Chuyên gia cảnh báo: Áo điều hòa không thực sự hiệu quả như tên gọi

Chuyên gia cảnh báo: Áo điều hòa không thực sự hiệu quả như tên gọi

(VietQ.vn) – Áo điều hòa đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì có khả năng làm mát tới 6-8 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, tác dụng của áo điều hòa không như quảng cáo, tránh lầm tưởng.

Áo điều hòa là sản phẩm kết hợp giữa áo chống nắng và quạt điều hòa giúp chống nắng, ngăn tia cực tím và làm mát cơ thể. Áo có thiết kế tương tự áo chống nắng thông thường tuy nhiên có gắn thêm 2 chiếc quạt gió mini bên hông sườn.

Hệ thống điều hòa của áo chạy bằng pin và năng lượng chứa trong túi áo. Cách thức sử dụng khá đơn giản chỉ cần mặc như áo bình thường, bấm nút khởi động 2 chiếc quạt điều hòa. Mặc càng lâu, hệ thống gió càng mạnh giúp người sử dụng cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng.

Theo nhà sản xuất, trung bình mỗi giây có khoảng 20 lít không khí đi vào áo và thoát qua khe hở tay, cổ áo giúp làm khô mồ hôi và đưa khí mát liên tục vào cơ thể người sử dụng. Tuy nhiên trên thị trường xuất hiện không ít hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng không đem lại hiệu quả cao. 

Chị Quỳnh Trang (Hà Nội), một người bán áo chống nắng điều hòa cho biết, loại áo này bán rất chạy. Vào những đợt nắng nóng cao điểm, nhu cầu của người tiêu dùng khá lớn, nhập hàng về đợt nào là hết luôn, cung không đủ cầu.

“Trên thị trường, người dùng sẽ thấy có rất nhiều loại, hàng Việt Nam sản xuất, hàng nhập khẩu từ Nhật, Trung Quốc. Giá cả mỗi loại khác nhau. Loại Nhật giá cao nhất, có thể lên đến 1,6-1,8 triệu đồng/chiếc. Còn loại của Trung Quốc, giá chỉ 800.000 đồng/chiếc”, chị Trang chia sẻ.

Theo một người bán hàng khác quảng cáo, áo điều hòa hoạt động đơn giản, chỉ có hai viên pin và một chiếc quạt được thiết kế kín đáo hai bên sườn. Áo có khả năng làm mát tới 6-8 tiếng đồng hồ, loại áo này đặc biệt được những người lao động ngoài trời ưa chuộng. Khi ra ngoài là bật công tắc lên, quạt quay, cơ thể mát… nắng nóng không còn đáng ngại nữa.

 Dùng áo điều hòa kém chất lượng có thể gây ra nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

PGS. TS Nguyễn Trường Luyện, Viện Vật lý Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định, qua quan sát có thể thấy “áo điều hòa” là tên gọi được thổi phồng lên, thực tế đây là chiếc áo gắn quạt điện mini bên trong chứ không phải áo làm mát giống như máy điều hòa nhiệt độ mà nhiều người lầm tưởng.

Theo PGS. TS Nguyễn Trường Luyện dù dùng công nghệ cao hay hiện tượng cơ học thì cả hai vẫn phải dùng điện, nếu như mối nối của thiết bị được gắn vào áo mà tốt thì không lo sợ điện giật. Nhưng nếu chất lượng không tốt, cơ thể ra mồ hôi, tạo độ ẩm thì sẽ là điều kiện để dẫn điện, như thế rất nguy hiểm. Dù điện áp từ 36 V trở lên mới gây ra hiện tượng điện giật, nhưng người tiêu dùng vẫn nên cẩn trọng, bởi nếu rò điện, nguồn điện này vẫn gây ra hiện tượng giật điện nhẹ, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

“Thực chất khi bỏ tiền triệu ra mua những sản phẩm này để làm mát người mua sẽ bị đánh trúng “làm mát tâm lý”, yên tâm khi ra đường nhưng thực chất điện chạy bằng pin thì không thể mạnh được. Vì thế, người mua nên lựa chọn và khảo sát kỹ. Bởi, hàng kém chất lượng, không có kiểm định ẩn chứa nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Theo tôi nghĩ, độ bền và sự an toàn của áo là vấn đề mà người tiêu dùng cần phải lưu tâm”, PGS. TS Nguyễn Trường Luyện phân tích.

