Bất động sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Người Hong Kong quần quật cả đời không mua nổi nhà
Người Hong Kong quần quật cả đời không mua nổi nhà
Tình trạng thiếu nguồn cung và giá quá cao khiến nhiều người dân Hong Kong có khi dành cả đời tiết kiệm cũng không mua nổi một căn hộ nhỏ.
Nhân viên sân bay Wong Ng biết việc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh muốn đặc khu Hong Kong loại bỏ hết các căn nhà siêu nhỏ, kém chất lượng vào năm 2049. Mục tiêu đầy tham vọng này mang đến một chút an ủi, nhưng cũng đi kèm lo âu cho các cư dân tại đặc khu, những người đã chờ 7 năm để thuê một căn hộ công như Wong.
“Có thể nó khả thi nhưng rất nhiều người trong chúng tôi không thể chờ đến năm 2049. Vẫn còn 28 năm nữa”, Wong, 39 tuổi, nói.
Quê gốc ở tỉnh Giang Tây, Wong chuyển tới Hong Kong năm 1988. Anh sau đó học đại học ở đại lục, lấy vợ và làm việc trong lĩnh vực quảng cáo tại Thâm Quyến trước khi quay trở về đặc khu cách đây 7 năm.
Gia đình 4 thành viên của Wong sống trong một căn hộ chỉ rộng 11 m2 ở khu Tai Wo Hau. Có một chiếc giường tầng cho vợ anh, 34 tuổi, con trai, 13 tuổi, và cô con gái 3 tuổi. Wong ngủ trên một chiếc giường đơn. Họ phải chia thời gian dùng bữa ra vì bàn ăn quá nhỏ. Con trai Wong làm bài tập về nhà trên chính chiếc giường của anh.
“Tôi quay trở lại Hong Kong vì hệ thống giáo dục tại đây tốt hơn cho con cái”, Wong nói. “Tôi không mong đợi sẽ phải ở trong một căn hộ bé như vậy nhưng đây là con đường tôi chọn”.
Wong trả hơn 870 USD tiền thuê nhà mỗi tháng, cộng thêm gần 90 USD tiền điện nước cùng các tiện ích khác.
Đại dịch Covid-19 khiến công việc bị giảm, đồng nghĩa lương của Wong cũng giảm đi, chỉ còn khoảng 1.160 USD/tháng. Nếu tình hình này còn kéo dài, gia đình Wong có lẽ buộc lòng phải tìm một nơi ở khác bé hơn.
“Tôi chỉ hy vọng chính quyền tìm ra cách giảm thời gian chờ thuê đối với nhà ở công”, anh cho hay.
Nhà ở công là chương trình được chính quyền Hong Kong khởi động từ năm 1954, nhằm cung cấp nhà thuê giá rẻ cho các cư dân thu nhập thấp. Đây là một thành tố chủ đạo trong chính sách nhà ở của Hong Kong, với gần một nửa dân số đặc khu đang sống trong các căn hộ thuê theo chính sách này, nhưng người thuê sẽ phải đăng ký và chờ đến lượt do nhu cầu rất lớn.
Có khoảng 153.300 người nộp đơn xin thuê nhà ở công giống như Wong vào cuối tháng ba, với thời gian chờ trung bình là 5,8 năm, gần gấp đôi thời gian giải quyết trong ba năm mà nhà chức trách cam kết.
Ở một danh sách khác, khoảng 100.500 người độc thân trẻ tuổi cũng đang chờ được thuê nhà ở công và họ được xếp ở mức ưu tiên thấp hơn. Cho đến khi có thể thuê được căn hộ của mình, hầu hết đều phải chấp nhận thuê những “nhà quan tài” tại Hong Kong.
Nhà ở đã được đưa lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các quan chức đặc khu kể từ khi giám đốc Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của Quốc vụ Viện Trung Quốc Hạ Bảo Long tháng trước ra chỉ thị loại bỏ nhà ở nhỏ, không đạt tiêu chuẩn tại thành phố.
Với nhu cầu vượt xa nguồn cung, một số người cho rằng mục tiêu mà Bắc Kinh đề ra thực sự khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Các căn hộ chia nhỏ, nơi mà những cư dân nghèo nhất của thành phố sinh sống, chỉ là một phần của vấn đề. Nguồn cung nhà ở tư cũng khan hiếm và giá thì cao ngất ngưởng đến mức ngay cả những người khá giả cũng không đủ tiền mua.
Covid-19 khiến kinh tế Hong Kong năm qua bị ảnh hưởng nặng nề song không tác động đáng kể tới giá bất động sản. Giá nhà ở Hong Kong hồi tháng 5 chạm mức cao nhất trong hai năm trở lại đây, được thúc đẩy bởi lãi suất cho vay cầm cố thấp và nền kinh tế trên đà phục hồi.
