VOV.VN – Đơn kiến nghị kêu gọi Tổng giám đốc WHO từ chức đã thu được hơn 718.000 chữ ký vì cho rằng cách xử lý Covid-19 của tổ chức này là “không chấp nhận được”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua đã 2 lần đưa ra lời chỉ trích đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về cách xử lý đại dịch, cho rằng cách xử lý của tổ chức này đã “thiên vị cho Trung Quốc”, dẫn tới những hậu quả sai lầm nghiêm trọng; đồng thời cảnh báo về việc Mỹ sẽ cắt ngân sách với tổ chức này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu. Ảnh: Reuters
Trong bối cảnh đơn kiến nghị Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu từ chức thu được hàng trăm nghìn chữ ký tại nhiều quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/4 đã “tiếp thêm dầu vào lửa” khi đưa ra những chỉ trích khá gay gắt về Tổ chức này.
Trên trang Twitter cá nhân, ông viết: “Vì lý do nào đó, WHO – tổ chức có được tài trợ phần lớn bởi Mỹ nhưng lại đang hướng về Trung Quốc. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này. May mắn là chúng tôi từ chối nghe và làm theo các khuyến cáo của họ về việc giữ biên giới mở với Trung Quốc. Tại sao họ lại đưa ra cho chúng tôi một khuyến cáo sai lầm như vậy”.
Chưa dừng lại ở đó, trong 1 cuộc họp báo cùng ngày, nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục những lời chỉ trích của mình: “WHO đã chỉ trích và không đồng tình với lệnh cấm đi lại tới Trung Quốc trước đây của chúng tôi. Họ đã sai lầm. WHO đã sai lầm ở nhiều thứ. Họ đã có rất nhiều thông tin về dịch từ sớm, nhưng họ lại không công bố. Họ dường như đang dồn trọng tâm vào Trung Quốc. Chúng tôi sẽ phải xem lại vấn đề này. Chúng tôi sẽ giữ lại 1 khoản tiền dành cho WHO. Chúng tôi sẽ giữ nó một cách rất chắc chắn”.
Được biết, trong năm ngoái, Mỹ đã đóng góp tổng cộng 500 triệu USD cho WHO và là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này.
Trước đó, trên Wall Street Journal, Tổng thống Mỹ cũng cho rằng, WHO đã “đi theo” các lập luận của Trung Quốc khi “kéo dài thời gian” để công bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Không chỉ riêng Tổng thống Mỹ Donald Trump, rất nhiều nghị sĩ Mỹ khác cũng đã kêu gọi Tổng giám đốc WHO Tedros từ chức với cáo buộc ông này chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Marthy McSally khẳng định đây là thời điểm ông Tedros rời khỏi vị trí hiện tại và WHO phải ngừng “bảo vệ Trung Quốc”. Còn Thượng nghị sĩ Rick Scott đã yêu cầu Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện khởi động một cuộc điều tra về việc xử lý virus của WHO khi cáo buộc tổ chức này không hành động kịp thời giúp thế giới sẵn sàng chống dịch.
Trên thực tế, các lời khuyên của WHO trong giai đoạn đầu năm 2020 gây nhiều thắc mắc, bao gồm việc dẫn thông tin từ Trung Quốc đánh giá dịch Covid-19 không nghiêm trọng. Ngày 14/1, WHO báo cáo không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới. Ngày 31/1, tổ chức này khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới dù dịch bệnh đang bùng phát.
Cách đây 2 hôm, một đơn kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros từ chức đã thu được hơn 718.000 chữ ký. Đơn kiến nghị này được tạo trên trang Change.org và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Arab. Tờ đơn khẳng định cách xử lý của các quan chức y tế thuộc Liên Hợp Quốc (UN) và WHO đối với sự bùng phát của dịch Covid-19 là “không chấp nhận được”. Và rằng ông Tedro “không phù hợp” với vị trí người đứng đầu WHO. Tờ kiến nghị cho rằng, WHO phải là một tổ chức trung lập về chính trị.
Hiện WHO vẫn chưa có bình luận chính thức nào về các chỉ trích nhằm vào tổ chức này. Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã bác bỏ các cáo buộc hướng vào WHO. Theo người phát ngôn, hiện Tổng thư ký đang rất tin tưởng vào sự lãnh đạo WHO của ông Tedros trong cách xử lý đại dịch Covid-19 cũng như các dịch bệnh khác trước đây như Ebola, đồng thời đánh giá cao việc WHO hỗ trợ các nước chống dịch và đưa ra các cảnh báo toàn cầu.
Trước những chỉ trích nhằm vào WHO hướng trọng tâm vào Trung Quốc, trong khi sức ảnh hưởng ngân sách lại nằm trong tay Mỹ, tờ Washington Post hôm nay (8/4) đã có bài viết đánh giá vai trò dẫn dắt thế giới của 2 quốc gia này sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bài viết không đánh giá cao cả 2 cách thức xử lý đại dịch của Mỹ và Trung Quốc khi cho rằng Trung Quốc thiếu minh bạch về thông tin, còn Mỹ thì phản ứng “yếu ớt” khi để nhiều người dân Mỹ mắc bệnh và tử vong./.
Tổng hợp/THEO VOV.VN