Doanh nghiệp ôtô Việt lao đao vì thiếu linh kiện Trung Quốc

Doanh nghiệp ôtô Việt lao đao vì thiếu linh kiện Trung Quốc

(Thị trường) – Nhiều doanh nghiệp  tô tô tải V iệt Nam đang lo lắng có thể phải tạm ngưng sản xuất trong thời gian tới vì thiếu nguồn linh kiện từ Trung Quốc.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ sau Tết Nguyên đán tới nay, theo phản ánh của VietNamNet, không ít doanh nghiệp ô tô Việt Nam gặp khó khăn do nguồn cung cấp linh kiện từ Trung Quốc bị gián đoạn, nhiều nhà sản xuất linh kiện tại Trung Quốc chưa sản xuất trở lại.

Một doanh nghiệp có nhà máy tại TP.HCM mỗi tháng lắp ráp 100 xe tải các loại, từ nhẹ tới nặng, nguồn cung cấp linh kiện chính đến từ Trung Quốc. Giám đốc công ty này cho biết trên báo VietNamNet: “Hiện chúng tôi chỉ còn 100 bộ linh kiện dành cho sản xuất lắp ráp nhập về từ năm 2019. Hết tháng này là hết hàng. Chúng tôi rất lo lắng, nếu nguồn cung không được khôi phục thì hoạt động của nhà máy sẽ phải tạm ngừng”.

Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp xe tải Việt Nam hiện nay. Một doanh nghiệp chuyên lắp ráp xe tải tại Hưng Yên cho biết vẫn phải nhập khẩu hơn 50% bộ linh kiện từ Trung Quốc, nhưng nay không thể nhập được và cũng không thể tìm được nguồn thay thế phù hợp. Điều đáng lo ngại là không biết đến khi nào thì các nhà sản xuất tại Trung Quốc sẽ hoạt động và cung cấp linh kiện trở lại. Do lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ thị trường này, nên khi dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp bị động, không thể xoay xở kịp.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam gặp khó khăn trong sản xuất vì thiếu linh kiện từ Trung Quốc. Ảnh minh họa

Các doanh nghiệp ô tô tải Việt Nam lo lắng, tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ tạm ngừng sản xuất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ thiệt hại rất nhiều bởi doanh số không có, trong khi vẫn phải gánh chịu các chi phí như: vốn vay, lương người lao động, thuê mặt bằng, bảo quản dây chuyền, duy trì các đại lý,…

Một thống kê được đưa ra trong bài báo trên: Có đến hơn 70% số doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tải tại Việt Nam dựa vào nguồn linh kiện chính từ Trung Quốc. Chi phí hợp lý, nguồn cung dồi dào giúp xe tải sản xuất lắp ráp có giá cạnh tranh hơn hẳn so với linh kiện có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản và được khách hàng chấp nhận. Chính vì vậy, khi nguồn cung tại Trung Quốc gặp vấn đề thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải gánh chịu rủi ro.

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam vẫn yếu kém cả về số lượng, chất lượng… Theo các chuyên gia đánh giá, chính sách bảo hộ không hợp lý khiến ngành này không chịu lớn, người tiêu dùng Việt cũng khó chạm giấc mơ ô tô giá rẻ.

Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ năm 2019 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ô tô toàn cầu” diễn ra cuối tháng 11/2019 tại Hà Nội, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn thừa nhận, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Phụ tùng, linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…

Cụ thể, Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao…

“Để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, trong giai đoạn 2010-2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau với tổng giá trị nhập khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%)”, Thứ trưởng Hải đưa ra con số.

Cho đến nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Đáng chú ý, giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Baodatviet.vn

Trả lời