Người săn gián cuối cùng ở Sài Gòn

Người săn gián cuối cùng ở Sài Gòn

Ông Hồ Hoàng Khanh, 61 tuổi được xem là người cuối cùng ở Sài Gòn làm nghề bắt gián, làm mồi câu cá, phục vụ giới cần thủ miền Tây Nam Bộ.

Nửa đêm, khi cả thành phố đã bắt đầu đi ngủ, người đàn ông 61 tuổi mới bắt đầu “ngày làm việc” quen thuộc của mình. Móc thùng đồ nghề vào chiếc ghi đông xe đạp, ông rời nhà ở đường Hồng Bàng, quận 11 và lóc cóc đạp đến những con hẻm vắng, khu chợ đã hết bóng người.

Dừng lại trước một miệng cống, dưới ánh đèn đường mờ đục, ông bắt đầu dùng tay quét một lớp mạch nha đặc quánh vào đầu cây mồi làm từ thanh tre quấn một lớp khăn lông cũ, rồi đặt xuống miệng cống. Cứ theo đúng trình tự như vậy, ông đặt thêm 5 thanh tre vào 5 miệng cống quanh đó rồi ngồi lặng im chờ “thu hoạch”.

Chừng 10-15 phút sau, người đàn ông nhẹ nhàng nhấc những thanh tre lên. Hơn chục con gián bám kín vào cây mồi ăn mạch nha. Ông gõ nhẹ vào chiếc xô nhựa, đã bôi sẵn một lớp dầu ăn phía trên để gián không bò lên rồi lấy rổ nhựa đậy kín.

Cứ thế, ông đi hết đường này sang hẻm khác đến mờ sáng. Tiếng xe đạp cùng tiếng cây mồi gõ lanh canh vào cái xô đựng gián thỉnh thoảng khiến lũ chó sủa vang một con hẻm.

Đã 21 năm nay, ông Hồ Hoàng Khanh mưu sinh bằng cái nghề lạ đời này.

Những con gián đỏ (gián cống) bám vào cây mồi. Ảnh: Diệp Phan.

Mỗi đêm như vậy, ông Khanh săn được 500-1.000 con gián đỏ (gián cống), bán cho những người câu cá làm mồi câu. Khoảng thời gian trước Tết, các tỉnh miền Tây vào mùa câu cá bông lau, cá ngát… nên nhu cầu mồi câu bằng gián rất lớn. Lúc này, vợ ông cũng ham, có đêm bắt được đến 2.000 con. Giá bán trung bình khoảng 500 đồng mỗi con, vợ chồng ông có thu nhập gần 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hết mùa câu hoặc đến mùa mưa, cống ngập nước, ông Khanh lại thất nghiệp.

“Tôi thường đi săn gián bằng mạch nha. Loại mồi này vừa có mùi thơm thu hút gián, lại làm chân gián bám chặt vào cây mồi. Vừa làm vừa canh thời gian để gom gián nếu để lâu chuột cống sẽ đến tha đi mất”, ông Khanh nói.

Không chỉ săn gián đỏ vào ban đêm. Ban ngày, ông Khanh đến những bãi đất hoang đào đất bắt gián đen (gián đất) dù giá bán rẻ hơn. Loại gián này là mồi ưa thích của cá rô, cá trê, cá chim… Giá mỗi con khoảng 200 đồng. Những loại cá nước ngọt, dân câu ở Sài Gòn câu thường xuyên nên chỉ trừ những ngày mưa ông Khanh mới nghỉ.

Ông Phạm Bá Thành, 66 tuổi, một người dân sống trong hẻm cạnh nhà ông Khanh cho hay: “Nói thì có vẻ dễ nhưng thực ra nghề này rất cực. Bắt gián cánh phải đi suốt đêm, kiếm được đồng tiền đâu phải dễ”.

Trước khi gắn bó với nghề bắt gián, ông Khanh là thợ làm móc câu. Những cửa hàng chuyên bán dụng cụ câu cá thường bán thêm côn trùng làm mồi câu. Lúc bấy giờ, dân sành câu ở các tỉnh miền Tây rất chuộng gián đỏ, loại mồi cá bông lau, cá ngát sống ở cửa biển ưa thích nhất. Tuy nhiên rất ít nơi cung cấp loại mồi này.

