Tiềm năng tăng trưởng của bất động sản công nghiệp Việt Nam
Bất động sản công nghiệp là bất động sản được sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc sản xuất công nghiệp. Các bất động sản này bao gồm nhà xưởng, kho bãi, nhà máy, trung tâm phân phối, cơ sở hạ tầng công nghiệp và các khu đất có tiềm năng phát triển công nghiệp tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (KCNC)…
Theo quy hoạch của các tỉnh, thành phố trên cả nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 558 KCN với tổng diện tích đất sử dụng 205.800 ha và 1.500 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 50.000 ha. Dự báo đến năm 2050, diện tích đất khu, cụm công nghiệp trên cả nước sẽ ở mức 300 – 350.000 ha, chưa kể diện tích của gần 50 khu kinh tế.
Củng cố nền tảng hoạt động nghiệp đoàn bất động sản công nghiệp Việt Nam
Mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của nước ta là: Hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh ông nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Bất động sản công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối hàng hóa. Nó cung cấp không gian và cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Thực tiễn cho thấy, phân khúc bất động sản công nghiệp đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước nhu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của một cộng đồng rộng lớn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang kinh doanh, sản xuất, làm việc liên quan đến các KKT, KCN, cụm công nghiệp, KCX, KCNC… Hiệp hội bất động sản Việt Nam – VNREA đã thành lập Liên Chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam.
Bất động sản Công nghiệp Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới |
Liên Chi hội bất động sản công nghiệp Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bất động sản công nghiệp khác trong và ngoài các KCN, cụm công nghiệp, logistics… và các tổ chức tài chính hỗ trợ liên quan đến bất động sản công nghiệp… thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần phát triển bền vững lĩnh vực bất động sản và công nghiệp, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, VIREA đã quy tụ gần như tất cả các đơn vị có bất động sản công nghiệp quy mô và chuyên nghiệp tại Việt Nam như: VSIP, Amata, WHA, Sonadezi, Long Đức, BW, Viglacera, Kinh Bắc, Long Hậu, Long Thành, Ascendas, Thành Công… Tất cả đều chung một mong muốn tập hợp trí tuệ, kiến tạo một cộng đồng chính thức để phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển chung cho thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, Đại hội Liên Chi Hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam – Nhiệm kỳ I (2024-2029) sẽ được tổ chức vào ngày 18/1/2024 với sự tham gia của hơn 300 đại biểu, bao gồm các lãnh đạo cơ quan trung ương, địa phương, đại diện các Ban quản lý KKT, KCN, cụm công nghiệp, KCX, KCNC… các doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế liên quan đến lĩnh vực bất động sản công nghiệp… Đại hội không chỉ là sự kiện để ra mắt chính thức Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, mà còn là dịp để các nhà đầu tư, chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN gặp gỡ, kết nối, chia sẻ thông tin, trao đổi, góp ý và đề xuất giải pháp sáng tạo nhằm xúc tiến cho thị trường bất động sản công nghiệp phát triển.
Chức năng và nhiệm vụ của VIREA
Thứ nhất, VIREA là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp hội viên. Cập nhật cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách và pháp luật liên quan đến hoạt động của KCX, KCN, KKT, KCNC, cụm công nghiệp tới các doanh nghiệp hội viên. Tổng hợp, phản ánh các vướng mắc của các doanh nghiệp về chính sách, cơ chế quản lý, vận hành các KCX, KCN, KKT, KCNC, Cụm công nghiệp (CCN) tới các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tạo dựng mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN với các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.
Thứ hai, phát triển quan hệ hợp tác, liên kết với các hiệp hội, đối tác, tổ chức tài chính trong và ngoài nước tạo nguồn lực quan trọng vì các nhà đầu tư, doanh nghiệp… hội viên của liên chi hội, là Diễn đàn của các doanh nghiệp KCX, KCN, KKT, KCNC, CCN và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản công nghiệp khác để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, tham gia góp ý các dự án luật, các Nghị định và thông tư liên quan đến các cơ chế, chính sách và đề xuất giải pháp phát triển hiệu quả các sản phẩm bất động sản công nghiệp.
Thứ ba, là tổ chức nghiệp đoàn chính thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, kết nối xúc tiến đầu tư, các tổ chức tài chính trong, ngoài nước. Góp phần xây dựng một tổ chức xã hội – nghề nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyên nghiệp, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một nước phát triển, thu nhập cao./.