Để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk

Nghề nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk hình thành từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn phát triển tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người nuôi, môi trường và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về thủy sản.

“Đánh bạc” với trời

Đoạn sông Sêrêpốk qua địa phận xóm 4 (xã Ea Na, huyện Krông Ana) có hàng chục lồng bè nuôi cá rô phi, diêu hồng, trắm, lăng…

Ông Nguyễn Văn Hải nuôi 20 lồng cá tại đây, sản lượng hằng năm khoảng 40 tấn. Vài năm nay, khí hậu thất thường khiến cá chết nhiều, sản lượng thu hoạch giảm sút; đặc biệt lũ lụt năm 2020 và 2023 khiến cá chết hàng loạt, thiệt hại tiền tỷ.

Đa phần các cơ sở nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk đều chưa đủ các thủ tục theo quy định.

Nghề nuôi cá trên sông thì thắng thua phụ thuộc vào thời tiết nên những người nuôi cá lồng bè chấp nhận rủi ro. Vào mùa khô, nước sông xuống thấp, cộng với thời tiết nắng nóng thì không có cách gì xử lý.

Mùa mưa lũ, nước sông lớn, chảy mạnh thì họ cho bè dạt sát vào bờ để giảm thiểu bị ảnh hưởng. Một số hộ nuôi chủ động điều chỉnh thời vụ, thu hoạch cá vào trước cao điểm mùa lũ. Tuy nhiên, phần lớn các hộ tập trung vào vụ nuôi phục vụ thị trường dịp Tết nên buộc phải thấp thỏm “sống chung với lũ” và mong cho thời tiết thuận lợi.

Đại diện UBND xã Ea Na cho biết, đoạn sông Sêrêpốk qua địa bàn xã có chiều dài 5,8 km đã được cắm mốc hành lang thoát lũ. Ở địa phương có 8 hộ nuôi cá trên sông, với 114 lồng, sản lượng hằng năm gần 270 tấn. Đây là vùng hạ du thủy điện Buôn Tua Srah, những điểm nuôi cá là khu vực trũng, khó thoát nước.

Chính quyền địa phương thường xuyên hướng dẫn cho người dân về phòng chống thiên tai, trao đổi trực tiếp với đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện trên sông về điều tiết để thông tin cho người dân. Trong thực tế, về phòng chống thiên tai thì một số hộ nuôi cá lồng vẫn còn chủ quan, còn lại vì lợi nhuận từ hoạt động này nên họ chấp nhận rủi ro trong quá trình nuôi.

Trên lưu vực sông Sêrêpốk có nhiều nhà máy thủy điện bậc thang đang hoạt động. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp – đơn vị quản lý, vận hành 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông này cho biết, nuôi cá trong lòng hồ, phía trên hồ và hạ du hồ chứa thủy điện, nếu không có biện pháp bảo đảm an toàn thì khi lũ về sẽ làm trôi lồng bè về phía hồ chứa công trình, ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhất là các van xả. Trước mùa mưa lũ, công ty cũng đã phối hợp với địa phương kiểm tra hành lang thoát lũ, nhất là các khu vực có nuôi cá lồng bè.

Đề nghị địa phương phổ biến với người dân về thời kỳ mùa lũ của lưu vực sông Sêrêpốk là từ tháng 8 đến tháng 11 để có kế hoạch sản xuất, nuôi trồng thủy sản phù hợp, thu hoạch trước mùa lũ để không bị thiệt hại. Đến nay, công ty cũng đã xây dựng 24 trạm cảnh báo lũ, thường xuyên cập nhật thông tin lưu lượng về hồ, lưu lượng xả; thiết lập các trạm quan trắc mực nước sông nhằm xác định hiện trạng ngập để người dân biết.

Về phía huyện Krông Ana, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi thông tin về việc vận hành hồ chứa thủy điện, phổ biến đến người dân trang thông tin về thông số vận hành các hồ chứa và hệ thống còi cảnh báo, loa cảnh báo lũ vùng hạ du để các tổ chức, cá nhân vùng hạ du nắm và chủ động ứng phó.

Cần đưa nghề nuôi cá lồng bè vào quy củ

Theo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNN) huyện Krông Ana, tận dụng 2 con sông lớn chảy qua là sông Krông Nô và sông Krông Ana hợp thành sông Sêrêpốk, người dân đã khai thác lợi thế này để nuôi cá lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn huyện bắt đầu từ năm 2015. Toàn huyện hiện có 14 hộ nuôi cá lồng tại thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Na, với tổng cộng 218 lồng. Hiện có 2 tổ hợp tác về thủy sản là Tổ hợp tác Nuôi cá Thiên Phát (xã Ea Na) và Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản thị trấn Buôn Trấp.

Một cơ sở nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk nằm trong khu vực hồ thủy điện Buôn Kuốp.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNN), các cơ sở nuôi cá lồng bè trên sông Sêrêpốk, trong đó có địa bàn huyện Krông Ana là tự phát, chưa được cơ quan thẩm quyền giao/cho thuê đất/mặt nước để nuôi trồng thủy sản nên các cơ sở này chưa được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè. Người dân nuôi tự phát khiến công tác quản lý nhà nước về thủy sản gặp khó khăn trong thống kê số liệu, quản lý số lượng, sản lượng nuôi cũng như việc chỉ đạo, điều hành, hoạch định các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, việc nuôi tự phát không theo quy hoạch còn tiềm ẩn rủi ro về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh do không được quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản. Khi xảy ra thiên tai, người nuôi không được hưởng các chính sách hỗ trợ do việc nuôi không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện; hướng dẫn các hộ nuôi đăng ký xác nhận nuôi thủy sản lồng bè theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân và quy định pháp luật; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, hướng dẫn kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, thiên tai để hoạt động nuôi cá lồng bè hiệu quả, hạn chế thiệt hại. Đồng thời, thực hiện quan trắc cảnh báo môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản định kỳ để theo dõi diễn biến chất lượng nước và có khuyến cáo, hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng nước, phòng ngừa ô nhiễm, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNN đề nghị địa phương tham mưu thực hiện việc giao, cho thuê đất có mặt nước trên sông để nuôi trồng thủy sản đúng quy định pháp luật về đất đai và làm cơ sở thực hiện pháp luật về thủy sản, giao thông đường thủy.

Minh Chi

Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202410/de-phat-trien-ben-vung-nghe-nuoi-ca-long-be-tren-song-serepok-e941b4a/