Hồi tháng 6, một căn hộ 46 m2 có giá khoảng 1,12 triệu USD tại khu Đảo Hong Kong, 1,07 triệu USD tại khu Kowloon và gần 900.000 USD tại khu Tân Giới, theo dữ liệu từ Phòng Đánh giá và Thẩm định của thành phố.
Mức giá trên nằm ngoài tầm với của đa số người dân thành phố. Một gia đình sẽ phải thắt lưng buộc bụng ròng rã 20,7 năm mới đủ tiền mua nhà, theo Nghiên cứu Khả năng Chi trả Nhà ở Quốc tế thường niên của Demographia năm 2021, trong đó xếp Hong Kong là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Giá bất động sản trên trời buộc hầu hết mọi người phải nộp đơn đăng ký thuê nhà ở công hoặc thử vận may với thị trường nhà ở chính sách nếu họ đủ điều kiện. Nhưng với những người không đủ điều kiện và đang xếp hàng chờ phê duyệt đơn thuê nhà ở công, họ buộc phải trả khoản tiền không nhỏ để trú ngụ trong những không gian sống cực nhỏ.
Giảng viên kinh tế Vera Yuen Wai-han thuộc Trường Kinh doanh Đại học Hong Kong, cho biết nhu cầu nhà ở chưa bao giờ giảm. Một biện pháp hạ nhiệt thị trường, bao gồm nhiều loại thuế khác nhau được áp dụng trong thập kỷ qua, đã có tác dụng làm nản lòng những nhà đầu cơ, nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nhu cầu vẫn tiếp tục gia tăng, gây áp lực lên nguồn cung.
Theo bà, nhu cầu mới đến từ hai nhóm chính là những người từ đại lục di cư tới Hong Kong và các cặp đôi sắp hoặc mới kết hôn.
Những người từ đại lục tới đặc khu theo giấy phép một chiều để đoàn tụ với gia đình tại Hong Kong chiếm một lượng lớn đơn xin thuê nhà ở công. Theo thỏa thuận này, tối đa 150 người từ đại lục có thể đến đặc khu một ngày. Năm 2018, 42.300 người từ đại lục tới Hong Kong theo giấy phép này, giảm xuống 39.060 vào năm 2019 và còn 10.134 người vào năm ngoái, khi đại dịch bùng phát.
Nhân viên xã hội Chow Mei-chi cho hay người đại lục tới đặc khu chủ yếu là các bà vợ có chồng là người Hong Kong. Họ thường phải đợi 6-7 năm để được cấp giấy phép một chiều và không được làm việc tại Hong Kong trong thời gian chờ đợi. Điều này đồng nghĩa người vợ phải dựa hoàn toàn vào chồng về kinh tế và những người đàn ông này thường thuộc nhóm thu nhập thấp, làm các công việc lao động chân tay như xây dựng.
“Họ sẽ tìm những nơi giá thuê rẻ hơn. Đây là lý do hầu hết các gia đình như vậy thường chọn các căn hộ siêu nhỏ”, Chow nói.
Những người Hong Kong có con sinh ra ở đặc khu thường nộp đơn xin thuê nhà ở công trước, trong khi vợ/chồng họ ở đại lục chờ giấy phép một chiều.
Ước tính có khoảng 110.000 căn hộ siêu nhỏ trong các tòa nhà cũ nát trên toàn đặc khu. Chủ nhà tính phí rất cao cho những không gian nhỏ bé này đến nỗi nhiều người phải trả tiền thuê trên mỗi mét vuông cao hơn so với một căn hộ hạng sang.
Chính quyền đặc khu dự báo Hong Kong sẽ tăng thêm 205.200 hộ gia đình từ nay đến năm 2030 và kết hôn là lý do chính khiến các hộ gia đình mới hình thành.
Trong 10 năm qua, số lượng các cặp kết hôn ở Hong Kong giảm nhẹ, từ khoảng 51.600 năm 2010 xuống dưới 50.000 vào năm 2018. Năm ngoái, do Covid-19 nên việc tổ chức đám cưới không thể thực hiện được, khiến số cặp kết hôn giảm chỉ còn 26.800.
Giới chức thừa nhận nguồn cung căn hộ không thể đáp ứng nhu cầu từ các cặp vợ chồng muốn có nhà riêng. Nhiều người không đủ tiền mua căn hộ phải chọn cách sống chung với cha mẹ.
Sau khi kết hôn, Ken Choi và vợ sống cùng mẹ trong một căn hộ công đi thuê. Hai vợ chồng đã sống như vậy suốt 10 năm trước khi ông tiết kiệm đủ tiền mua căn hộ riêng cách đây hai năm.
Choi đã phải trả hơn 475.000 USD cho một căn hộ studio rộng khoảng 22 m2. Hơn 10.900 căn hộ dưới 24 m2 kiểu này được xây dựng tại Hong Kong trong thập kỷ qua, chủ yếu bắt đầu từ năm 2017.
