Hạ tầng giao thông thay đổi từng ngày
Cách nay chưa lâu, phải đi qua khu vực đường Trường Chinh, Cộng Hòa, nút giao thông An Sương để tới huyện Hóc Môn và Củ Chi (2 địa phương có phần lớn diện tích được quy hoạch xây dựng Khu đô thị Tây Bắc) là nỗi ngán ngẩm của không ít người, đặc biệt trong giờ cao điểm. Dòng người chen chúc nhau, nhích từng bước một… Thế nhưng, với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hầm chui An Sương vừa qua, tình trạng giao thông ở đây đã được cải thiện đáng kể. Phương tiện giao thông qua lại gần như không còn bị tắc nghẽn.
Kết nối vùng TPHCM và Campuchia Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở QH-KT TPHCM, Khu đô thị Tây Bắc nằm trên trục xuyên Á kết nối TPHCM – Tây Ninh với Campuchia (cao tốc TPHCM – Mộc Bài) nên có một ý nghĩa hết sức đặc biệt trong tăng cường quan hệ, giao lưu hàng hóa với nước bạn Campuchia và qua đó là các nước Asean. Khu đô thị này cũng nằm trong khu vực của đường Vành đai 3 và Vành đai 4, kết nối với một loạt địa phương đang phát triển rất nhanh và năng động trong vùng TPHCM như Trảng Bom (Tây Ninh); Biên Hòa (Đồng Nai); Dĩ An, Thủ Dầu Một (Bình Dương); Đức Hòa, Đức Huệ (Long An)… Sự phát triển của Khu đô thị Tây Bắc vì thế không chỉ góp phần giúp TPHCM đón “đại bàng”, phát triển kinh tế – xã hội mà còn là động lực, sợi dây kết nối vùng và hỗ trợ cho các đô thị trên cùng phát triển. |
Song song với việc tháo nút thắt ùn tắc cho hệ thống giao thông hiện hữu kết nối khu đô thị Tây Bắc, TPHCM đang quyết liệt triển khai 2 dự án giao thông lớn nối tiếp, đó là xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh) và tuyến metro số 2, giai đoạn 1 từ Bến Thành – Tham Lương, giai đoạn 2 kéo dài từ Tham Lương tới Củ Chi. Dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài đang được 2 địa phương là TPHCM và Tây Ninh cùng Bộ GTVT chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm nay, hoặc chậm là đầu năm sau. Còn dự án xây dựng tuyến metro số 2 đang trong giai đoạn đền bù để có mặt bằng xây dựng.
Hiện nhiều địa phương có tuyến vận tải này đi qua đã tiến hành bàn giao từng phần diện tích đền bù được cho Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM. Mới đây, quận Bình Tân đã bàn giao mặt bằng xây dựng nhà ga S10 và S11 trên đường Phạm Văn Bạch; quận 10 bàn giao mặt bằng xây nhà ga S5 trên đường Lê Thị Riêng… Việc thu xếp vốn cho dự án cũng đã cơ bản hoàn tất. Theo đó, nhà tài trợ sẽ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đánh giá, với tốc độ này, TPHCM đã lên kế hoạch, hoàn thành tuyến metro số 2 vào năm 2026.
Chưa hết, theo Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở QH-KT TPHCM, đường Hồ Chí Minh chạy từ Tây Nguyên đã kết nối đến TPHCM qua địa bàn huyện Củ Chi và đang được xây dựng tới Long An… Các tuyến đường thủy kết nối với trung tâm TPHCM và các tỉnh chạy dọc sông Sài Gòn và kênh Xáng cũng đã và đang được khai thác hiệu quả.
Hiện đại và truyền thống
Cũng theo Trung tâm Thông tin quy hoạch, Sở QH-KT TPHCM, trên địa bàn các quận huyện thuộc khu vực Tây Bắc của TPHCM hiện đã có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch… làm cơ sở quan trọng cho sự phát triển của đô thị Tây Bắc. Khu Nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi là một trong những điểm sáng về khoa học kỹ thuật của TPHCM. Nơi đây nghiên cứu ứng dụng, nhân giống, nuôi cấy mô, cung cấp cây – con giống chất lượng tốt không chỉ cho nông dân TPHCM mà còn cho nông dân các tỉnh lân cận. Nơi đây còn cung cấp nhiều loại chế phẩm sinh học và trái cây thương phẩm như thanh long, chuối, dừa… với số lượng lớn, an toàn cho người tiêu dùng.
