Bất động sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Trung Quốc ồ ạt mua đất, hạ tầng, công ty Australia
Trung Quốc ồ ạt mua đất, hạ tầng, công ty Australia
Trung Quốc mua đất, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp Australia với tốc độ đáng báo động khi nước này cố gắng gia tăng ảnh hưởng trên thế giới.
Trung Quốc là chủ sở hữu đất nước ngoài lớn thứ hai ở Australia. Các công ty Trung Quốc kiểm soát 2,3% đất của nước này, trong khi các nhà đầu tư Anh xếp thứ nhất với 2,6% và người Mỹ đứng thứ ba với 0,7%, theo Hồ sơ Đăng ký Sở hữu Nước ngoài năm 2018.
Hầu hết đất đai thuộc sở hữu nước ngoài nằm ở bang Tây Australia và vùng Lãnh thổ phía Bắc, được sử dụng để chăn nuôi gia súc. Từ năm 2017 đến 2018, các công ty Trung Quốc mua thêm 50.000 ha đất ở Australia. Tổng cộng họ sở hữu hơn 9,1 triệu ha, gần bằng kích thước 9 triệu sân bóng đá.
Vùng đất của thổ dân ở Tây Australia. Ảnh: National Indigenous Times.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg nói rằng đầu tư nước ngoài rất quan trọng cho tăng trưởng. Nhưng ông cũng cảnh báo: “Điều quan trọng là phải đảm bảo đầu tư nước ngoài không trái với lợi ích quốc gia”.
Tập đoàn Zenith Australia, thuộc doanh nghiệp Trung Quốc Shanghai Cred, sở hữu 7 bất động sản ở bang Tây Australia, là một trong những chủ đất Trung Quốc lớn nhất tại nước này. Đầu năm 2019, họ bị cáo buộc giải tỏa phi pháp đất của thổ dân ở Tây Australia, khiến chính quyền Tây Australia yêu cầu họ đình chỉ giải tỏa. Người dân địa phương nói rằng hệ thực vật quan trọng bị “xé toạc”.
Không chỉ mua đất, Trung Quốc còn kiểm soát một số cơ sở vật chất chiến lược tại Australia. Năm 1993, hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc China Southern Airlines trả cho chính quyền Tây Australia một USD để thuê sân bay Merredin trong 100 năm, sử dụng làm trường đào tạo cho phi công.
Sân bay ở vùng nông thôn cách Perth 260km về phía đông ban đầu chỉ có hai đường băng rải sỏi. Nhưng sau khi Trung Quốc đầu tư, giờ nó là sân bay có thể hoạt động trong mọi thời tiết trị giá hàng triệu USD, cung cấp việc làm cho khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ lo ngại khi để chính phủ nước ngoài kiểm soát không phận ở Australia. Các phi công địa phương nói rằng họ chưa bao giờ bị từ chối khi yêu cầu hạ cánh, nhưng theo lý thuyết, China Southern Airlines có thể ngăn họ sử dụng sân bay bất cứ lúc nào.
“Thật đáng phẫn nộ khi nghĩ đến cảnh một phi công Australia có thể bị người Trung Quốc từ chối cho hạ cánh ở sân bay nước mình”, Dick Smith, cựu chủ tịch Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng, nói.
Tháng 11/2015, chính quyền vùng Lãnh thổ phía Bắc để Landbridge Australia, công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc Shandong Landbridge, thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá thầu 506 triệu USD. Chính quyền vùng này ra quyết định đó vì mong muốn được đầu tư khi thiếu thốn tài chính từ liên bang.
Tổng thống Mỹ thời đó Barack Obama đã đặt câu hỏi về thỏa thuận gây tranh cãi này, khiến cựu thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage nói rằng Australia khiến đồng minh “chưng hửng”. Giám đốc trung tâm nghiên cứu Hiệp hội Quốc phòng Australia (ADA) Neil James gọi việc cho thuê căn cứ là “ý tưởng đặc biệt ngớ ngẩn”.
