Đối đầu công nghệ Mỹ – Trung Quốc: Ai đang thắng?

Đối đầu công nghệ Mỹ – Trung Quốc: Ai đang thắng?

(PL)- Trung Quốc dẫn đầu về 5G nhưng Mỹ có lợi thế hơn ở các thị trường quan trọng khác.

Mỹ từ lâu đã dẫn trước các đối thủ trong một thế giới mà sức mạnh địa chính trị gắn liền với sự tiến bộ về công nghệ. Tuy nhiên, hiệu quả từ các khoản đầu tư công khổng lồ vào khoa học công nghệ của chính phủ Trung Quốc (TQ) đang thách thức Mỹ.

Cuộc chiến công nghệ dễ thấy nhất diễn ra trong lĩnh vực 5G, mạng di động hứa hẹn tạo nền tảng cho các công nghệ tương lai. Trong đó, Mỹ thi hành các biện pháp nhằm vào Huawei, tập đoàn hàng đầu về công nghệ di động mà Washington coi là mối đe dọa về an ninh mạng. Đấu trường cũng đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ nền tảng khác như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử, xe tự hành, sản xuất vi mạch (chip) máy tính.

Tình hình cạnh tranh 5G

Vào tháng 2, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã nhấn mạnh rằng nước Mỹ nên biết vị trí của họ trong đấu trường 5G khi không có bất kỳ “gã khổng lồ” công nghệ nào của Mỹ đủ sức đối đầu với Huawei – nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới.

Mỹ vẫn còn các “tay chơi” 5G như Cisco Systems Inc. (nhà sản xuất bộ định tuyến cho thiết bị di động lớn nhất), Qualcomm Inc. và InterDigital Inc. (hai công ty sở hữu trí tuệ hàng đầu về các bằng sáng chế công nghệ di động). Tuy nhiên, những thị trường ngách này tương đối nhỏ, trong khi hơn 60% chi phí vốn của nhà mạng không dây 5G thường đầu tư cho hạ tầng viễn thông (chẳng hạn như cột thu phát sóng radio – thị trường Huawei đang dẫn đầu). Dimitris Mavrakis, Giám đốc nghiên cứu 5G của Công ty Tư vấn thị trường ABI Research, cho biết: “Tất cả tiền của đều đặt vào cột thu phát sóng”.

Công nghệ hiện đại cùng tốc độ sản xuất của Huawei đã giúp TQ nhanh chóng phổ biến 5G ra toàn quốc, tạo nền tảng phát triển các công nghệ phụ thuộc 5G, như xe hơi tự hành. Trong khi đó, các hạn chế trong truyền phát sóng vô tuyến đang làm chậm việc xây dựng mạng 5G của Mỹ.


Đối đầu công nghệ Mỹ-Trung là những “cuộc chiến” thầm lặng. Ảnh: USSC

Mỹ duy trì ưu thế về AI

Ngoài 5G, TQ cũng có ưu thế về AI. Ba năm trước, Bắc Kinh tuyên bố ý định trở thành nhà lãnh đạo thế giới về AI vào năm 2030 với tầm nhìn hướng đến một ngành công nghiệp trị giá khoảng 150 tỉ USD. Với hàng tỉ USD đầu tư vào nghiên cứu AI và thành lập các phòng lab ở cả TQ và thung lũng Silicon (Mỹ), những gã khổng lồ thương mại điện tử của TQ như Alibaba Group Holding Ltd. và Baidu Inc đã đi tắt đón đầu trong lĩnh vực thuật toán thương mại điện tử và nhận diện khuôn mặt.

TQ với dân số khổng lồ, hạ tầng đầy đủ các thiết bị giám sát và thái độ ít đề cao sự riêng tư đã thu thập được khối lượng dữ liệu khổng lồ, giúp xây dựng một nền tảng AI thông minh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, TQ lại không nổi bật trong các lĩnh vực AI còn lại. Khi nói đến nghiên cứu về trí thông minh nhân tạo (hay AI với khả năng tư duy rộng hơn – biết suy nghĩ), các công ty lớn của Mỹ như Microsoft và Google Inc. rõ ràng vẫn đang dẫn đầu – theo Paul Triolo, một nhà phân tích thuộc Công ty Tư vấn Eurasia Group.

Nhờ sự kết hợp giữa các trường đại học hàng đầu, các tập đoàn công nghệ giàu có cùng văn hóa cởi mở với các ý tưởng và con người từ khắp nơi trên thế giới, nước Mỹ sẽ duy trì được lợi thế bền vững về AI ít nhất trong trung hạn.    

