ngừa được nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng ở bệnh nhân bị nhiễm virus”.
Mặc dù đây mới chỉ là một nghiên cứu trên nhóm nhỏ, đại diện cho một số ít bệnh nhân, nhưng kết quả của nó vẫn rất hứa hẹn. Đặc biệt là trước đó, các nhà khoa học Trung Quốc cũng xác nhận phương pháp điều trị này có hiệu quả.
Ngoài ra, các nhà khoa học và bác sĩ trên toàn cầu cũng đang thử nghiệm nhiều phương pháp tiềm năng khác để tìm cách chống lại được virus SARS-CoV-2. Ưu tiên lúc này là tận dụng các loại thuốc cũ từng được cấp phép để điều trị một số virus khác như Ebola, SARS, HIV…
Cho đến nay, chưa có phương pháp điều trị hiệu quả nào được hoàn toàn công nhận là đặc hiệu với Covid-19, nhưng các nghiên cứu ở khắp nơi đang nỗ lực chứng minh thử nghiệm của mình có thể đại diện cho một phương pháp điều trị như vậy. Các nhà quản lý và cấp phép y tế cũng đang làm việc rất khẩn trương, để đánh giá và xem xét phê duyệt những phác đồ điều trị này nếu chúng có hiệu quả.
Công việc phát triển vắc-xin cho Covid-19 cũng đang được tiến hành. Tuần này, những tình nguyện viên đầu tiên ở Mỹ đã được tiêm thử nghiệm một loại vắc-xin dựa trên mRNA để xác nhận độ an toàn của nó.
Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc-xin Covid-19 nào sau khi thử nghiệm an toàn thành công cũng phải mất từ 12-18 tháng mới được phê duyệt và cấp phép ra thị trường.
Các nhà nghiên cứu và quản lý y tế đang cố hết sức để đẩy nhanh tiến độ này, hi vọng một loại vắc-xin có thể ra đời sớm để chặn lại làn sóng thứ hai của Covid-19, khi nó còn có thể còn bùng phát mạnh trở lại trong mùa đông tới.
Bảo Linh/Theo Vietq.vn