Trong những năm qua, kinh tế Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng cao so với cả nước và nhiều địa phương khác. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Thành phố đã được cải thiện mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đô thị trung tâm được chỉnh trang và mở rộng, hướng đến phát triển một đô thị cảng biển hiện đại với bản sắc riêng.

Thành phố Hải Phòng: Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Hải Phòng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tối ưu hóa việc thu hút, sử dụng nguồn lực. Thành phố đã thúc đẩy liên kết doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp FDI, đóng vai trò “bà đỡ” và “người kết nối tin cậy”.

Năm 2024, tốc độ tăng GRDP của Hải Phòng ước đạt 11,01%, trong đó, khu vực công nghiệp – xây dựng dự kiến đạt 13,96%, cao hơn mục tiêu (13,30 – 13,75%), phản ánh sự phục hồi và phát triển ổn định của ngành công nghiệp – động lực chính của nền kinh tế. Đây cũng là năm thứ mười liên tiếp GRDP Hải Phòng tăng trưởng ở mức hai con số, khẳng định sự phát triển bền vững và vai trò quan trọng của Thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Khu vực công nghiệp tại Hải Phòng hồi phục tích cực với tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt 15%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành chế biến, chế tạo đạt 66%, cao hơn so với mục tiêu 64%, cho thấy sự chuyển dịch tích cực về công nghệ và chất lượng sản phẩm.

Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng với mức xuất siêu 7,5 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,25 tỷ USD (tăng 9,5% so với năm 2023, đạt 100,77% kế hoạch năm); tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25,75 tỷ USD (tăng 4,6% so với năm 2023, đạt 80,5% kế hoạch năm). Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giữ vững đà tăng trưởng tích cực, phản ánh thành công trong công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, cùng với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, các công trình lớn có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, như: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền; Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (thông xe ngày 17/7/2024); Dự án cải tạo, nâng cấp QL.37 đoạn qua địa phận thành phố Hải Phòng (đang triển khai các thủ tục nghiệm thu hoàn thành theo quy định). Thành phố đã tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thái Bình triển khai các dự án liên kết vùng quan trọng, như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP); Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn thành phố Hải Phòng đoạn từ ĐT.353 đến cầu Thái Bình; Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 kết nối huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng và thị xã Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh; Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Hóa và đoạn tuyến qua Hải Phòng của tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn. Đồng thời, Thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện và khởi công các dự án giao thông lớn, trọng điểm, như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách số 2, Dự án mở rộng sân đỗ máy bay – Giai đoạn 2 và Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa Cảng Hàng không Quốc tế Cát Bi.

Thành phố đã hoàn thiện kế hoạch triển khai quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh các quy hoạch theo Quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp. Ngày 04/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg về việc thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, thành phố Hải Phòng. Thành phố cũng xây dựng và tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng theo Kết luận số 96-KL/TW của Bộ Chính trị. Các bến số 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đang đẩy nhanh tiến độ thi công; tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến còn lại của Cảng Lạch Huyện. Tích cực nghiên cứu triển khai đầu tư xây dựng các bến khởi động Cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo tiến độ nghiên cứu đầu tư đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh kết nối hành lang kinh tế Việt – Trung.

Thành phố Hải Phòng: Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Thêm vào đó, trong năm 2024, UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo triển khai xây dựng, khởi công và hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều dự án trọng điểm. 16/20 dự án trọng điểm đã được triển khai thi công xây dựng, trong đó 1 dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức thông xe.

Công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công được triển khai đồng bộ các biện pháp, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị và đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-UBND, ngày 22/5/2024 thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Tính đến hết ngày 26/11/2024, vốn đầu tư công Thành phố giao đã giải ngân 12.525,6 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (17.019,2 tỷ đồng), bằng 57,4% kế hoạch Thành phố giao (21.836,8 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách trung ương đã giải ngân là 211,595 tỷ đồng, đạt 28%; vốn ngân sách Thành phố đã giải ngân là 12.314 tỷ đồng, đạt 58,4% kế hoạch Thành phố giao. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, Thành phố sẽ tiếp tục giải ngân được thêm 8.100 tỷ đồng, nâng tỷ lệ giải ngân chung toàn Thành phố lên 94%.

Thành phố Hải Phòng: Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững

Hải Phòng đã phối hợp cùng các nước, để thực hiện các dự án với mục tiêu tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững, như: hợp tác với tỉnh Kagawa (Nhật Bản) trong việc thực hiện dự án “Giảm thiểu rác thải đại dương với sự tham gia của người dân địa phương trên đảo Cát Bà”, hợp tác với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản) lập Dự án thúc đẩy các khu công nghiệp sinh thái không phát thải các-bon tại Hải Phòng. Thành phố Kitakyushu và Viện Chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) hỗ trợ Hải Phòng trong việc tiến hành nghiên cứu xây dựng kịch bản các-bon thấp cho thành phố Hải Phòng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; dự án “Xử lý nước thải có nồng độ BOD cao tại cảng cá Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng” (2019-2023) với công nghệ xử lý nước thải có nồng độ BOD cao theo phương pháp lên men hoạt tính, xử dụng xúc tác enzyme, vi sinh vật của Công ty TNHH J-Fil. Hợp tác với tỉnh Shiga trong Dự án “Hợp tác và hỗ trợ áp dụng mô hình hồ Biwa để tăng cường quản lý vùng biển quần đảo Cát Bà và vùng xung quanh”, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bàn (JICA) ủy thác cho tỉnh Shiga tài trợ thông qua Công ty KANSO thực hiện. Triển khai các hoạt động hợp với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản), JICA (Nhật Bản) trong khuôn khổ dự án về khuyến khích áp dụng các biện pháp canh tác, sử dụng đất bền vững trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng hóa chất, phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội truyền thống, Thành phố chú trọng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. UBND Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Thành phố về tăng trưởng xanh. Theo đó, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng giai đoạn tiếp theo. Được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh và thống nhất triển khai mô hình 3 bên (gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GIZ, Thành phố Hải Phòng) xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng từ giữa năm 2023. Hiện nay, dự thảo Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030 đang được các bên chỉnh sửa, hoàn thiện, dự kiến trình UBND Thành phố ban hành trong tháng 12/2024.

Với những giải pháp đồng bộ, Hải Phòng đã chứng minh rằng, phát triển kinh tế không chỉ dựa vào tốc độ, mà còn cần đến sự bền vững. Thành phố đang hướng tới một tương lai văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Những thành tựu này sẽ là nền tảng vững chắc để Hải Phòng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những thành phố phát triển hàng đầu châu Á trong thời gian tới./.