Xu hướng chuyển đổi tất yếu sang mô hình Khu công nghiệp xanh
Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 26)… việc chuyển đổi các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) thông thường sang KCN xanh, KCN sinh thái là hướng phát triển tất yếu.
Các KCN tại Việt Nam đang đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện để giữ chân khách hàng, các nhà đầu tư và thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn. Cùng với đó, để đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, xu hướng thu hút FDI trên thế giới đang thay đổi theo hướng xanh, bền vững, công nghệ cao, công nghệ mới… Sự dịch chuyển này đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI chất lượng. Theo đó, các KCN cũng cần thay đổi.
Theo các chuyên gia, các KCN phát triển theo hướng bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế – xã hội đất nước, năm 1991, mô hình khu chế xuất (KCX), KCN xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó đến nay, cả nước có 435 KCN được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 90,2 nghìn ha, thu hút lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Các KCN tại Việt Nam đang đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện để giữ chân khách hàng, các nhà đầu tư và thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, quy mô lớn |
Hệ thống các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm, thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, và có những đóng góp rất quan trọng đối với thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, việc phát triển các KCN trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục để phát triển bền vững và giữ được lợi thế cạnh tranh. Hạn chế rõ nhất là đến nay vẫn còn rất ít KCN sinh thái. Đồng thời việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Việc cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế.
Các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao. Việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT của Việt Nam còn hạn chế.
Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Hệ thống KCN cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn công nghệ cao, công nghệ lõi.
Giải pháp xanh toàn diện cho việc chuyển đổi mô hình KCN
Nghị quyết XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn của đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH – HĐH) đất nước. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp với tư duy mới, đột phá táo bạo hơn nữa và có bước đi phù hợp.
Tinh thần khẩn trương và quyết liệt đẩy mạnh quá trình xanh hoá và phát triển bền vững KCN đã được Đảng và Chính phủ cụ thể hoá thành những văn bản quan trọng: Nghị quyết số 23-NQ/TW về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về phát triển KCN, KKT; Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN, KKT… Đây có thể nói là quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam – một nước đang trong quá trình phát triển, chuyển đổi và mới chỉ có hơn 3 thập kỷ CNH – HĐH đất nước. Gần đây nhất, ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Quyết định số 2517 về việc thành lập Ban chỉ đạo dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.
Thực tế cho thấy mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực khi được nhân rộng trên cả nước. Và việc xây dựng KCN mới cũng như chuyển đổi KCN truyền thống theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có tài chính, công nghệ, hợp tác và liên kết. Việc phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế. Lợi ích này là to lớn và lâu dài, nhưng trong ngắn hạn, nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi.
VIPFA phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn“Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” vào ngày 2 ngày 8-9/12/2024 tại tỉnh Vĩnh Phúc |
Trong bối cảnh này, để tạo diễn đàn mở trao đổi và chia sẻ về các giải pháp chuyển đổi xanh, các kinh nghiệm và mô hình chuyển đổi KCN xanh thành công nhằm hỗ trợ các KCN chuyển đổi, đón đầu các cơ hội mới từ thu hút dòng vốn xanh và làn sóng FDI chất lượng cao, Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn“Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” vào ngày 2 ngày 8-9/12/2024 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Diễn đàn là cơ hội để các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp cận các mô hình phát triển KCN xanh, KCN sinh thái, KCN thông minh, các giải pháp về pháp thải carbon đến từ các nước và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Diễn đàn cũng là cơ hội kết nối hệ sinh thái công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào các KCN Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các quan Trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, lãnh tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, các chuyên gia, diễn giả, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các vơ quan thông tấn báo chí; đại diện các đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, văn phòng đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức Việt Nam và quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước và quốc tế thông qua việc quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc và của các địa phương trong vùng…
Vĩnh Phúc đi đầu chuyển đổi để đón dòng vốn xanh
Sau 27 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn, Vĩnh Phúc đã tích cực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội; một trong những bài học kinh nghiệm về thành công của tỉnh Vĩnh Phúc được nhiều nhiệm kỳ tổng kết, đánh giá từ chủ trương đúng đắn của Tỉnh qua các thời kỳ đó là luôn kiên định chủ trương lấy công nghiệp làm mũi nhọn đột phá, là động lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và cho sự phát triển chung của Tỉnh; trong đó việc phát triển các KCN là một trong những giải pháp quan trọng để hiện thực hóa chủ trương trên.
