Bất động sản, Kinh doanh & pháp luật, Thị trường và giá cả, Thông tin
Các quy định về tách thửa đất trên địa bàn TP Cần Thơ
Các quy định về tách thửa đất trên địa bàn TP Cần Thơ
Tách thửa đất là thủ tục phân chia quyền sử dụng đất và quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất từ một thể hợp nhất thành nhiều phần khác nhau. Tuy nhiên, việc tách thửa phải đảm bảo các quy định pháp luật; mỗi địa phương có quy định về việc tách thửa khác nhau. Báo Cần Thơ xin giới thiệu đến bạn đọc một số quy định về tách thửa đất trên địa bàn TP Cần Thơ.
Việc tách thửa đất phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định. Trong ảnh: Phần đất tại phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, vừa được thực hiện thủ tục tách thửa theo yêu cầu của người dân. Ảnh: Hoàng Yến
Việc tách thửa đất trên địa bàn thành phố được thực hiện theo Quyết định số 16/2022/QÐ-UBND quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất. Theo đó, điều kiện tách thửa, hợp thửa, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất, bao gồm: đất ở, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản) và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa đất.
Loại đất được tách thửa, hợp thửa quy định tại Quyết định này được xác định theo mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi chung là GCN).
Ðiều kiện tách thửa: tách thửa để chuyển quyền của người sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai; thửa đất đã được cấp GCN theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và còn trong thời hạn sử dụng đất. Ðất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; đất không có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất đang có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Diện tích được tách thửa để hình thành thửa đất mới và diện tích còn lại của thửa đất sau khi tách phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu quy định. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề có cùng mục đích sử dụng để tạo thành thửa đất mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu và thửa đất còn lại sau khi tách thửa có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu được tách thửa thì được tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp GCN cho thửa đất mới.
Diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở: đất tại các phường, thị trấn diện tích tối thiểu được tách thửa từ 40m2 trở lên; đất tại các xã diện tích tối thiểu được tách thửa từ 60m2 trở lên. Ngoài điều kiện đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định, các thửa đất được tách thửa phải có kích thước bề rộng và chiều sâu của thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4m. Ðối với thửa đất ở tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu thì thửa đất tách ra và thửa đất còn lại phải tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu đó.
Trường hợp thửa đất ở không tiếp giáp trực tiếp với đường giao thông hiện hữu do có nguồn gốc tách một phần thửa để chuyển mục đích sang đất ở, thì việc tách thửa phải thực hiện đồng thời với các thửa đất liền kề tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu để đảm bảo thửa đất tách ra và các thửa đất còn lại tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu đó. Không áp dụng diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các thửa đất liền kề trong trường hợp này, nhưng các thửa đất liền kề tách ra và các thửa đất liền kề còn lại phải đảm bảo có chiều ngang (bề rộng) mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu lớn hơn hoặc bằng 4m.
Trường hợp tách thửa đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở: diện tích tối thiểu được tách thửa từ 200m2 trở lên. Ðồng thời, các thửa đất được tách thửa phải có kích thước bề rộng và chiều sâu của thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4m. Việc sử dụng đối với đất thương mại, dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải đảm bảo phù hợp chế độ sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai hiện hành.
Tách thửa đối với đất nông nghiệp riêng ở quận Ninh Kiều: đối với đất trồng cây lâu năm, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 150m2 trở lên; đối với đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác và đất nuôi trồng thủy sản diện tích tối thiểu được tách thửa từ 1.000m2 trở lên. Các quận, huyện còn lại, đối với đất trồng cây lâu năm tại các phường, thị trấn, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 300m2 trở lên; tại các xã, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 600m2 trở lên; đối với đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác và đất nuôi trồng thủy sản, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 1.000m2 trở lên.
Ðối với thửa đất có nhiều mục đích sử dụng đất thì diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất thực hiện theo quy định. Riêng đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa được quy định như sau: đối với đất trồng cây lâu năm tại phường thuộc quận, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 150m2 trở lên; tại thị trấn thuộc huyện, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 200m2 trở lên; tại các xã thuộc huyện, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 300m2 trở lên; đối với đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác và đất nuôi trồng thủy sản tại phường, thị trấn thuộc quận, huyện, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 500m2 trở lên; tại xã thuộc huyện, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 1.000m2 trở lên. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất (được hình thành trước ngày 1-7-2004) thì diện tích tách thửa được xác định theo mục đích đất ở. Phần diện tích đất còn lại không bị điều chỉnh bởi diện tích tối thiểu tách thửa quy định tại Quyết định này và được tách thửa cùng với đất ở. Trường hợp thửa đất tiếp giáp đường giao thông hiện hữu thì thửa đất tách mới và thửa đất còn lại phải tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu đó.
Hoàng Yến (Tổng hợp)
Nguồn: https://baocantho.com.vn/cac-quy-dinh-ve-tach-thua-dat-tren-dia-ban-tp-can-tho-a164888.html |