Không những sản xuất nông sản mà khu nông nghiệp còn mở rộng du lịch từ năm 2011. Đặc biệt, thu hút rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập và làm việc. Từ đó, đem lại rất nhiều nguồn lợi cho Củ Chi. Khu công nghiệp Tân Phú Trung rộng gần 540ha nằm kề quốc lộ 22. Khu công nghiệp cơ khí ô tô rộng khoảng 100ha cũng nằm tại huyện Củ Chi, với định hướng phát triển là thu hút các ngành công nghiệp trọng yếu, ưu tiên ngành cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện – điện tử, các ngành công nghiệp phụ trợ… Dư địa chào đón các nhà đầu tư mới của các khu công nghiệp này còn rất lớn. Chưa kể, tại nhiều địa phương thuộc khu Tây Bắc còn nhiều quỹ đất công lớn ở các nông trường, sẵn sàng cho việc “dọn ổ” hỗ trợ thành phố Thủ Đức đón “đại bàng”.
Trong phát triển đô thị, tại các khu dân cư hiện hữu, người dân được khuyến khích hợp tác, đầu tư vào các dự án chỉnh trang đô thị. Điều này có nghĩa, người dân có cơ hội tham gia và được hưởng lợi từ chính những thành quả phát triển đô thị trên quê hương mình; khai thác những nét truyền thống của làng quê Việt Nam. Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM (người từng được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, cũng như nghiên cứu thực hiện 10 quy hoạch phân khu dọc sông Sài Gòn từ Củ Chi về trung tâm TPHCM), các khu dân cư mới sẽ được quy hoạch hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng xã hội, kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư cũng như đảm bảo cho khu đô thị phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Toàn cũng cho biết, hiện nay Công ty Berejya (Malaysia) đang tiếp tục lập thủ tục đầu tư khu đô thị đại học quốc tế quy mô trên 800ha – là một khu chức năng trọng tâm trong Khu đô thị Tây Bắc. Đây sẽ là động lực bước đầu để triển khai đồng bộ tiếp theo các dự án đầu tư phát triển đô thị trong Khu đô thị Tây Bắc, tương tự như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nằm trong Khu đô thị Nam Sài Gòn.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia về đô thị, TPHCM tạo ra 1-2 trung tâm mới hiện đại hơn, tiện ích hơn ở cách xa trung tâm hiện hữu chừng 20-30km thì chắc chắn diện mạo, sức sống của thành phố sẽ khác đi rất nhiều. Gần đây, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đã để mắt tới Củ Chi, nhưng chưa dám mạnh dạn bỏ vốn lớn, vì còn trông đợi vào những quy hoạch căn cơ, bài bản và rõ ràng. TPHCM phải có tư duy mới, mạnh dạn hơn, tầm cỡ hơn trong quy hoạch không gian phát triển.
Nghiên cứu phát triển về phía Tây – Tây Bắc Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, Khu đô thị Tây Bắc TPHCM được xác định là hướng phát triển phụ. Hiện nay, TPHCM đang tổ chức lập điều chỉnh tổng thể đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công văn số 136/TTg-CN ngày 1-2-2019 chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Căn cứ vào điều kiện địa hình cao, địa chất tốt tại khu vực Tây Bắc thành phố, thuận lợi để phát triển đô thị, UBND TPHCM đã có chủ trương nghiên cứu, xem xét về định hướng ưu tiên phát triển của thành phố về hướng Tây – Tây Bắc, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay trong quá trình lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Quy mô dân số dự báo tăng thêm và sẽ được xác định cụ thể, sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 được Thủ tướng phê duyệt. |
Theo sggp.org.vn