Từ chỗ sản xuất công nghiệp còn thô sơ, không có KCN, với nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích là 3.146 ha. Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp trở thành “điểm sáng” của cả nước. Đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 Quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư, giải quyết việc làm cho trên 140 nghìn lao động và góp phần rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng và Quyết định số 158 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh xây dựng vành đai công nghiệp Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Phú Thọ, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của cả vùng; trung tâm công nghiệp vùng Thủ đô Hà Nội…
Như vậy, trong thời kỳ tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp của cả nước, của vùng Đồng bằng sông Hồng. Để hiện thực hóa định hướng này, Vĩnh Phúc phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế – xã hội thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết của HĐND tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm của UBND Tỉnh.
Vĩnh Phúc định hướng ưu tiên thu hút các dự án dầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, dự án xanh và thân thiện với môi trường |
Theo số liệu thống kê của địa phương, tính đến hết quý III/2024, dòng vốn FDI đổ vào Vĩnh Phúc đã đạt 507,94 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 hơn 100 triệu USD (mục tiêu năm 2024 là 400 triệu USD). Bên cạnh vốn nước ngoài, vốn đầu tư trong nước (DDI) đưa vào Vĩnh Phúc tăng khá, trong đó có 13 dự án mới cấp phép với tổng vốn đầu tư 3.173,4 tỷ đồng và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng là 4.640,2 tỷ đồng. Trong đó có những dự án đầu tư lớn, đến từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường.
Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 (Phụ lục III) thì: đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha; đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích là 5.489,68 ha và các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha. Trong đó ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội – Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.
Tính đến quý III/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN đã được thành lập với tổng diện tích là 3.142,96 ha, trong đó: 9 KCN đã đi vào hoạt động, 3 KCN đang triển khai xây dựng. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng vốn của các dự án FDI vào các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đạt gần 6.27 tỷ USD; tổng vốn đầu tư các dự án DDI đạt gần 32.500 tỷ đồng. Các KCN trong Tỉnh thu hút được 29 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án. Đến nay, các KCN có 468 dự án còn hiệu lực đầu tư, gồm: 107 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 32.454 tỷ đồng và 361 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 6.27 tỷ USD.
Định hướng thu hút đầu tư nhất quán và xuyên suốt của Vĩnh Phúc là các dự án phát triển công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy… “Vĩnh Phúc luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu từ đến tìm hiểu, triển khai các dự án đầu tư tại Tỉnh. Để thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính, trao thẩm quyền cho Ban quản lý KCN giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại chỗ. Định hướng chung của Vĩnh Phúc là hỗ trợ các dự án đầu tư vào các KCN và sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ tiện nghi tiện ích như dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…”, đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh./.
Với quy mô khoảng 300 đại biểu, Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” có sự tham gia của đại diện các quan Trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia, diễn giả, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, Diễn đàn dự kiến cũng thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế, trong đó có đại sứ một số nước tại Việt Nam và các tham tán thương mại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc; Australia và đại diện các tổ chức, hiệp hội quốc tế như: WB, ADB, AFD, JICA, JETRO, JBIC, KOIKA, KOTRA, AMCHAM, EUROCHAM, KORCHAM, JBAV, các hiệp hội quốc tế khác… Cùng với sự góp mặt của đông đảo các doanh nghiệp và nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore; Hồng Kông, Trung Quốc và đại diện các tổ chức, hiệp hội quốc tế, Diễn đàn còn có sự tham dự của các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN, cụm công nghiệp, nhà xưởng cho thuê; các doanh nghiệp kinh doanh về xây dựng hạ tầng nhà xưởng, logistics, cung cấp giải pháp phát triển hạ tầng KCN; các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ chuyển đổi năng lượng, xử lý nước thải, rác thải, dịch vụ khu công nghiệp thông minh, các định chế và các tổ chức tài chính… Bên cạnh sự kiện Hội thảo chính và các phiên tọa đàm, thảo luận, trong khuôn khổ Diễn đàn còn có các hoạt động kết nối bao gồm Triển lãm xúc tiến đầu tư giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ và dự án, tiềm năng thế mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc; Tham quan thực tế KCN; Giải golf giao lưu kết nối giữa các đại biểu và nhà đầu tư… |