Đua nhau bán tháo nhà, đất

Đua nhau bán tháo nhà, đất

(PL)- Khó khăn về nguồn vốn, áp lực trả nợ vay, cho thuê mặt bằng ế ẩm… là những nguyên nhân khiến nhiều người phải bán gấp nhà, đất.

Kinh tế khó khăn do dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu mua bất động sản (BĐS) để ở và đầu tư tiếp tục giảm. Trong khi người mua nhà trì hoãn đợi giảm giá thêm thì nhiều nhà đầu tư gặp khó về dòng tiền buộc phải bán tháo nhà đất, chấp nhận lỗ để xoay vòng vốn.

Đuối sức buộc phải bán ra

Căn hộ, nhà phố mặt tiền là phân khúc được các chủ nhà rao bán nhiều nhất trong những tháng gần đây. Ông Minh Quân (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết đang rao bán căn hộ mà ông đầu tư để cho thuê ở quận 7. Dù BĐS có vị trí khá đẹp nhưng mấy tháng nay không có khách thuê.

Khi đầu tư căn hộ này, ông Quân phải đi vay ngân hàng, mỗi tháng trả góp gần 20 triệu đồng. “Giá căn hộ hiện đã đạt đến mức cao nên tôi quyết định bán ra để thu hồi vốn, chốt lợi nhuận. Nếu kéo dài không cho thuê được thì lợi nhuận từ tăng giá căn hộ cũng không đủ bù” – ông nói.

Tương tự, căn nhà phố mặt tiền mang lại khoản tiền thuê mỗi tháng hơn 40 triệu đồng cho ông Tuấn Anh nay trống khách suốt nhiều tháng. Kinh doanh khó khăn buộc ông Tuấn Anh quyết định bán ra, chịu giá thấp hơn mặt bằng 100 triệu đồng để có tiền đầu tư lĩnh vực khác.

Theo báo cáo thị trường BĐS tháng 7 của kênh thông tin batdongsan.com.vn, xu hướng bán nhà, đất đang tăng lên trong khi số lượng người quan tâm lại giảm xuống. Làn sóng COVID-19 thứ hai ngay lập tức có tác động lớn tới thị trường. Lượng tin đăng và mức độ quan tâm ghi nhận biến động giảm trong các ngày cuối tháng 7. Lượng tin đăng trung bình tăng 3% so với tháng 6 và tăng nhiều nhất ở mảng cho thuê căn hộ chung cư (6%). Điều này cũng phản ánh thực tế khi nhu cầu thuê giảm do thiếu hụt lượng khách nước ngoài đến làm việc, du lịch lưu trú tại Việt Nam.

Tại TP.HCM, giá rao bán nhà mặt phố bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm ở biên độ nhỏ. Đa số chủ nhà rao bán đều đang cần tiền gấp hoặc do vay ngân hàng để đầu tư nhưng không kham nổi. Chủ nhà muốn bán nhanh chỉ còn cách chấp nhận lợi nhuận kém hoặc không có lời.


Một nhà phố cao cấp tại quận Gò Vấp, TP.HCM treo biển bán nhà. Ảnh: QUANG HUY

Nhiều cơ hội cho người mua

Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho biết làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư BĐS, đặc biệt là những nhà đầu cơ, buộc họ phải bán sản phẩm ra.

Đối với nhóm nhà đầu tư có BĐS giá trị lớn như nhà phố trên 20 tỉ đồng, đất nền trên 10 tỉ đồng có thể sẽ bán ra khoảng 20% số lượng BĐS họ đang nắm giữ. Thứ hai là nhóm đầu cơ có tiềm lực tài chính hạn chế phải vay ngân hàng trên 70% giá trị BĐS thì sẽ bán ra 40% số lượng nhà, đất họ đang nắm.

Tuy nhiên, ông Quang đánh giá với tình hình hiện nay vẫn chưa xuất hiện giảm giá mạnh mà chỉ là giảm “hữu nghị”, dân trong nghề gọi là giảm giá kỹ thuật. Ví dụ, chủ nhà rao bán giá không giảm nhưng nếu gặp khách thiện chí muốn mua thì có thể chủ động giảm 1%-2%. Giá nhà, đất không giảm nhưng nhà đầu tư có thể chi trả phí môi giới cao hơn. Bình thường là 2% nhưng giờ có thể cho môi giới tới 4% để bán được nhanh hơn.

“Đối với bán căn hộ, hiện nay có xu hướng nhà đầu tư tự bỏ thêm khoảng 200 triệu đồng để hoàn thiện nội thất nhưng vẫn bán theo giá bình thường. Chủ nhà chấp nhận lỗ khoản đầu tư nội thất để dễ thu hút khách hơn” – ông Quang nói.

Ông Quang dự báo từ nay đến cuối năm giá BĐS khó dao động, có thể tăng 5% nếu tình hình dịch được khống chế. Kịch bản tiêu cực hơn thì giá sẽ giảm khoảng 5% nhưng là giảm giá kỹ thuật. Nguyên nhân là nguồn cung ít trong khi nhu cầu thật vẫn có. Ngoài ra, một số người tranh thủ cơ hội này để đổi được BĐS có vị trí tốt hơn.

Đồng tình, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cũng nhận định giá BĐS sẽ khó giảm và xu hướng bán ra sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm. Về phía cầu, TS Khương cho hay đang có nhiều nhà đầu tư tìm kiếm BĐS để mua vào. Những người này chủ yếu là có sẵn tiền, họ săn lùng những BĐS ưng ý mà trước đó chưa mua được hoặc do chủ nhà không bán.

“Vì thế, dù giá nhà không giảm nhưng đây là cơ hội cho người mua có sẵn tiền trong túi được chọn lựa, mua được BĐS ngon lành, vị trí đẹp” – TS Khương chia sẻ.

Giá căn hộ, nhà phố vẫn tăng

Theo báo cáo thị trường BĐS quý II của Bộ Xây dựng, dù thị trường rơi vào trầm lắng nhưng giá bán nhà, đất vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1%, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,2%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,6% và căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,5%. Đối với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,8%.

Tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5%, trong đó phân khúc căn hộ cao cấp tăng 2,8%, trung cấp tăng khoảng 3,7% và căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,8%. Với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 8,4%. 

QUANG HUY/THEO PLO.VN