Bài thuốc dân gian, Sức khỏe, Thông tin
Nguy kịch do dùng lá du mại chữa táo bón
Nguy kịch do dùng lá du mại chữa táo bón
Cụ thể, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân sử dụng lá du mại phơi khô để đun với nước uống chữa táo bón. Sau đó bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, vàng da, vàng mắt tăng dần, đi tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, da, niêm mạc, củng mạc mắt vàng, thiểu niệu. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu nặng do tan máu, suy gan cấp, tổn thương thận cấp, rối loạn đông máu, rối loạn nước, điện giải.
Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị, chăm sóc tích cực bằng truyền máu và các biện pháp hồi sức chuyên sâu để hỗ trợ các tạng suy. Sau gần một tuần điều trị, hiện tại sức khoẻ bệnh nhân tạm ổn định, vẫn đang được điều trị, chăm sóc và theo dõi tích cực.
Trước đó, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu bé gái 5 tuổi ở Quế Phong bị ngộ độc do uống lá lộc mại chữa táo bón tại nhà. Theo đó, bé gái nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, vàng da toàn thân, tình trạng nguy kịch sau ba ngày uống lá lộc mại chữa táo bón.
Người nhà cho biết, bé bị táo bón tái phát nhiều lần. Ba ngày tình trạng táo bón nặng hơn, người nhà theo kinh nghiệm dân gian hái lá lộc mại nấu lấy nước uống hằng ngày. Sau 3 ngày, bé vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng, được đưa vào bệnh viện huyện Quế Phong cấp cứu, chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Trẻ nhập viện với biểu hiện suy hô hấp, đi tiểu ít, nước tiểu màu đỏ sẫm, đau bụng âm ỉ, tiêu chảy, vàng da toàn thân, sốt nhẹ, chẩn đoán ngộ độc do ăn lá lộc mại. Các bác sĩ cho bé thở máy, truyền máu, bù dịch điện giải, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm. Tuy nhiên, bé mang nhóm máu AB+ là nhóm máu hiếm, nguồn dự trữ trong kho máu không nhiều. Bệnh viện huy động Khoa Huyết học phối hợp Trung tâm Huyết học Truyền máu để đảm bảo đủ máu cấp cứu người bệnh. Sau khi được cấp cứu, bé đã ổn định, qua cơn nguy kịch, tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu chống độc.
Theo TS. BS Hoàng Công Tình – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mặc dù đã có khá nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm của lá du mại khi sử dụng làm thức ăn, nước uống nhưng hằng năm vẫn có những ca ngộ độc lá du mại nhập viện cấp cứu.
Lá du mại thường được người dân sử dụng làm rau ăn, chế biến thức ăn hoặc đun nước uống để chữa một số bệnh trong đó có bệnh táo bón. Độc tố của lá du mại có thể gây vỡ hồng cầu (tan máu) dẫn đến thiếu máu nặng, đặc biệt là ở những người thiếu hụt men G6PD (Glucose-6-phosphat dehydrogenase).
Do đó, BS Hoàng Công Tình khuyến cáo, người dân không nên sử dụng lá du mại để làm thức ăn hoặc đun nước uống vì sự nguy hiểm của nó đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người bị thiếu hụt men G6PD. Khi không may bị ngộ độc độc lá du mại, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị hoặc chuyển tuyến trên kịp thời.
Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour (thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae). Ở Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi. Cây này có nhiều loại như: Lộc mại trái láng, lộc mại lá dài, lộc mại nhỏ.
Lộc mại là cây gỗ nhỏ hay lớn, có thể cao đến 15m. Lá đa dạng, phiến hình bầu dục dài 10-14cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa, mỏng, có lông dày hay thưa có đốm trong, cuống ngắn hay dài đến 10cm. Cụm hoa dài có lông dày, hoa đực, dài 20cm lông thưa, ngắn ở chùm hoa cái. Hoa đực có 15-20 nhị, hoa cái có bầu 2-3 ô, mỗi ô một noãn. Quả nang có lông dày dài khoảng 1cm. Hạt dài 3mm, màu trắng. Lộc mại ra hoa tháng 5-8, kết quả vào tháng 7.
Cây lộc mại thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hoà Bình.
An Nguyên
Nguồn: https://vietq.vn/nguy-kich-do-dung-la-du-mai-chua-tao-bon-d208731.html |