Được một người bạn ở tiệm dụng cụ câu cá mách nước, ông Khanh quyết định chuyển sang nghề bắt gián mưu sinh. “Vợ tôi làm nghề bán vé số, để nuôi được 4 người con cũng rất chật vật. Bắt gián ít cạnh tranh lại không bỏ vốn nhiều, tôi đánh liều biết đâu lại có thu nhập hơn”, ông Khanh nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề.

Khi mới chuyển nghề, ông Khanh chưa biết cách sử dụng mồi nên bắt được ít. Ban đầu ông dùng vỏ sầu riêng như mọi người thường làm. Loại mồi này cũng thu hút gián, nhưng dễ bị chuột tha đi. Thay bằng nước đường thì lại không làm chân gián dính chắc vào cây mồi nên thường để xổng mất. Hơn nữa, mùi hôi của gián khiến ông bà phải nín thở mỗi lần gom mồi bán cho khách. Dù đã tắm rửa sạch sẽ, chà tay chân bằng chanh, nhưng mùi cứ luẩn quẩn trong nhà cả ngày. Thời điểm đó giá mỗi con gián khoảng 100 đồng, làm suốt đêm chỉ kiếm được vài chục nghìn. Nản chí, ông quay lại làm nghề uốn móc câu.

Cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông bán thêm bánh ướt vào ban ngày, đêm lại đi bắt gián. Nhưng không bao lâu, chiếc xe hàng bị công an giữ vì tội lấn chiếm lòng đường. Ông Khanh nghĩ, mình không có duyên buôn bán, không bị thu lần này thì cũng lần khác, nếu lại bị tịch thu nữa thì đứt vốn.

Tính đi tính lại, ông lại quay về nghề bắt gián. Vợ ông, bà Trần Thị Kim Anh, ủng hộ chồng: “Cứ chịu khó đi bắt là được, vốn đâu có mấy đồng, kiếm nhiêu ăn nhiêu”.

Lần này, ông học được cách sử dụng mạch nha để làm mồi, hiệu quả hơn thay cho vỏ sầu riêng và nước đường, nên bắt được nhiều gián hơn. Vào mùa câu, những cần thủ khắp các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre… liên tục gọi điện đến đặt hàng, mỗi đơn cả ngàn con gián. Sau khi bắt đủ số lượng, ông Khanh đóng vào thùng giấy, ship cho khách qua đường xe đò.

Gián đen thường sống ở những bãi đất trống. Đồ nghề bắt gián gồm một thanh gỗ để cào đất và lon đựng. Nếu không có khách mua hàng, ông cho gián ăn rau cải, để sẵn trong nhà lúc nào khách mua thì giao. Ảnh: Diệp Phan.

Ông Lê Tuấn Kiệt, chủ một cửa hàng bán dụng cụ câu, một người chuyên mua gián của ông Khanh để bán lại cho khách lẻ chia sẻ: “Trước có nhiều người làm nghề này, nhưng cả Sài Gòn giờ chỉ có mỗi vợ chồng ông Khanh. Nếu không có ông ấy giới cần thủ chẳng biết kiếm đâu ra mồi để câu”.

Mấy năm nay, môi trường thay đổi, cá ngát, cá bông lau ở miền Tây không còn nhiều nên thu nhập của ông không còn như trước. Thêm vào đó, những đên thức trắng thường khiến ông Khanh bị nhức đầu vào sáng hôm sau. Đi bộ nhiều cũng khiến chân ông nhức mỏi. Tuổi nhiều lên, sức ông không còn khỏe như trước. “Tôi sẽ vẫn làm nghề cho đến khi nào không còn đủ sức nữa”, ông Khanh nói.

Người đàn ông 61 tuổi chia sẻ thêm lý do không có ý định làm nghề khác vì con cái đã trưởng thành, sức ép về tài chính gia đình không còn lớn nên mức thu nhập khoảng hơn 100 nghìn từ việc bắt gián đen mỗi ngày cũng đủ để ông tiêu xài.

“Đôi lúc cũng thấy tủi thân, vì làm cái nghề không sạch sẽ. Chỉ biết cắm mặt xuống miệng cống, bãi đất bới móc. Nhưng tôi nghĩ, miễn lương thiện thì không có nghề gì đáng xấu hổ cả”, ông Khanh khẳng định.

Diệp Phan/Theo vnexpress.net

Trả lời