Hàng chục hộ gia đình ngụ tại khu nhà số 171/11 đường TX 52 (phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM) kêu cứu các cơ quan chức năng can thiệp vì có nguy cơ bị tháo dỡ nhà, còn đất thì bị ngân hàng phát mãi. Nguyên do là những hộ này mua nhà đất bằng hợp đồng tay và chỉ lập vi bằng giao nhận tiền nên rơi vào tình cảnh éo le.
Nhà mới mua đã bị xiết nợ
Ông Lê Văn Hạnh (nhà số 171/11/3) cho biết, ông cùng nhiều hộ dân đã mua nhà, đất có lập vi bằng nhưng chủ sở hữu cũ đem giấy tờ đi thế chấp ngân hàng nên bây giờ “dở khóc dở cười”. Dãy nhà xây dựng trên khu đất do bà Tô Cẩm Thúy đứng tên theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số CH 09652 (sổ hồng). Ngày 8-6-2019, bà Tô Cẩm Thúy ký hợp đồng “mua bán nhà ở chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đối với căn nhà có diện tích 30m² (rộng 3m, dài 10m, 1 trệt 2 lầu) với ông Lê Văn Hạnh.
Cùng ngày, Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn lập vi bằng “xác thực hành vi các bên giao nhận tiền”, ghi nhận ông Lê Văn Hạnh có giao 700 triệu đồng cho bà Tô Cẩm Thúy nhận trực tiếp. Hầu hết những trường hợp khác mua nhà của bà Thúy cũng ký hợp đồng mua bán nhà kèm lập vi bằng giao tiền. Người dân đã trả tiền và nhận nhà nhưng vào ở chưa được bao lâu thì nhận được thông báo cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng sai phép, trả đất để đấu giá.
Ông Võ Thanh Danh (ngụ số nhà 171/11/2) than thở, điều kiện gia đình khó khăn, dành dụm mãi mới mua được căn nhà nhỏ để ở. Gia đình đã trả hết tiền và nhiều lần yêu cầu bà Tô Cẩm Thúy thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng để làm thủ tục sang tên chủ sở hữu nhà nhưng không liên lạc được. Còn ông Lê Văn Hạnh ngậm ngùi, cán bộ phường yêu cầu gia đình đập bỏ các hạng mục của ngôi nhà vì xây sai phép. Nếu không tự nguyện chấp hành, phường sẽ cưỡng chế theo quy định. Mới đây, chính quyền phường Thạnh Xuân cũng có thông báo số 160/TB yêu cầu “Các hộ dân đã nhận chuyển nhượng bằng nhiều hình thức như vi bằng, giấy tay, đang thuê… từ bà Tô Cẩm Thúy hiện đang sinh sống tại công trình vi phạm phải tự chấp hành tháo dỡ phần công trình vi phạm trước ngày 4-9-2020”. Trong khi đang thấp thỏm lo bị tháo dỡ, người dân tại khu nhà này càng thêm lo lắng khi ngày 22-7, Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh TPHCM (gọi tắt là ngân hàng) có thư mời số 260/NH yêu cầu “các cư dân đang cư ngụ giao lại nhà cho ngân hàng để họ đấu giá tài sản, thu hồi nợ”.
Cần truy trách nhiệm
Theo Luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TPHCM), Điều 167, Luật đất đai 2013 quy định, bắt buộc hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng. Nghị định 08/2020 về tổ chức hoạt động của Thừa phát lại (khoản 4, Điều 37) cũng nghiêm cấm thừa phát lại lập vi bằng xác thực nội dung “mua bán nhà đất bằng giấy tay”. Trong trường hợp các hộ dân tại khu nhà số 171/11 đường TX 52 nói trên, bên bán cũng như người dân mua nhà đất bằng giấy tay không qua công chứng là trái quy định pháp luật. Nội dung vi bằng do Thừa phát lại huyện Hóc Môn lập ghi nhận việc giao nhận tiền, không chứng nhận hay xác thực việc chuyển nhượng nhà đất giữa các bên. Do thời gian lập vi bằng trong ngày, sau khi ký hợp đồng mua bán nhà đất (giấy tay), có thể đã làm cho người dân ngộ nhận hợp đồng mua bán nhà đất đã được xác thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, những rủi ro của người dân do mua bán nhà đất bằng hợp đồng tay hoặc lập vi bằng có thể khắc phục nếu bên bán không gian dối và các đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm. Trường hợp bà Tô Cẩm Thúy đã ký hợp đồng mua bán nhà đất có lập vi bằng nhận tiền của nhiều gia đình nhưng sau đó mang giấy tờ thửa đất đi thế chấp ngân hàng là vi phạm pháp luật. Theo các chuyên gia pháp lý, việc mang hàng chục căn nhà của người dân đi thế chấp trót lọt thì cần xem xét trách nhiệm liên quan của cán bộ ngân hàng xử lý hồ sơ! Mặt khác, còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khu nhà số 171/11 đường TX 52 có quy mô 16 căn, xây dựng từ năm 2018. Việc thi công diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền quận 12 và phường Thạnh Xuân không phát hiện, ngăn ngặn, xử lý ngay từ đầu. Đến ngày 25-7-2019, Sở Xây dựng TPHCM mới có quyết định số 1893/QĐ buộc cưỡng chế, khắc phục hậu quả do vi phạm xây dựng tại khu nhà số 171/11 đường TX 52, nhưng khi đó nhà đã bán và giao cho bên mua.
Theo sggp.org.vn