Gỡ khó cho người mua nhà trả góp điêu đứng vì COVID-19

Gỡ khó cho người mua nhà trả góp điêu đứng vì COVID-19

(PL)- Nhiều công ty bất động sản đưa ra giải pháp kéo dài thời gian thanh toán, giúp khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Công việc khó khăn, thu nhập giảm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người mua nhà trả góp đang đứng ngồi không yên. Theo đó, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã đưa ra các giải pháp để hỗ trợ những trường hợp này.

Chia sẻ khó khăn trong thời COVID-19

Trải lòng về khó khăn hiện tại, anh Tiến Dũng (quận 9, TP.HCM) cho biết đang vay ngân hàng 50% giá trị căn hộ trong 15 năm. Ban đầu số tiền giải ngân còn thấp và lãi suất ưu đãi chưa đến 8%/năm.

Sau khi giải ngân hết số tiền trên thì số nợ cả gốc lẫn lãi phải thanh toán hằng tháng rất áp lực. Hiện tại với mức lãi suất 12%/năm, mỗi tháng anh Dũng phải trả gần 13 triệu đồng.

Trước tình hình dịch COVID-19, công ty vợ chồng anh Dũng đang làm đã giảm thu nhập, cắt nhiều khoản phụ cấp.

Trường hợp anh Dũng không phải là hiếm trong thời điểm dịch bệnh đang phức tạp. Ngoài nỗi lo đối phó COVID-19, họ còn rối như tơ vò khi phải đối mặt với việc đóng tiền nhà theo tiến độ này.

Trước tình cảnh đó, nhiều DN BĐS đã nhanh chóng cùng chia sẻ khó khăn cùng khách hàng với nhiều giải pháp như giãn tiến độ thanh toán, giảm lãi suất…

Đơn cử, ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings, cho hay hiện tại DN đã giãn tiến độ thanh toán cho các khách hàng.

Theo ông Sơn, khách hàng nào áp lực tài chính không thể xoay xở được tiền để thanh toán thì có thể làm đơn, DN sẽ duyệt gia hạn thanh toán.

“Ví dụ, bình thường khách hàng ba tháng sẽ đóng tiền thanh toán một đợt. Đáng lẽ đến tháng 3 này khách hàng phải thanh toán nhưng kẹt tiền, họ làm đơn xin gia hạn. Theo đó, DN sẽ gia hạn cho khách hàng thêm ba tháng nữa” – ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, đối với những khách hàng vẫn tiếp tục đóng theo đúng tiến độ thanh toán thì ông Sơn cho biết DN sẽ chiết khấu một ít tiền, tặng quà cho khách hàng.

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cũng thông tin từ ngày 25-3 đến 31-5-2020, đơn vị dành 100 tỉ đồng hỗ trợ cho khách hàng đã mua sản phẩm của tập đoàn để phần nào chia sẻ và cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19.

Cụ thể, tất cả khách hàng đã mua sản phẩm của Hưng Thịnh, nếu thanh toán theo tiến độ phát sinh trong thời gian này sẽ được tặng khoản tiền mặt tương đương 5%/tổng số tiền thanh toán (áp dụng với bất kỳ khoản thanh toán và không phân biệt số lần thanh toán).

Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh cho hay khách hàng mua dự án khu căn hộ cao cấp Opal Boulevard của tập đoàn thì sẽ được áp dụng nhiều phương thức thanh toán linh hoạt như trả góp không lãi suất đến khi nhận nhà.

Phương thức thanh toán của dự án này bao gồm gói tài trợ lãi suất từ chủ đầu tư trong chương trình liên kết với Ngân hàng MSB, TPBank. Từ đó giúp khách hàng có thêm cơ hội an cư mà không phải lo lắng về lãi suất và nợ gốc cho đến khi nhận thông báo bàn giao nhà.


Nhiều người mua nhà trả góp đang gặp khó khăn về tài chính do dịch COVID-19. Ảnh: QUANG HUY

Nên thương thảo với chủ đầu tư

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP – một đơn vị phát triển và phân phối BĐS), để được hỗ trợ và giải quyết tình trạng này, người mua nhà cần chủ động thương thảo với chủ đầu tư giãn lịch thanh toán 3-4 tháng, chấp nhận trả lãi phát sinh.

“Việc này cũng gây ra khó khăn cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu số lượng khách hàng có khó khăn tài chính ở con số dưới 10% thì có thể chủ đầu tư hỗ trợ được. Lý do là các ngân hàng chỉ giải ngân khi có yêu cầu thanh toán từ chủ đầu tư” – ông Việt lý giải.

NHNN Việt Nam cũng vừa ban hành Chỉ thị 02 ngày 31-3-2020 về các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, NHNN Việt Nam đã triển khai các giải pháp kịp thời chính sách như điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỉ giá. Đồng thời, cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Ngoài ra, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, miễn, giảm phí thanh toán. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng đối với người đi vay ngân hàng để mua nhà thì phía ngân hàng cũng phải hỗ trợ họ.

Cụ thể, theo ông Hiếu, ngân hàng phải có biện pháp hỗ trợ những người vay tiền mua nhà trả góp gặp khó khăn vì dịch COVID-19.

Họ có thể đang bị mất việc, giảm thu nhập…

Ông Hiếu cho rằng ngân hàng nên giãn thời gian trả nợ 3-6 tháng cả gốc và lãi. Có thể tái cấu trúc nợ, như trước đây khách hàng vay 10 năm thì giờ có thể thay đổi cho họ vay 20-30 năm. Từ đó số tiền mà khách hàng phải trả để mua nhà hằng tháng sẽ nhẹ đi.

“Ngoài ra, ngân hàng có thể giảm lãi suất cho người đi vay và nếu khách hàng không thể trả nợ ngay thì ngân hàng không nên đưa họ vào nhóm nợ 2 (nhóm nợ dưới chuẩn) hoặc vào nhóm nợ xấu 3, 4, 5. Ngân hàng nên hoãn chuyển nhóm nợ cho khách hàng” – ông Hiếu góp ý.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, chủ đầu tư cũng nên làm việc với ngân hàng mà khách hàng vay để mua nhà. Qua đó cùng tìm cách hỗ trợ khách hàng.

Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực ngày 13-3-2020. Thông tư này quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19…

Luật sư Cường cho rằng chắc chắn các tổ chức tín dụng trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chi tiết để khách hàng được hưởng chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, để được xem xét, người vay mua nhà trả góp cần ngay lập tức chuẩn bị các giấy tờ để chứng minh mình bị ảnh hưởng do COVID-19. Từ đó không có khả năng thanh toán tiền gốc và lãi đúng hạn (chẳng hạn như giấy tờ bị tạm ngưng việc/chấm dứt hợp đồng lao động; doanh thu bán hàng sụt giảm…) để tổ chức tín dụng xem xét, giải quyết.

“Chủ trương chung của NHNN đã rõ, tuy nhiên mức hỗ trợ như thế nào còn tùy thuộc tình hình tài chính, chính sách của các tổ chức tín dụng” – ông Cường nói. 

HUY VŨ – QUANG HUY
THEO PLO.VN

Trả lời