Phân khúc nhà ở xã hội hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá trong năm 2025. Ảnh: Thanh Vũ
Nguồn cung ghi nhận bước tiến lớn
Việc phát triển nhà ở xã hội đang có những tín hiệu bứt tốc. Điều này được thể hiện rõ thông qua số lượng dự án mà các địa phương đăng ký hoàn thành. Trong năm 2024, con số này chỉ là 108 dự án, tương ứng 47.532 căn hộ. Còn trong năm nay, quy mô đã được nâng lên 135 dự án, với gần 101.900 căn hộ.
Sự tăng tiến này là có cơ sở khi nhiều chủ đầu tư rục rịch hoàn thành và bàn giao nhà trong năm 2025. Một trong các doanh nghiệp đó là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Vào quý II năm nay, đơn vị dự kiến bàn giao những căn hộ đầu tiên tại khu nhà ở xã hội Duy Tiên (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Dự án này có 641 căn hộ và đã được cất nóc từ tháng 9/2024.
Bên cạnh đó, HUD còn đặt mục tiêu hoàn thành 3/6 khối nhà thuộc Dự án Khu nhà ở xã hội An Sinh (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vào đầu quý III/2025. Ba công trình này dự kiến đóng góp vào nguồn cung nhà ở xã hội 456 căn.
Tiếp giáp tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng đang tích cực tham gia cuộc đua phát triển nhà ở xã hội. Trong năm 2025, địa phương này dự kiến hoàn thành tới 979 căn hộ. Trong đó, 517 căn sẽ đến từ dự án của Công ty cổ phần Thống Nhất, nằm tại huyện Trảng Bom. 462 căn còn lại thuộc dự án của Công ty Thành Thắng tại TP. Long Khánh.
Ngay trong tuần thứ 2 của năm mới, khối nhà B2 thuộc Dự án Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) cũng đã hoàn thành và bắt đầu bàn giao nhà cho người dân. Đây là “mảnh ghép” cuối trong số 8 khối nhà với tổng 1.760 căn hộ đến từ chủ đầu tư CTCP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước.
Không dừng lại ở việc hoàn thành, hoạt động khởi công dự án cũng được đẩy mạnh ngay trong đầu năm nay. Tại Hà Nội, UBND Thành phố đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) và phấn đấu khởi công ngay trong quý I/2025.
Cũng vào đầu năm nay, liên danh chủ đầu tư Handico và Viglacera sẽ khởi công công trình CT3 thuộc Khu đô thị mới Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Khi hoàn thành, Dự án sẽ cung cấp cho thị trường 1.104 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho gần 3.900 người.
Tương tự, Sở Xây dựng TP. Huế cho biết, địa phương sắp có một dự án được khởi công trong quý I/2025. Công trình nằm tại khu đất XH1 thuộc đô thị mới An Vân Dương (TP. Huế) và dự kiến ra mắt khoảng 1.000 căn hộ.
“Bệ phóng” của phân khúc nhà ở xã hội
Dựa trên những tín hiệu tích cực của thị trường, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) dự báo, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2025.
“Luật mới đã mở ra nhiều điểm sáng trong hoạt động đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Đơn cử, quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê lại nhà lưu trú công nhân để bố trí cho người lao động thuê lại”, vị chuyên gia của VARS dẫn chứng.
Không chỉ mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 còn bổ sung các đơn vị được phép tham gia phát triển dự án. Quy định này sẽ khuyến khích thêm các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội.
“Bên cạnh khoản lợi nhuận tối đa 10%, chủ đầu tư dự án còn có thể nhận thêm lợi nhuận từ phần diện tích công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại – chiếm 20% diện tích phát triển dự án”, bà Phạm Thị Miền chia sẻ thêm.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội đang được trợ lực nhờ hành lang pháp lý vững chắc từ Luật Nhà ở 2023. Dù lợi nhuận tối đa vẫn bị giới hạn ở mức 10%, nhưng đổi lại, doanh nghiệp nhận được nhiều hỗ trợ hơn khi thực hiện dự án.
“Luật mới có rất nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ nhất, được miễn tiền thuê đất, sử dụng đất. Thứ hai, giảm thiểu quy trình thủ tục. Thứ ba, mở rộng đối tượng mua. Thứ tư, cơ chế linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất 20% dành cho nhà ở xã hội”, ông Lực liệt kê.
Theo tiết lộ của vị chuyên gia này, Công ty Địa ốc Hoàng Quân đang rất hào hứng với các chính sách mới và sẵn sàng hợp tác với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để phát triển dự án nhà ở xã hội.
Mới đây, phân khúc này còn tiếp tục đón “tin vui” về nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 55/NHNN-TD gửi tới 9 ngân hàng thương mại về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, thông tin đáng chú ý là việc hạn mức tín dụng của gói 120.000 tỷ đồng (nay tăng lên 145.000 tỷ đồng) sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm. Chính sách sẽ áp dụng đến năm 2030, với điều kiện doanh số cho vay không vượt quá số tiền cam kết ban đầu của các ngân hàng. Quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội, mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng.