Bất động sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Trót ôm lô đất hoang được nâng giá lên bạc tỷ, nhà đầu tư nhận trái đắng
Trót ôm lô đất hoang được nâng giá lên bạc tỷ, nhà đầu tư nhận trái đắng
(VTC News) – Sau cơn sốt đất điên cuồng tại nhiều địa phương trên cả nước, đến thời điểm hiện tại, giá đất nền đã giảm và giao dịch diễn ra chậm chạp.
Anh Trần Đắc Huy (Hải Dương) cho biết, trong cơn sốt đầu năm 2021, anh đã mua 1 mảnh đất trồng cây công nghiệp tại xã Đại Cường (Ứng Hoà, Hà Nội) với giá 3,5 tỷ đồng cho diện tích 1.000 m2.
Từ cuối năm 2021 đến nay, anh rao bán lô đất này nhưng vẫn chưa bán được và rất ít người hỏi mua.
“Tôi đầu tư lô đất này được hơn 1 năm rồi, những tưởng rằng đã có lãi nên tôi tìm tới môi giới để nhờ họ rao bán giúp. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021 đến nay, lô đất của tôi vẫn nằm bất động và chưa tìm được chủ mới, thậm chí còn rất ít người quan tâm hỏi mua. Môi giới còn khuyên muốn bán nhanh phải cắt lỗ”, anh Huy kể.
Bà Nguyễn Thị Định, một người dân sống tại xã Đại Cường cũng cho hay, cảnh tượng xe hơi đỗ đầy ngõ như trước đây không còn lặp lại như trước. Hồi đó, khi người người đổ về mua đất, chính người dân như bà cũng bất ngờ.
“Lâu nay thì không thấy ai đến hỏi han về đất cát nữa, tôi nghĩ họ chỉ đổ về theo dư luận”, bà Định cho hay.
Cũng theo anh Huy, thời điểm anh mua là lúc thị trường đang sốt nóng nên mức giá rất cao. Tuy nhiên, đến giờ khi thị trường hạ nhiệt, giá của lô đất này hiện chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/m2.
“Môi giới nói với tôi, vừa bán lô đất cạnh lô đất của tôi giá 2 triệu đồng/m2. Do tôi không nhanh nhạy với thị trường, cứ nghĩ ôm lâu giá sẽ cao, nên đến giờ cắt lỗ 1,5 tỷ đồng thì mới bán được”, anh Huy chia sẻ.
Tương tự anh Huy, anh Lê Nam – nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, anh cũng đang rao bán một lô đất tại Ba Vì (Hà Nội) nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa có người mua.
Anh Nam kể, trong cơn sốt đất vừa qua, anh cũng tham gia thị trường theo bạn bè rủ rê vì nghe nói một lần trúng đất kiếm lời tốt hơn để tiền kinh doanh thứ khác.
Anh Nam cho hay, thời điểm giữa năm 2021 anh theo một nhóm nhà đầu tư xuống Bà Vì để săn đất vì nghe nói thị trường đang có xu hướng tìm mua những mảnh đất hoang, có sẵn thiên nhiên để làm ngôi nhà thứ hai.
Khi trực tiếp tham gia, anh mới thấy dân đầu tư đã “cày nát” thị trường từ trước đó khá lâu, giờ giao dịch phần nhiều là mua sang tay từ người cũ với giá chênh 20 – 30%. Tuy nhiên, dân đầu tư rủ rê anh Nam mua vì cho rằng sẽ sang tay được với giá chênh do thị trường còn nóng.
Anh đã quyết định xuống tiền mua lô đất có diện tích 1.500 m2 với giá 2,8 tỷ đồng vì thấy giá tăng nhiều, cũng ham. Ngay sau đó, do không có kinh nghiệm, anh đã không sang tay bán cho người khác ngay mà giữ vài tháng nên giờ đây lại không kịp ra hàng.
“Bây giờ, tôi giữ một lô đất với giá mua vào chênh vài trăm triệu đồng so với giá trị thật, khi hết sốt không thể bán cho ai, đành cắn răng chờ xem tình hình sắp tới có gì khả quan hơn không. Khi thực sự nhảy vào thị trường, mới nhận ra bản thân chẳng những không có cơ hội săn được sản phẩm ưng ý mà có khi phải “đổ vỏ” cho nhà đầu tư khác vì giao dịch và giá đất ảo“, anh Nam tâm sự.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sốt đất là do khi có đầu tư, phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời những người có đất.
“Những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ”, ông Võ nói.
Ông Võ nói thêm: “Hệ lụy của những cơn sốt đất nhìn rất rõ, đó là làm cho thị trường lộn xộn. Một nhóm những người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy thì hưởng lợi, “mua tranh bán cướp” rồi hưởng một số lãi không nhỏ. Độ rủi ro quá lớn, đầu tư vào đất đai để kiếm lợi mà cứ như tham gia vào một canh bạc “sinh tử”. Từ đó dẫn tới thị trường không ổn định, cuối cùng tình trạng diễn ra là “kẻ khóc, người cười“.