Xa trung tâm
Cùng một nhóm bạn trẻ từ TPHCM lên TP Đà Lạt tìm đất làm quán cà phê, chúng tôi được một “cò” đất tên Phong dẫn tới khu vực đường Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt). Tại đây, người dẫn đường chỉ xuống sườn dốc ngay dưới con đường bê tông rộng khoảng 3m và quảng cáo: “Trước kia người ta chuộng đất có vị trí ở taluy dương vì chi phí xây dựng thấp, nhưng bây giờ thì những mảnh đất ở taluy âm lại được ưu tiên lựa chọn, vì xây dựng xong sẽ không bị khuất tầm nhìn, nhất là vị trí này có “view” rừng thông”. Tuy nhiên, sau khi đến UBND phường 10 xác minh, chúng tôi được biết, khu đất trên nằm trong quy hoạch đất nông nghiệp, không thể xây dựng.
Dịp Tết Nguyên đán 2020, chúng tôi đi xem một mảnh đất tại khu vực hẻm đường Cam Ly, phường 5 (TP Đà Lạt). Tại khu vườn đã giật 2 cấp (bậc thang) ở giữa có đường bê tông nối ra đường dân sinh, nam thanh niên tên H. giới thiệu, khoảnh đất này được chia hơn 50 lô, phù hợp xây nhà định cư lâu dài. “Lô này rộng 90m2, giá 580 triệu đồng, bán nhanh gọn”, H. chốt luôn với khách ngay tại vườn. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi được biết khu vực trên hoàn toàn là đất sản xuất nông nghiệp thuần túy. Giờ đây, đoạn đường bê tông dài 140m, rộng 4m tại vị trí trên đã bị cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế.
Tình trạng phân lô, rao bán đất nông nghiệp tại Đà Lạt phần lớn xuất hiện ở những tuyến đường cách xa trung tâm 3-7km, như: Trần Văn Côi, Cam Ly, Nguyễn Đình Quân, Nguyên Tử Lực, Lâm Văn Thạnh, Hoàng Hoa Thám, Trần Quang Diệu, Lữ Gia…
Nhiều rủi ro
Đất nông nghiệp sau khi được chủ đất cải tạo, làm đường đấu nối sẽ có giá sang nhượng cao hơn nhiều lần. Những người tìm mua theo dạng này không có nhu cầu sản xuất mà chờ “dịp” để xây dựng. Rủi ro với người mua là giá trị đất bị đẩy lên nhiều lần nhưng lại không thể xây dựng (vì không phù hợp quy hoạch). Những thông tin rao bán đất nông nghiệp nhan nhản trên Internet. “Trên một mảnh đất nông nghiệp rộng khoảng 500 – 600m2, có tới 5 người đồng sở hữu, đó là một trong những dấu hiệu của phân lô. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chỉ sang nhượng bằng giấy tay nên xử lý bước đầu khó. Nhưng nếu xuất hiện công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, chúng tôi sẽ đến làm việc ngay hoặc tổ chức cưỡng chế”, ông Tôn Thất Thanh Vũ, Chủ tịch UBND phường 10, TP Đà Lạt cho biết.
Theo thống kê của UBND phường 5, TP Đà Lạt, trên địa bàn hiện có 6 khu vực (10 vị trí) người dân tự phân lô, xây dựng lối đi khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, cá biệt có những trường hợp phân ra tới 80 lô trên diện tích hàng ngàn mét vuông. Ông Nguyễn Như Việt, Chủ tịch UBND phường 5 cho biết, những thông tin về quy hoạch, quản lý sử dụng đất, người dân có thể lên UBND phường để tìm hiểu, hoàn toàn miễn phí. Những trường hợp mua đất nông nghiệp phân lô, phần lớn là người mua có thu nhập thấp (sang nhượng giấy tay) kéo theo nhiều rủi ro. Phường đã tổ chức cắm 15 biển cảnh báo tại những khu vực có thể xảy ra tình trạng phân lô, bán nền để người dân nắm thông tin. Trong đó, đã giải tỏa nhiều khu vực phân lô, làm đường trên đất nông nghiệp”, ông Việt nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình, từ giữa năm 2019, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, xử lý tình trạng san ủi, phân lô bán nền trái pháp luật. Kiên quyết xử lý, giải tỏa, ngăn chặn các hoạt động tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng mới phát sinh, các trường hợp phân lô bán nền trái pháp luật. UBND TP Đà Lạt khuyến cáo, người dân trước khi giao dịch đất ngoài việc liên hệ trực tiếp tại cơ quan chức năng thì có thể truy cập ứng dụng trực tuyến “Thông tin quy hoạch Đà Lạt”. Tại đây, người dùng có thể dễ dàng tra cứu quy hoạch sử dụng đất từng khu vực trên địa bàn, từng thửa đất, số tờ bản đồ; quy hoạch phân khu chi tiết; quy định kiến trúc xây dựng; thông tin giá đất trên địa bàn… |
Theo sggp.org.vn