Điện toán lượng tử: Washington dẫn đầu

Sẽ mất hơn một thập niên để máy tính lượng tử có thể đủ sức đánh bại các phương pháp mã hóa hiện tại và thực hiện những chuỗi mô phỏng phức tạp để khám phá các loại thuốc mới – lĩnh vực cả tư nhân và chính phủ đều đặc biệt quan tâm. Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong việc xây dựng các máy tính lượng tử.

Google năm ngoái đã công bố cỗ máy 54 có qubit (đơn vị cơ bản để lưu trữ và xử lý dữ liệu trong máy tính lượng tử), vượt trội trong việc đo lường xác suất theo con số đầu ra ngẫu nhiên, đạt được “ưu thế lượng tử”. Đây là một cách tính toán vốn không thể thực hiện được trên máy tính cổ điển.

Giới khoa học TQ tuy đã chế tạo máy tính lượng tử nhưng các nhà phân tích nói rằng họ chậm hơn Mỹ vài năm. Mặc dù vậy, TQ lại có lợi thế trong các ứng dụng mở rộng của công nghệ này. Được sự dẫn dắt của Phan Kiến Vĩ, người được mệnh danh là “cha đẻ của lượng tử”TQ, nước này đẩy mạnh phát triển: Truyền thông lượng tử, cảm biến và radar.

Năm 2016, TQ đã phóng một vệ tinh, được gọi là Micius, sử dụng chùm photon ở trạng thái lượng tử để việc liên lạc không thể bị nghe trộm. TQ cũng đang xây dựng một phòng thí nghiệm khoa học lượng tử khổng lồ ở phía đông TQ, một dự án trị giá 10 tỉ USD. 

Công nghiệp bán dẫn: TQ chưa thể qua Mỹ

TQ đã chi hàng chục tỉ đôla trong nhiều thập niên nỗ lực tìm kiếm lợi thế trong ngành công nghiệp bán dẫn nhưng vẫn chưa thể vượt được Mỹ. Ngoài ra, láng giềng TQ đã tạo ra một vị trí vượt trội trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Điển hình là Samsung Electronics Co. (Hàn Quốc) – nhà cung cấp điện thoại thông minh và chip lớn nhất; và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (Đài Loan) – nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Đây là những mô hình mà TQ dường như không thể sao chép. Nhà sản xuất chip hàng đầu TQ – Semiconductor Manufacturing International Corp. không thể sản xuất các chip tiên tiến nhất với các linh kiện bán dẫn (transistors) nhỏ nhất.

Trong ngắn hạn, chiến lược bán dẫn của TQ là tập trung vào việc giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. TQ đã gây ngạc nhiên khi thay thế chip trong các thiết bị điện tử nhập khẩu từ Mỹ bằng một tổ hợp gồm các chip nội địa của TQ và các chip có nguồn gốc từ các công ty không thuộc Mỹ. Dòng máy phablets (điện thoại thông minh kết hợp máy tính bảng) mới nhất của Huawei ra mắt năm ngoái, không xài bất kỳ con chip nào do Mỹ sản xuất.

Cạnh tranh quyết liệt về xe tự hành

Các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon như Wayno của Google và Cruise của Công ty General Motors đã bắt đầu thử nghiệm công nghệ xe không người lái, giúp các công ty Mỹ dẫn đầu về phần cứng cảm biến, như máy ảnh và radar phát hiện chướng ngại vật trên đường. Sự thống trị của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn mang lại cho họ lợi thế trong việc tạo ra những con chip về cơ bản sẽ là bộ não của những phương tiện như thế.

“Các công ty TQ đã chậm hai đến ba năm so với các đối thủ quốc tế trong việc phát triển các nguồn lực quan trọng cần thiết cho xe tự lái” – McKinsey & Co. cho biết. TQ dường như đã sẵn sàng để tiến những bước dài khi nước này tận dụng thị trường xe hơi nội địa lớn nhất thế giới và môi trường pháp lý đặc thù. Chẳng hạn như quy định hạn chế truy cập bản đồ các khu vực an ninh quốc gia. Đồng thời là yêu cầu các công ty nước ngoài phải hợp tác với các doanh nghiệp nội địa, giúp tăng lợi thế thị trường cho các “quán quân” trong nước như Baidu, Didi Chuxing Technology Co. và Pony.ai. “Thật khó để các công ty Mỹ có thể cạnh tranh ở đây” – ông Nikolaj Herskind, thuộc Công ty Tư vấn Qvartz, nói. 

________________________

(*) Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bài viết lược dịch từ tạp chí The Wall Street Journal.

LỤC MINH TUẤN *
THEO PLO.VN

Trả lời