PGS. TS Phạm Văn Nho, Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, không sản phẩm áo nào có thể làm mát cơ thể, trừ khi người mặc đeo thêm đá làm mát. Việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ rất dễ rủi ro, người dùng cần thận trọng.

TS Nho cũng cho biết, hiện nay có quan điểm rất sai lầm rằng, một chiếc áo chỉ cần ánh nắng không thể xuyên qua được là đã có khả năng chống nắng. Bất cứ vật gì cản được ánh sáng đều có khả năng chống tia UV. Suy nghĩ như vậy nên nhiều chị em cứ mặc thật nhiều áo, nhiều lớp, áo thật là dày… với hy vọng ánh nắng sẽ không chiếu tới da.

Sai lầm này là bởi mắt thường chúng ta không nhìn thấy hết thành phần có trong ánh nắng. Tia hồng ngoại, tia tử ngoại trong ánh nắng có thể xuyên qua nhiều lớp vải khác nhau mà mắt thường không nhìn thấy được. Do đó, không có chuyện áo gì cũng có thể chống được nắng. “Nếu bạn mặc chiếc áo chất liệu cotton thì áo có dày như mo cau cũng không thể chống lại tia UV được”, PGS.TS Phạm Văn Nho ví von.

Vải có chất liệu sợi tổng hợp polyeste là loại vải có thể chống lại tia UV trong ánh nắng tốt nhất. Tuy nhiên, loại sợi này không dùng riêng biệt để làm quần áo được vì rất khó mặc mà nó phải pha với sợi bông hoặc một số loại sợi khác theo tỉ lệ nhất định. Cấu trúc hóa học của loại sợi polyeste giúp ngăn tia tử ngoại là đúng nhưng thực tế nhiều hãng sản xuất quảng cáo vống lên về những tác dụng của loại áo chống nắng mà không hiểu về chất liệu. Nhiều khi tem nhãn có ghi chất liệu polyeste nhưng để kiểm chứng đúng là như thế hay không cũng rất khó. Bởi bằng mắt thường thì không thể biết chiếc áo đó có ngăn tia UV hay không mà phải cần đến các phòng thí nghiệm.

Theo chuyên gia, những đợt nắng nóng cao điểm, chỉ số tia UV rất cao, chị em cần bảo vệ da bằng nhiều cách khác nhau. Khi ra ngoài trời phải đội mũ rộng, quần áo che kín để tránh tác hại của tia cực tím. Chỉ số chống nắng SPF của quần áo, mũ hằng ngày là bao nhiêu? Mũ vải là từ 3 – 6 (từ là 66.7% đến 83.3%). Áo chống nắng bình thường chúng ta vẫn mặc có chỉ số chống nắng khoảng 6 – 7 (từ 83.3% đến 85.7%).

Khi mặc quần áo nên chọn loại vải được dệt chặt, thay vì vải dệt thưa. Vải dày tốt hơn vải mỏng. Chất liệu tổng hợp như polyester hoặc rayon tốt hơn chất liệu cotton. Chất liệu bóng bẩy như satin tốt hơn chất liệu không bóng. Quần áo khô tốt hơn quần áo ướt. Ngoài ra phải kết hợp đeo kính râm, nên chọn loại có mắt kính to bản, hơi khum theo đường vòm cung, gọng dày che phần thái dương để có thể hạn chế tia cực tím đến từ các phía khác nhau.

Theo PGS. TS Phạm Văn Nho, thời điểm tia cực tím trong ánh nắng nhiều nhất là từ 10h trưa đến 3h chiều. Nếu không có việc gì thì hạn chế ra ngoài đường nhất là trong những ngày nắng gắt vào khung giờ này. Chỉ cần như vậy cũng giảm thiểu rất nhiều tác hại của ánh nắng đến da.

 An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/chuyen-gia-canh-bao-ao-dieu-hoa-khong-thuc-su-hieu-qua-nhu-ten-goi-tranh-lam-tuong-d210949.html