Nghề gác kèo ong trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Nghề gác kèo ong trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Ngày 17-6, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết vừa tổ chức Lễ công bố Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Nghề gác kèo ong” thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Nghề gác kèo ong trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Nghề gác kèo ong của người dân ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời được hình thành từ rất lâu ở đất rừng U Minh. Nghề truyền thống này truyền nhau qua nhiều thế hệ khi người dân đến vùng đất U Minh lập nghiệp.

Hàng năm, khi mùa hoa tràm rừng U Minh Hạ nở rộ, hàng đàn ong mật bay về làm tổ. Nắm bắt được tập tính của loài ong mật thường làm tổ ở những thân cây nghiêng như kèo nhà nên cư dân địa phương tìm hiểu, nghiên cứu rồi nghĩ cách gác kèo ong về làm tổ.

Các cư dân địa phương cũng tập hợp, hình thành các tổ chức gác kèo ong gọi là đoàn “Phong ngạn”. Thông thường, mỗi người trong đoàn được giao một phần rừng để gác kèo và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng.

Nhằm ghi nhận sự sáng tạo và mang tính đặc trưng của người dân vùng đất rừng U Minh Hạ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận “Nghề gác kèo ong” ở huyện U Minh và Trần Văn Thời là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

TẤN THÁI

Theo sggp.org.vn

Trả lời