“Vợ tôi muốn có không gian riêng và chúng tôi không thích môi trường tại các khu nhà ở công. Cô ấy thấy an ninh không tốt”, Choi, 53 tuổi, làm về bất động sản, chia sẻ. “Vì thế, dù chỉ là một căn hộ nhỏ, chúng tôi vẫn quyết định mua”.
Choi và vợ, 43 tuổi, hạnh phúc vì căn nhà mới. Họ vui vì nhà tắm có cửa sổ và nhà bếp có cửa ra vào, những chi tiết thường thiếu ở các căn hộ studio. Không có chỗ kê bàn ăn nên họ dùng bữa ngay tại bàn tiếp khách.
“Chúng tôi không cần mang công việc về nhà, chúng tôi không có con và sẽ tìm tới giải trí ở các câu lạc bộ đêm nếu thấy buồn chán khi ở nhà. Nó hoàn toàn ổn với chúng tôi”, Choi nói, thêm rằng một cặp đôi mà có con sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề đi kèm.
Theo lời Choi, có nhiều hàng xóm trẻ tuổi hơn ông và thường nhờ hỗ trợ tài chính của cha mẹ để mua nhà riêng. Với áp lực giá cao và đánh giá tín dụng của ngân hàng, đa phần các cặp đôi chỉ đủ sức mua những căn hộ nhỏ như của Choi.
“Thật buồn cho người dân Hong Kong. Tất cả những gì bạn tiết kiệm được cả đời chỉ đủ mua một chỗ chui ra chui vào bé nhỏ như vậy thôi”, Choi nói.
Phó giáo sư kinh tế Terence Chong Tai-leung thuộc Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách nhất của chính quyền lúc này là giảm giá nhà và tăng quyền sở hữu cho người dân.
Như nhiều người khác, ông lấy dẫn chứng mô hình của Singapore khuyến khích sở hữu nhà thông qua mua nhà ở công được trợ cấp. Singapore có tỷ lệ sở hữu nhà là 87,9% vào năm ngoái.
“Tỷ lệ sở hữu nhà của chúng ta chỉ là 50%, điều này thực sự không tốt”, Tai-leung nhận xét. “Khi bạn nhìn thấy một nửa số người trong xã hội sở hữu bất động sản, nửa còn lại thì không, nó sẽ gây chia rẽ xã hội”.
“Những người không sở hữu bất động sản sẽ cảm thấy bất công, họ phải làm việc cả đời để trả giá thuê cắt cổ cho một môi trường sống không như mong muốn. Những người trẻ tuổi sẽ không còn hy vọng vào tương lai”, ông lưu ý.
Lãnh đạo đặc khu Carrie Lam từng đề cập đến tình thế tiến thoái lưỡng nan của việc ép giá bất động sản giảm bởi điều đó sẽ gây tổn hại cho các chủ sở hữu nhà hiện tại.
Bản thân Chong cũng không nghĩ đây là giải pháp. Ông cho rằng chính quyền cần tách bạch giữa nhà ở tư nhân và thị trường nhà ở công được trợ giá như Singapore.
Với Hong Kong, để đạt được mục tiêu về nhà ở của Bắc Kinh, giới chức đặc khu cần bắt đầu bằng việc đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, như loại bỏ 50.000 căn hộ siêu nhỏ một năm và cắt giảm thời gian chờ giải quyết đơn xin thuê nhà ở công, Choi cho hay. Trong lúc chờ chính quyền tìm đất xây các khu nhà ở mới, những người thuê nhà ở công hiện tại có thể được tạo điều kiện mua lại căn hộ của họ với mức chiết khấu hợp lý.
Thực tế, đây là một trong những ý tưởng trong kế hoạch của cựu lãnh đạo Hong Kong Đổng Kiến Hoa, nhưng đã bị hủy bỏ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Nhiều năm qua, một số chuyên gia, bao gồm cả Chong, đã kêu gọi khôi phục đề xuất của ông Đổng.
“Nhiều giải pháp nhà ở khác đã được đề xuất nhưng chính quyền đặc khu không muốn khuấy động bất kỳ tranh cãi nào có thể khiến họ bị chỉ trích. Chúng ta cần sự lãnh đạo và tầm nhìn chứ không cần tư duy công chức”, Chong nói.
- Hong Kong mất gì khi bị Trump tước đặc quyền?
- Tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ với Carrie Lam
- Kế hoạch để ‘người yêu nước’ lãnh đạo Hong Kong của Bắc Kinh
- Chiến dịch giáo dục nhằm ngăn biểu tình ở Hong Kong
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-hong-kong-quan-quat-ca-doi-khong-mua-noi-nha-4339292.html |