Nghị sĩ Công đảng Nick Champion kêu gọi hủy bỏ hợp đồng. “Tôi nghĩ rằng họ đã không cân nhắc kỹ lưỡng lợi ích quốc gia khi tư nhân hóa cảng này. Đây là một cảng trọng yếu vì chúng ta có các cơ sở quốc phòng quan trọng ở Lãnh thổ phía Bắc”, ông nói. “Chúng ta cần đảm bảo cảng nằm trong tay chính phủ. Vì lý do đó, nó nên được quốc hữu hóa”.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã rót hơn 150 tỷ USD bằng cách đầu tư hoặc mua lại các công ty Australia, theo phân tích của KPMG.
Cuối năm ngoái, công ty sữa Trung Quốc Mengniu Dairy tiếp quản chuỗi thương hiệu sữa nổi tiếng của Australia Lion Dairy & Drinks trong thỏa thuận trị giá 600 triệu USD. Mengniu, trực thuộc công ty chế biến thực phẩm nhà nước Trung Quốc Cofco, cũng mua lại công ty sữa công thức Bellamy’s Organic với giá 1,5 tỷ USD.
Trang trại gió Cattle Hill ở Cao nguyên Trung tâm Tasmania. Ảnh: Goldwind Australia.
Năm 2017, công ty Goldwind của Trung Quốc mua lại trang trại gió Stockyard Hill, nơi có 149 tuabin cách Ballarat 35km về phía tây, từ Origin Energy với giá 110 triệu USD. Năm sau, họ xây dựng thêm trang trại gió Cattle Hill 48 tua bin ở Cao nguyên Trung tâm Tasmania. Doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc Powerchina mua 80% trang trại gió với mức phí không được tiết lộ vào tháng 4 năm đó.
Năm 2017, Yancoal Australia, thuộc công ty khai thác than Trung Quốc Yanzhou mua lại Coal & Allied từ Rio Tinto với giá 3,5 tỷ USD, trở thành công ty khai thác than nhiệt lớn nhất Australia. Động thái khiến một số nhà phân tích cảnh báo Trung Quốc vung tiền để tiếp cận các nguồn năng lượng của Australia.
“Trung Quốc luôn quan tâm đến việc mua tài sản năng lượng ở nước ngoài”, Tim Murray từ công ty nghiên cứu J Capital nói. “Họ nghĩ ‘tại sao không sử dụng tài nguyên của người khác trước khi sử dụng tài nguyên của chúng ta”.
Cuối năm 2019, sau khi Trung Quốc bị cáo buộc cài điệp viên vào quốc hội Australia, một số chuyên gia nói rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc đã “bịt mắt” các chính trị gia trước những mối đe dọa an ninh. “Các chính phủ đã thất bại trong việc ngăn chặn Trung Quốc can thiệp nội bộ vì họ quá tập trung vào thương mại và đầu tư”, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Lowy Peter Hartcher nói. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc cài điệp viên vào quốc hội Australia.
Chuyên gia nhận định quyết định của chính phủ Turnbull là cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei xây dựng mạng 5G cho Australia cũng như đưa ra luật chống can thiệp nước ngoài đánh dấu sự thay đổi chính sách, chuyển sang thận trọng với Trung Quốc hơn. Hiện giờ, Australia là nước tích cực thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc Covid-19.
Khi Hartcher được hỏi tại sao Australia không hành động sớm hơn, ông đổ lỗi cho sức hấp dẫn từ tiền của Trung Quốc. “Đó là bởi vì chúng ta làm ăn quá nhiều với Trung Quốc”, ông nói.
-
Ghế ‘anh cả’ thế giới bỏ trống giữa Covid-19
-
Trung Quốc nỗ lực viết lại câu chuyện về Covid-19
-
Ba yếu tố làm sứt mẻ hình ảnh Trung Quốc trong Covid-19
-
Đội quân ngoại giao ‘chiến lang’ của Trung Quốc
Phương Vũ (Theo DM)
Theo Vnexpress.net