Xe ôm, sinh viên… lũ lượt làm môi giới bất động sản

Xe ôm, sinh viên… lũ lượt làm môi giới bất động sản

Không cần chứng chỉ, không cần chuyên môn, nhiều người vẫn ngang nhiên tham gia thị trường địa ốc với giấc mộng đổi đời. Đây cũng là lúc hình ảnh người môi giới viên chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xe ôm, sinh viên… lũ lượt làm môi giới bất động sản

Hàng loạt môi giới viên “tay ngang” ồ ạt gia nhập thị trường mỗi khi bất động sản “sốt nóng”. Ảnh: Quỳnh Danh.

Những nhà tuyển dụng “dễ tính”

Mặc dù là sinh viên của một trường cao đẳng y tại Hà Nội, anh T.P (20 tuổi) vẫn có thể dễ dàng xin việc vào một sàn giao dịch môi giới địa ốc. Chính người này cũng ngỡ ngàng vì không hiểu tại sao bản thân lại được nhận một cách đơn giản như vậy.

“Người tuyển dụng nói thẳng với tôi rằng kinh nghiệm và bằng cấp không quan trọng. Khi vào công ty, các anh chị tiền bối sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực chiến cho tôi. Còn trong phần lớn thời gian của buổi phỏng vấn, họ chỉ ngồi kể về những thành tích mà công ty đạt được, mức thu nhập cao ra sao, lượng hàng bán được nhiều thế nào…”, anh T.P chia sẻ.

Khi vào làm việc tại công ty, anh T.P thực sự “vỡ mộng”. Theo đó, sàn môi giới này sẽ trả 1,5 triệu đồng/tháng để hỗ trợ xăng xe, cước điện thoại. Phần lớn thu nhập sẽ đến từ khoản hoa hồng của việc bán nhà. Đây cũng là lúc mà những vấn đề được lộ – công ty đó kinh doanh không hề tốt như những gì họ từng công bố.

“Suốt 1 tháng liền, chỉ có duy nhất một môi giới viên bán được hàng. Các buổi chia sẻ kiến thức cho người mới chỉ diễn ra trong một vài buổi, mỗi buổi kéo dài chưa đến 1 tiếng, lịch học cũng diễn ra ngẫu nhiên. Bản thân họ cũng đang mông lung vì chưa bán được nhà nên cũng không biết phải chia sẻ điều gì”, anh T.P kể lại.

Trong thời gian qua, nhiều sàn môi giới ồ ạt tuyển “quân” nên đã không kiểm soát được chất lượng của nhân sự. Ngoài ra, không ít người vì muốn đổi đời nhanh nên đã gia nhập thị trường lao động này mà không hề suy tính.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), cả nước có 300.000 môi giới nhưng chỉ có khoảng 30.000 – 40.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề. Những cá nhân còn lại có thể là bất cứ ai, bao gồm từ xe ôm, người bán hàng rong cho tới công chức Nhà nước.

“Những người này chỉ tiếp nhận, truyền tải thông tin một cách thụ động từ nguồn phát đến khách hàng mà không có sự phân tích, kiểm định, đánh giá về các vấn đề như pháp lý. Thậm chí, họ còn lấp liếm thông tin với hy vọng nhận tiền hoa hồng nhanh nhất”, các chuyên gia của VARs cho biết.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Cao Văn Hữu, Trưởng phòng kinh doanh của Công ty SouthernHomes Việt Nam, cho biết nhiều môi giới viên không “mặn mà” với tấm chứng chỉ hành nghề vì phần lớn họ đều là các “tay ngang”.

“Những người này không coi môi giới bất động sản là một “nghề” sẽ gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó là sự thờ ơ của nhiều sàn môi giới, các điều kiện tuyển dụng còn quá dễ dàng, phần lớn không yêu cầu chứng chỉ hành nghề”, ông Cao Văn Hữu cho biết.

Vị này cũng cho chia sẻ rằng trong thực tế, chỉ có một số ít trường hợp môi giới viên thiếu chứng chỉ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến việc nhiều người “chưa biết sợ”.

Báo động về đạo đức hành nghề

Không chỉ thiếu hụt chuyên môn, nhiều môi giới viên còn mất đi đạo đức hành nghề, thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Qua đây, ông Hữu đã chia sẻ một câu chuyện thực tế của bản thân.

“Khi bán hàng tại dự án nhà phố tại TP. Thủ Đức, tôi được khách hàng kể về một đơn vị khác sẵn sàng chiết khấu thêm tới 2%. Trong khi đó, phí hoa hồng của dự án này về sàn phân phối chỉ ở mức 3%”, ông Hữu cho biết.

 ảnh 1
Thị trường bất động sản đang thiếu những môi giới viên đủ cả “tâm” lẫn “tầm”. Ảnh: Quỳnh Danh.

Việc môi giới viên không tập trung vào sản phẩm, kỹ năng chuyên môn mà chỉ để ý đến việc “cắt máu”, “giật khách” dẫn đến sự nhiễu loạn thị trường. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp môi giới viên còn phủ sạch trách nhiệm sau khi hoàn thành giao dịch. Họ sẽ không hỗ trợ thông tin, giải quyết các vướng mắc sau bán hàng cho khách.

Không dừng lại ở đó, các thành viên của VARs còn cho biết nhiều môi giới còn tranh thủ sự “khan hiếm” nguồn hàng để “làm giá”, thậm chí còn “lướt cọc” hoặc bán chênh với khách. Những hành vi này vô hình chung tạo ra các đợt “sốt ảo” hay “bong bóng bất động sản”.

Theo ông Hữu, để hạn chế tình trạng này, các sàn phân phối cần khắt khe hơn khi tuyển dụng. Công ty cần phải đào tạo nhân viên theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao về kiến thức sản phẩm, đạo đức nghề nghiệp, thay vì chỉ chú ý đến chỉ tiêu bán hàng.

Thêm vào đó, các chủ đầu tư cần minh bạch, mạnh tay hơn để xử lý những trường hợp cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù nhiều đơn vị đã quy định xử lý nhưng các động thái vẫn còn hời hợt, lấy lệ.

Quan trọng nhất, bản thân môi giới cũng phải hiểu được giá trị bản thân mình và coi đây là một nghề gắn bó lâu dài. Thị trường bất động sản luôn biến động. Điều này đòi hỏi môi giới viên phải làm mới mình bằng việc cập nhật thêm kiến thức thị trường, nâng cấp các kỹ năng bán hàng…

“Bản thân tôi luôn nhắc nhở nhân viên bên dưới chăm sóc, hỗ trợ lại khách hàng cũ đặc biệt là phát triển tệp khách hàng mới để phục vụ cho chu kỳ tiếp theo của bất động sản. Nếu không chuẩn bị trước về kiến thức, kỹ năng, khách hàng thì khi bất động sản ‘tan băng’, chúng ta sẽ không thể bắt kịp dòng chảy của thị trường”, ông Hữu cho biết.

Thanh Vũ
baodautu.vn