Trái đất bước vào “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu”

Trái đất bước vào “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu”

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi hành động quyết liệt ngay lập tức để chống biến đổi khí hậu, nhấn mạnh nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 7 cho thấy Trái đất đã bước qua giai đoạn ấm lên để tiến vào “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu”.

Các bang ở Mỹ trải qua 3 tuần liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trên 43 độ C.

Các bang ở Mỹ trải qua 3 tuần liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trên 43 độ C.

Đợt nắng nóng nghiêm trọng đang quét qua Bắc bán cầu, bao gồm các khu vực ở châu Âu và châu Mỹ, với nhiệt độ cao kỷ lục đã dẫn đến cháy rừng dữ dội tại các nước như Hy Lạp, Ý và Algeria. Phát biểu tại New York hôm 27-7, Tổng Thư ký Guterres mô tả tình trạng nắng nóng ở Bắc bán cầu là “mùa hè thảm khốc”. “Tất cả những điều này hoàn toàn trùng khớp với những dự đoán và cảnh báo liên tục. Điều bất ngờ duy nhất là tốc độ biến đổi. Thời kỳ ấm lên toàn cầu đã kết thúc, kỷ nguyên nung nóng toàn cầu đã đến”, ông Guterres nhấn mạnh.

Bình luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tại Trung tâm Biến đổi khí hậu Copernicus (châu Âu) xác nhận 3 tuần đầu của tháng 7 là giai đoạn 3 tuần ấm nhất và tháng này cũng sắp trở thành tháng 7 nóng kỷ lục, đồng thời là tháng nóng nhất trong lịch sử. Cụ thể, Tiến sĩ Karsten Haustein tại Đại học Leipzig (Đức) phát hiện nhiệt độ tháng 7-2023 cao hơn 0,2 độ C so với kỷ lục trước đây được ghi nhận vào tháng 7-2019. Thời tiết cực đoan trong tháng này đã gây ra ảnh hưởng lớn trên khắp thế giới, với nhiệt độ phá kỷ lục ở Trung Quốc, Mỹ và Nam Âu, kéo theo cháy rừng, khan hiếm nước và nhiều người phải nhập viện do nắng nóng.

Do đốt nhiên liệu hóa thạch

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đốt nhiên liệu hóa thạch đã châm ngòi cho nhiệt độ toàn cầu trong tháng 7 xô đổ kỷ lục. Nhiệt độ trung bình tăng nhanh do tình trạng ô nhiễm vốn nhốt ánh sáng Mặt trời và đóng vai trò như một nhà kính bao quanh Trái đất. Điều này khiến thời tiết cực đoan càng trở nên nguy hiểm hơn. Đối mặt với những hậu quả “thê thảm”, ông Guterres lặp lại lời kêu gọi hành động mạnh mẽ và khẩn trương, một lần nữa nhắm vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu diễn ra trong tháng 9 tới, người đứng đầu LHQ thúc giục các nước phát triển cố gắng cam kết đạt trung hòa carbon vào năm 2040 và các nền kinh tế mới nổi là vào năm 2050.

Theo ông Guterres, vẫn có thể kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để tránh được kịch bản tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, nhưng đòi hỏi phải hành động nhanh và quyết liệt. Thế giới đã chứng kiến một số tiến bộ, bao gồm năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến và những bước đi tích cực trong các lĩnh vực như vận tải biển, song vẫn chưa đủ xa hoặc nhanh.

Qua đó, Tổng Thư ký Guterres đề nghị các quốc gia phát triển tăng cường đầu tư vào năng lượng xanh, cải thiện các biện pháp thích ứng nhằm bảo vệ người dân trước nắng nóng, lũ lụt, bão tố, hạn hán và cháy rừng. Ông cũng đề xuất nhiều giải pháp, trong đó ấn định giá carbon và cho phép các ngân hàng nâng mức tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng khuyến nghị carbon cần được định giá trung bình là ít nhất 75 USD/tấn trên toàn cầu vào cuối thập kỷ này để đạt các mục tiêu về khí hậu trên thế giới.

Tổng Thư ký LHQ Guterres phát biểu cùng ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố nhiều biện pháp nhằm bảo vệ người lao động trước nắng nóng cực đoan, bao gồm nâng cao công tác dự báo thời tiết và giúp người dân tiếp cận nước uống dễ dàng hơn. Theo chủ nhân Nhà Trắng, sát thủ liên quan thời tiết đứng số một là nắng nóng, khi những ảnh hưởng của nó khiến 600 người tử vong mỗi năm, nhiều hơn số nạn nhân chết do lũ lụt, giông bão và lốc xoáy ở Mỹ cộng lại.