“Thời” của lao động nhập cư tại Hàn Quốc

“Thời” của lao động nhập cư tại Hàn Quốc

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Hàn Quốc, quốc gia có luật nhập cư nghiêm ngặt, đã chấp nhận lao động nước ngoài tạm thời từ những năm 1990 để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong các lĩnh vực có giờ làm việc dài nhưng lương lại thấp, đặc biệt là sản xuất và nông nghiệp. Song, Seoul hiện đang biến lao động nhập cư trở thành một phần quan trọng trong tầm nhìn kinh tế trong bối cảnh nước này tìm cách thúc đẩy tăng trưởng.

 Lao động nhập cư làm việc tại một trang trại ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Vào khoảng thời gian sắp tốt nghiệp trung học, Kuda Jayantha đã bắt đầu chú ý đến quảng cáo về các lớp học nhằm chuẩn bị cho người lao động đi làm ở Hàn Quốc. Và trong bối cảnh kinh tế Sri Lanka chìm sâu trong tình trạng tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao, Jayantha bắt đầu học ngoại ngữ và chuẩn bị hồ sơ để xin việc tại các nhà máy ở quốc gia Ðông Á này. 6 năm sau, Jayantha làm việc theo ca 12 tiếng tại một nhà máy chuyên đúc trục bánh xe ở xứ kim chi. Dù vất vả nhưng anh lại rất hài lòng với công việc hiện tại. “Ðó là một đất nước hòa bình. Nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể kiếm được một số tiền” – Jayantha nói. Jayantha cho biết dự định ở lại Hàn Quốc trong thời gian tới. Ðến nay, anh đã đạt được chứng chỉ năng lực tiếng Hàn và bằng lái xe nâng, những thứ mà anh hy vọng sẽ giúp tìm được công việc có mức lương cao hơn, hấp dẫn hơn.

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc có kế hoạch tuyển dụng khoảng 110.000 lao động nước ngoài trong năm nay trước tình trạng thiếu hụt nhân công tại các trang trại và nhà máy. Con số này tăng mạnh so với con số 88.000 người hồi năm trước. Bộ trưởng Tư pháp Han Dong-hoon trong bài phát biểu trước công chúng hồi tháng 7 thừa nhận: “Không có người nhập cư, Hàn Quốc không có tương lai”.

Giống như nước láng giềng Nhật Bản đang già đi nhanh chóng và cũng đang chuyển sang sử dụng lao động nước ngoài, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Song, trong khi Nhật Bản nỗ lực thu hút lao động có tay nghề vào các lĩnh vực như sản xuất bộ phận máy móc hay dụng cụ lao động thì lao động nước ngoài ở Hàn Quốc lại thực hiện phần lớn các công việc phổ thông hoặc bán kỹ năng trong các nhà máy, trang trại hay bãi cá. Hiện các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ điều chỉnh luật để người nước ngoài có thể dễ dàng làm việc trong những lĩnh vực gặp khó trong khâu tuyển dụng, như nhà hàng, nhà nghỉ và dịch vụ chuyển phát nhanh.

Trong một động thái gây chú ý, chính quyền Seoul gần đây đã công bố kế hoạch nhằm mở đường cho Hàn Quốc đưa người giúp việc nhà từ những nơi khác ở châu Á đến nhưng với mức lương thấp hơn so với mức lương mà người bản địa kiếm được. Từ lâu, người giúp việc nhà từ các nước nghèo hơn đã làm công việc giúp việc và chăm sóc trẻ em ở các nền kinh tế châu Á phát triển như Hong Kong hay Singapore nhưng Hàn Quốc cho đến nay vẫn chưa “mở cửa”, khiến các gia đình phải dựa vào người thân hoặc các dịch vụ chăm sóc tư nhân đắt đỏ. Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon cho biết việc cho phép người nước ngoài giúp việc nhà có thể giúp nước này làm chậm tốc độ giảm tỷ lệ sinh.

Năm 1990, Hàn Quốc có khoảng 49.000 lao động nước ngoài cư trú dài hạn. Đến năm 2019, lượng người nước ngoài, gồm những người cư trú dưới 90 ngày, đã tăng hơn 2,5 triệu, chiếm 4,9% tổng dân số Hàn Quốc.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/-thoi-cua-lao-dong-nhap-cu-tai-han-quoc-a165633.html