Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Trong 11 tháng năm 2024, Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hút vốn 1,71 tỷ USD vốn FDI, luỹ kế đến hết tháng 11/2024, tổng FDI đầu tư vào tỉnh đạt 36,49 tỷ USD, một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Hình 1: Các địa phương có lũy kế vốn FDI đến hết tháng 11/2024 nhiều nhất cả nước

Bà Rịa – Vũng Tàu: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hấp dẫn nguồn vốn FDI
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024)

Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ đứng trong nhóm dẫn đầu về tổng giá trị FDI, mà còn có tỷ suất đầu tư dự án cao nhất trong nhóm 5 tỉnh đứng đầu cả nước. Cụ thể, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 490 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 33,3 tỷ USD với trung bình 1 dự án vào khoảng 68 triệu USD.

Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục đón đầu luồng đầu tư mới của các nhà đầu tư với suất đầu tư ngày càng cao, công nghệ hiện đại. Nhiều dự án tỷ USD đã có mặt, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với hệ thống đầu tư quốc tế của nhiều tập đoàn kinh tế thế giới, như: Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Australia), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc)…

Đâu là lợi thế của tỉnh trong thu hút FDI?

Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh có nhiều lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh sở hữu cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, cảng duy nhất có những chuyến tàu trực tiếp đi EU và Mỹ… có tài nguyên dồi dào, nguồn điện, nước ổn định, sạch và khí tự nhiên phong phú là điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là lợi thế của Bà Rịa – Vũng Tàu khi đón được những chuyến tàu container lớn nhất thế giới

Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống giao thông đường bộ, đường biển và sắp tới là đường hàng không (sân bay Long Thành) … Tỉnh đã triển khai đầu tư hệ thống giao thông kết nối vùng, như: các dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, đường kết nối ven biển, đường kết nối với hệ thống cảng biển… để tạo sự kết nối trong tỉnh và khu vực, tạo làm tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, đồng hành cùng doanh nghiệp

Không chỉ có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển, vị trí địa lý thuận lợi…, nhiều nhà đầu tư FDI quyết định đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu còn vì môi trường đầu tư thuận lợi, chính quyền luôn chia sẻ, đồng hành cùng các nhà đầu tư.

Tỉnh luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như: miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tiếp cận vốn tín dụng, cấp phép lao động… Tổ công tác đặc biệt 997 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ làm tổ trưởng định kỳ họp vào thứ 5 hàng tuần, đến nay đã giải quyết gần 50 khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh rất chú trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, phấn đấu đạt mục tiêu chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Từ quyết tâm cải cách hành chính, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã tăng lên, các chỉ số khác cũng vượt lên top đầu.

“Trong thu hút đầu tư, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn xác định quan điểm xuyên suốt từ các kỳ Đại hội Đảng trước, thu hút có chọn lọc, lựa chọn những dự án có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường và không thâm dụng lao động. Trăn trở để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, Đảng bộ, chính quyền xác định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước để đảm bảo nhà đầu tư đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Lê Ngọc Linh khẳng định.

Việc dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI từ những tháng đầu năm 2024 cho thấy, các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối… đã giúp Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư FDI. Với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ tiên tiến, trong tương lai tỉnh sẽ trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo ông Chansak Chirawatpongsa, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP), dự án có diện tích 460 ha tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu, được xây dựng từ tháng 2/2018. Đến tháng 12/2023, LSP chạy thử nghiệm toàn bộ dự án, tháng 2/2024 dự án được nhà nước Việt Nam nghiệm thu. Dự kiến toàn bộ tổ hợp sẽ được vận hành với công suất tối đa trong năm 2024. Ông Chansak cho biết, đây là tổ hợp hoá đầu tiên và lớn nhất của Thái Lan tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 5 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng vốn của Thái Lan đầu tư tại Việt Nam. Từ khi bắt đầu đến giai đoạn hiện nay, LSP luôn nhận được sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, đất đai, chính sách thuế.

“Bà Rịa – Vũng Tàu có đội ngũ cán bộ có năng lực thuộc các sở, ngành, họ sẵn sàng hỗ trợ mọi thủ tục cho các nhà đầu tư FDI, trong đó có LSP. Họ luôn đồng hành, thấu hiểu nhà đầu tư. Chính quyền Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có những tư vấn kịp thời để LSP phát triển dự án”, ông Chansak nói.

Đất đai là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quyết định rót vốn của các nhà đầu tư, do đó, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn khẩn trương tạo quỹ đất sạch, minh bạch cung cấp thông tin, thủ tục hành chính… để các nhà đầu tư tiếp cận và quyết định đầu tư. Sở đã phối hợp cùng các địa phương nhằm hỗ trợ, hướng dẫn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch giao chủ đầu tư hạ tầng các KCN, từ đó bàn giao cho nhà đầu tư thứ cấp.

Theo ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khi giải quyết thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai, môi trường, Sở luôn xem hồ sơ mà các khu công nghiệp lấy ý kiến là “luồng đỏ” để xử lý sớm nhất, nhanh nhất.

“Khi các doanh nghiệp thứ cấp đã ký hợp đồng thuê đất và triển khai dự án, Sở khẩn trương chỉ đạo cho Văn phòng đăng ký đai thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian nhanh nhất và có thể rút ngắn so với quy định, để tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp FDI có quỹ đất triển khai ngay, đưa dự án vào hoạt động, đảm bảo đúng tiến độ”, ông Lê Anh Tú cho hay./.

Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Chỉ thị về cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI giai đoạn 2020-2025, đề ra mục tiêu đưa PCI vào trong Top 10 cả nước, giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, cải thiện từng chỉ số thành phần. Kết quả là, chỉ số PCI của tỉnh đã được cải thiện rõ rệt qua từng năm. Từng đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh thành năm 2019, tỉnh đã vươn lên vị trí 16 vào năm 2020, bứt phá xếp thứ 4 vào năm 2022, và năm 2023 xếp vị trí thứ 6. Chỉ số PCI thăng hạng minh chứng cho hành động và giải pháp đúng đắn của Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm nâng cao năng lực cạnh cạnh, gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp./.